VNTB – Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và yêu cầu thực thi

VNTB – Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và yêu cầu thực thi

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu cuối ngày 11-10 (giờ Việt Nam).

Việt Nam cam kết gì?

Vấn đề đặt ra là thực thi nhân quyền một cách đầy đủ hơn ở Việt Nam sắp tới đây sẽ ra sao đặt trong các cam kết của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ)? Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016. Như vậy 14 thành viên mới đắc cử của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ ba năm, bắt đầu vào tháng 1-2023.

Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 12-9 đến 7-10 vừa qua, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai – trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự khóa họp, đã nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đại sứ tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là lấy con người làm trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển.

Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 quốc gia thành viên được Đại hội đồng LHQ bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm. Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ chịu trách nhiệm xác định các vi phạm quyền con người trên toàn cầu và đưa ra các khuyến cáo liên quan. Và, dù các quyết định của Hội đồng Nhân quyền LHQ không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chúng gửi đi những thông điệp chính trị quan trọng.

Như vậy phải chăng từ đầu năm 2023, Việt Nam sẽ tôn trọng hơn về quyền bày tỏ chính kiến chính trị? Theo đó việc quy chụp án chính trị từ Điều Luật Hình Sự 117 sẽ được cân nhắc trong các cáo buộc đối với những nhà phản biện dân chủ, những nhà được gọi là ‘bất đồng chính kiến’ ở một quốc gia “quyền lực thống nhất” của “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”?

Căn cứ pháp lý cho đòi hỏi nhân quyền

Người viết cho rằng căn cứ pháp lý ở đây về nhân quyền khi mà Việt Nam đắc cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ ba năm, bắt đầu vào tháng 1-2023, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR), được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng LHQ; có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49 của văn bản này.

Theo đó mọi người dân Việt Nam đều được bảo hộ về quyền con người như nêu tại Điều 18 của bản ghi tiếng Việt ICCPR, có nội dung như sau:

“1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.

  1. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
  2. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
  3. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ”.

Điều Luật Hình Sự 117 cần được tu chỉnh

Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi 2017), “Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Khoản 3 ghi: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo Khoản 1 Điều 14 của Bộ Luật Hình Sự 2015 thì có 3 nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội như sau: Một, tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội; Hai, tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm; và Ba, thành lập, tham gia nhóm tội phạm…

Như vậy trong trường hợp nêu tại Khoản 3 của điều luật hình sự 117, “chuẩn bị phạm tội” được nhà chức trách áp đặt là hành vi trong tương lai này tuy mới hình thành trong kế hoạch, trong tâm thức ở mức quan điểm, song người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với cách hiểu trên cho thấy đã mâu thuẫn với Điều 19 của bản ghi tiếng Việt ICCPR, quy định:

“1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

  1. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
  2. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
  3. a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
  4. b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.

Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc thực thi theo nội dung ICCPR từ năm 1982. Tuy nhiên từ đó đến nay các yêu cầu của ICCPR được ghi nhận là dần được áp dụng với nhiều hạn chế trong quyền dân sự và chính trị, với nguyên do Việt Nam là quốc gia không có sự cạnh tranh về đảng chính trị.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)