VNTB – Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi Hạng 3 về buôn người, Bài 1

VNTB – Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi Hạng 3 về buôn người, Bài 1

Bài 1: Việt Nam đã trừng phạt thích đáng tội phạm buôn người chưa?

Ba Khía

(VNTB) – Nhiều tờ báo, đài truyền hình VN phê phán một số bài viết trên VNTB là giả hình, nước mắt cá sấu, xuyên tạc, nói xấu chế độ … Mới đây tờ Biên Phòng cơ quan của Đảng Ủy Bộ Tư Lệnh Bộ Đội Biên Phòng VN có bài Thiếu khách quan khi cho rằng, Việt Nam không quan tâm đến nạn buôn người. Báo này viết, “trên trang Việt Nam Thời Báo có bài viết cho rằng: Việt Nam không quan tâm đến nạn buôn người. Đó là ý kiến thiếu khách quan, nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta.” Sự chỉ trích của truyền thông nhà nước VN đối với VNTB có đúng không?

Bài báo của Biên Phòng chỉ đưa ra một số luật về phòng chống nạn buôn người chính phủ VN đã ban ra, nhưng không thấy nêu ra được bằng chứng cho thấy Chính Phủ thực hiện điều họ viết trong luật. Báo này tưởng rằng ban nhiều luật như thế là VN đã tích cự trong việc chống nạn buôn người. Chính Phủ VN chỉ nói mà không làm. Việc các tội phạm xảy ra với bằng chứng rành rành, chính phủ VN đã bị bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giáng cấp xuống hạng 3 về nạn buôn người khiến VN mất mặt trên trường quốc tế và thiệt hại cả về danh dự lẫn một phần kinh tế.

VNTB lần lượt đăng ba bài viết của một luật gia trong trang Đề Án Dân Quyền (*) gửi cho chúng tôi chứng minh VN chưa sẵn sàng góp tay với cộng đồng quốc tế để chấm dứt hay giảm thiểu nạn buôn người.

 

Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi hạng 3 về tình trạng buôn người và tránh khỏi các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phân loại và áp dụng nếu thực hiện đồng bộ cả 4 hành động sau đây:

– Trừng phạt thích đáng tội phạm buôn người;

– Bảo vệ nạn nhân;

– Thực thi các biện pháp phòng chống tội phạm buôn người có hiệu quả;

– Hợp tác với mọi thành phần trong quốc gia và quốc tế để phòng chống, trừng phạt tội phạm buôn người và bảo vệ nạn nhân.

Vào năm 2011, nhà nước Việt Nam đã ký Nghị Định Thư Về Việc Ngăn Ngừa, Phòng Chống và Trừng Trị Việc Buôn Bán Người, Đặc Biệt Là Phụ Nữ và Trẻ Em – bổ sung cho Công Ước Về Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia Của Liên Hiệp Quốc (Palermo Protocol). Năm 2012, Quốc hội đã phê chuẩn Nghị Định Thư này. Do đó, nhà nước Việt Nam phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các điều khoản trong nghị định.

Tại Điều 5 Nghị Định Thư Palermo đã quy định rõ nghĩa vụ đối với các quốc gia tham gia là phải hình sự hoá hành vi buôn người thành một tội danh. Tội danh này bao gồm các hành vi mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột sức lao động, cưỡng bức tình dục hoặc lấy đi bộ phận cơ thể nào đó của nạn nhân. Tội danh này cũng phải được áp dụng với những kẻ tham gia, tiếp tay hoặc giúp sức cho kẻ phạm tội với tư cách đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức.

Bộ Luật Hình Sự 2015 của nhà nước Việt Nam thoả mãn tương đối đầy đủ các yêu cầu trên khi dành tới hai điều luật số 150 và 151 để định danh tội và hình phạt tương ứng với hai hành vi đã được quy định tại Nghị Định Thư Palermo. Điều 150 quy định về tội buôn bán người và Điều 151 quy định về tội buôn bán trẻ em.

Tuy nhiên, chỉ hình sự hoá hành vi buôn bán người là chưa đủ. Vấn đề tiếp theo đó là việc LUẬT CÓ ĐƯỢC ÁP DỤNG vào trong thực tế hay không. Chúng ta hãy xem xét các vụ việc sau đây để đánh giá về mặt thực thi các điều luật này của nhà nước Việt Nam:

– Năm 2019, Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Dịch Vụ và Du Lịch Hùng Vương (HAVIMEC, JSC) địa chỉ ở 7B5 Khu đô thị Đại Kim, Phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội đã bán nạn nhân Huỳnh Thị Gấm, nguyên quán ở tỉnh Long An, cho một số chủ sử dụng lao động ở Ả Rập Xê Út dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động. Vào tháng 3 năm 2022, Huỳnh Thị Gấm đã gửi đơn tố giác tội phạm tới Thanh Tra Bộ Công An và Văn Phòng Cảnh Sát Điều Tra Công An Thành Phố Hà Nội. Vào tháng 8 năm 2022, nạn nhân tiếp tục gửi đơn lần hai nhưng từ đó đến nay vẫn chưa một cơ quan nào của nhà nước trả lời đơn.

Tương tự như trường hợp của Huỳnh Thị Gấm, các nạn nhân Nguyễn Thị Thuý ở Bình Dương và Vi Thị Lan ở Thanh Hoá, trong tháng 8 năm 2022 đã gửi đơn trực tiếp tới Thanh Tra Bộ Công An, Công An Thành Phố Hà Nội và Công An Tỉnh Thanh Hoá để tố giác Công Ty Cung Ứng Lao Động Quốc Tế và Dịch Vụ trực thuộc Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông 1 – Công Ty Cổ Phần INMASCO – CIENCO1 địa chỉ ở Số 33 phố Trung Kính, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thuận An DMC ở địa chỉ Lô 7, 8 liền kề 8, Khu Đô Thị Mới Đông Sơn, Phường An Hưng, Thành Phố Thanh Hóa đã bán họ sang Ả Rập Xê Út nhưng đến nay cũng không một cơ quan nào lên tiếng trả lời thụ lý vụ việc.

Rõ ràng, tuy đã có luật nhưng nhà nước Việt Nam không hề thực tâm trong vấn đề trừng phạt những kẻ phạm tội chiếu theo chính điều luật đã được ban hành. Như vậy các điều luật của Việt Nam về buôn người chỉ là hình thức trên giấy tờ mà không có giá trị thực tế.

__

Điều 5 Nghị Định Thư Palermo về nghĩa vụ Hình sự hoá (trừng phạt) tội phạm buôn người:

  1. Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng những biện pháp lập pháp cũng như các biện pháp khác khi cần thiết để hình sự hóa những hành vi nêu tại điều 3 Nghị định thư này khi những hành vi này được thực hiện một cách cố ý.
  2. Mỗi quốc gia thành viên cũng sẽ áp dụng những biện pháp lập pháp và các biện pháp khác khi cần thiết để hình sự hóa những hành vi sau đây:
  3. a) cố gắng thực hiện một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này, theo các khái niệm cơ bản trong hệ thống pháp luật của quốc gia đó;
  4. b) tham gia như một đồng phạm trong một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này; và
  5. c) tổ chức hay chỉ đạo những người khác thực hiện một hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 của điều này.

Link:

(*)https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights/


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)