Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam thu hẹp không gian pháp lý của xã hội dân sự

Hiếu Bá Linh (Trích dịch) 

 

(VNTB) – Việt Nam bắt đầu sử dụng luật thuế và bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà lãnh đạo XHDS với tội danh trốn thuế, tuyên truyền chống nhà nước và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”

 

Đó là tựa đề của bài viết của Giáo sư Mark Sidel đăng ngày 3-2-2023 trên Asia Sentinel, một trang mạng tin tức và phân tích về chính trị, kinh tế, văn hóa của Châu Á.

Mở bài, GS Mark Sidel viết rằng “Khi nói về việc sử dụng luật pháp và chính sách để hạn chế xã hội dân sự (XHDS) ở châu Á, chúng ta thường nghĩ đến Trung Quốc và Ấn Độ”. Nhưng ít gây chú ý (trên quốc tế) lại là Việt Nam mặc dù “xu hướng thu hẹp không gian dân sự đã vượt xa hai quốc gia này”. 

Ông Mark Sidel mô tả rõ tình hình: “Ở Việt Nam, một nhà nước Cộng sản độc đảng, trước đây đôi khi có thái độ linh hoạt hơn đối với xã hội dân sự, đã bắt đầu thu hẹp không gian cho các hoạt động này trong những năm gần đây. Ngày nay, Việt Nam là một ví dụ – ít gây chú ý (trên quốc tế) – về nhiều cách thức mà các chính phủ độc tài hoặc phi dân chủ có thể bóp nghẹt XHDS vào thời điểm mà nó đang chuẩn bị phát triển”.

GS Mark Sidel nhấn mạnh các tổ chức XHDS tại Việt Nam “đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi Đảng Cộng sản và chính phủ thắt chặt kiểm soát xã hội theo mô hình của Trung Quốc”.

Ông cũng nêu ra một số trường hợp điển hình về việc: “Việt Nam bắt đầu sử dụng luật thuế và bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà lãnh đạo XHDS với tội danh trốn thuế, tuyên truyền chống nhà nước và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Đó là (trích nguyên văn):

︎Các nhà lãnh đạo của Mạng lưới VNGO-EVFTA (LS Đặng Đình Bách, nhà báo Phan Văn Lợi và ông Bạch Hùng Dương), họ muốn tham gia Ban Tư vấn DAG Việt Nam thể theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU để vận động cho nhiều quyền lợi hơn của người lao động. [1] 

︎ Bà Ngụy Thị Khanh [2], người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh Hà Nội, người đã đoạt giải thưởng môi trường Goldman, một trong những giải thưởng môi trường uy tín nhất thế giới; và một số nhà hoạt động XHDS và môi trường nổi bật khác.

︎Nhiều người chỉ trích chính trị và bất đồng chính kiến cũng đã bị bắt và bị kết án trong những năm gần đây [3], gồm các nhà báo độc lập (Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn của Hội Nhà báo Độc lập), các blogger và các nhà hoạt động khác. Và mới tháng trước, Hà Nội đã bỏ tù Giáo sư Hoàng Ngọc Giao [4] cũng về tội trốn thuế. GS Giao là người có nhiều mối quan hệ và là lãnh đạo đôi khi bộc trực và nóng nảy của một nhóm xã hội dân sự về chính sách pháp lý.

︎Đôi khi các biện pháp khác cũng được sử dụng để trừng phạt các tổ chức XHDS độc lập. Năm ngoái, Tổ chức Hướng tới Minh bạch Việt Nam, chi nhánh ở Việt Nam của tổ chức Minh bạch Quốc tế toàn cầu, đã ngừng hoạt động sau khi chính quyền thành phố Hà Nội phạt và đóng trang web của tổ chức này [5] vì sử dụng bản đồ do tổ chức quốc tế cung cấp mà không hiển thị quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một nhà quan sát viết cho ban Việt ngữ BBC [6], đặt câu hỏi, liệu mục tiêu thật sự có phải là bịt miệng một tổ chức giám sát tham nhũng độc lập hay không.

︎Trong những tháng gần đây, hai tổ chức phi chính phủ có uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đóng cửa.

 

(Hết trích)

 

Tuy nhiên nội dung chính bài viết của GS Mark Sidel là nói về việc nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang “thực hiện các bước để thắt chặt khuôn khổ pháp lý đối với XHDS”, điều mà người dân Việt Nam hầu như không biết hoặc biết mà không quan tâm chú ý. Chẳng hạn như Nghị định mới số 58/2022/NĐ-CP) [7] được ban hành hồi tháng 8 năm 2022,  về đăng ký và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nghị định mới này thay thế các quy định có từ năm 2012. Ông Mark Sidel nhấn mạnh:

“Nghị định mới thắt chặt đáng kể các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài ở Việt Nam, bằng cách thu hẹp định nghĩa về các nhóm được cấp phép, trong khi vẫn giữ nguyên các lệnh cấm trên diện rộng đối với các hoạt động vi phạm “lợi ích quốc gia”, “trật tự xã hội”, “đạo đức xã hội”, “thuần phong mỹ tục”, “truyền thống” hoặc “đoàn kết dân tộc” của Việt Nam”.

Nhưng, theo GS Mark Sidel, không phải chỉ đối với các tổ chức NGO nước ngoài, đáng lo ngại hơn nữa là những hạn chế mới sẽ được áp dụng cho các tổ chức XHDS trong nước của Việt Nam. Cụ thể là mùa hè năm 2022, chính phủ Việt Nam công bố dự thảo nghị định mới để lấy ý kiến công chúng. Đó là Dự thảo “Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” [8]. Ông Mark Side nêu rõ:

“Ngay từ thập niên 1990, các tổ chức phi chính phủ mới thành lập của Việt Nam đã bắt đầu thúc đẩy sự ra đời một Luật về Hội để gia tăng quyền của hiệp hội [9]. Nhưng trong nhiều năm, luật như vậy đã bị chặn bởi những người trong đảng cầm quyền và chính phủ, những người phản đối sự phát triển của xã hội dân sự. Giờ đây, quả lắc trong trận chiến trường kỳ này đang đứng về phía các lực lượng chủ trương hạn chế và dự thảo được công bố sẽ hệ thống hóa một số biện pháp hạn chế gần đây”.

“Theo dự thảo, các khoản trợ cấp tài chính sẽ được cung cấp cho các hiệp hội trực thuộc Đảng và chính phủ, củng cố vai trò của Đảng trong việc quản lý các hiệp hội, và đưa ra một danh sách mở rộng và mơ hồ về các hoạt động bị cấm, có thể khiến các nhóm XHDS phải chịu các biện pháp trừng phạt đáng kể”.

“Dự thảo cũng có những  quy định làm cho quá trình thành lập tổ chức trở nên khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự chấp thuận của chính phủ đối với nhiều thay đổi về điều lệ, quy tắc hoặc ban lãnh đạo của tổ chức, đồng thời cung cấp nhiều căn cứ để các hiệp hội có thể bị đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động. Một tài liệu dài từ Bộ Nội vụ Việt Nam đã trình bày các điều khoản quy định mở rộng và so sánh chúng với các quy định trước đó [10]”.

 

(Hết trích)

 

Tôi hỏi thật, có anh chị em nào đã biết và quan tâm chú ý đến các Nghị định và dự thảo nêu trên không?

 

______________

Ghi chú:

[1] https://www.business-humanrights.org/en/latest-news/vietnam-civil-society-members-of-the-eu-vn-free-trade-agreement-advisory-group-charged-and-imprisoned/

[2] https://www.theguardian.com/global-development/2022/feb/09/award-winning-vietnamese-environmentalist-arrested-as-rights-groups-fear-clamp-down

[3] https://www.amnesty.org/en/latest/news/2021/12/vietnam-pham-doan-trang-conviction/

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/researcher-hoang-ngoc-giao-arrested-with-accusation-of-transferring-documents-to-foreigners-12192022082527.html

[5] https://www.transparency.org/en/press/statement-on-the-sanctioning-of-towards-transparency-our-national-contact-in-vietnam

[6] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-63564782

[7] https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/nghi-dinh-58-2022-nd-cp-229002-d1.html#:~:text=Ngh%E1%BB%8B%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20n%C3%A0y%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh,phi%20ch%C3%ADnh%20ph%E1%BB%A7%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20ngo%C3%A0i.

[8] http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-chuc-hoat-dong-va-quan-ly-hoi-2

[9] https://www.icnl.org/resources/research/ijnl/maintaining-firm-control-recent-developments-in-nonprofit-law-and-regulation-in-vietnam

[10] http://vibonline.com.vn/wp-content/uploads/2022/08/totrinhndquanlyhoi-2.pdf

– Tham khảo: https://kienthuc.net.vn/tin-vusta/gop-y-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-to-chuc-hoat-dong-va-quan-ly-hoi-1736970.html

http://vibonline.com.vn/wp-content/uploads/2022/08/220809_CV-lyk-DTND-ve-to-chuc-quan-ly-hoi-1.pdf

– Nguồn: https://usali.org/usali-perspectives-blog/vietnams-closing-space-for-civil-society

https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-closing-legal-space-civil-society


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Berlin là một chuyến thăm khó khăn?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Hợp đồng giả cách” – Khi kẻ cắp gặp bà già

Do Van Tien

VNTB – Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH lên tiếng về vụ Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt giam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo