Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vimedimex đã lường trước việc sẽ ‘trắng sàn’?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Vimedimex –  VMD giảm hết biên độ xuống 43.050 từ lúc mở cửa và đến cuối phiên còn dư bán sàn gần 232.000 cổ phiếu sau tin bà chủ tịch hội đồng quản trị của VMD bị bắt hôm 9-11-2021.

 

“Ăn theo” vắc-xin phòng Covid?

Cổ phiếu VMD của công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) ngày 10-11 giảm hết biên độ xuống 43.050 đồng và luôn trong tình trạng không có bên mua. Cổ phiếu này đứt mạch tăng trần bốn phiên liên tiếp sau khi chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Thị Loan bị bắt ngày 9-11 với cáo buộc bán đấu giá tài sản gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

VMD chốt phiên với khối lượng cổ phiếu sang tay tại giá sàn gần 94.000 đơn vị. Ngoài ra, còn gần 232.000 cổ phiếu đặt bán tại mức này nhưng chưa khớp lệnh.

VMD biến động rất mạnh trong ba tháng trở lại đây. Cổ phiếu này từ vùng giá 24.000 đồng vào nửa đầu tháng 8 vọt thẳng lên 88.000 đồng vào giữa tháng 9. Thị giá sau khi chạm đỉnh thì lao nhanh về 35.000 đồng, trước khi bật trở lại trong vài phiên gần đây rồi tiếp tục xoay chiều.

Vimedimex là một trong 36 doanh nghiệp được Bộ Y tế cho phép xuất nhập khẩu vắc-xin, thuốc. Cách đây ba tháng, doanh nghiệp này trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategic Partners (đơn vị thành viên của Group 42) của UAE.

Theo thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 ủy quyền cho Vimedimex là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, từ đó đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin Hayat-Vax (thương hiệu khác của Vero Cell, Trung Quốc, thuê đóng gói tại UAE).

Doanh nghiệp này cũng ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin Janssen, 5 triệu liều Pfizer và 10 triệu liều Sputnik V. Giữa tháng 9, Bộ Y tế đã đồng ý cho Vimedimex nhập khẩu 30 triệu liều Hayat-Vax, và thực tế nhận bàn giao 1 triệu liều đầu tiên không lâu sau đó.

Bán tháo vẫn chưa kịp?

Những diễn biến trước ngày bà Nguyễn Thị Loan bị bắt cho thấy dường như Vimedimex đã có sự chuẩn bị trước. Đơn cử, phó tổng giám đốc Nguyễn Luy Xít của Vimedimex từ đầu tháng 11-2021 đã đăng ký bán toàn bộ 21.700 cổ phiếu trong thời gian 8-11 đến 7-12. Lý do bán: nhu cầu tài chính cá nhân.

Đến chiều ngày 10-11-2021, lúc 15g30, phó chủ tịch hội đồng quản trị Vimedimex, ông Nguyễn Tiến Hùng căn cứ vào đơn xin nghỉ việc đề ngày 25-10-2021 của ông Nguyễn Luy Xít, đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc Vimedimex đối với ông Nguyễn Luy Xít.

Ông Nguyễn Luy Xít, sinh năm 1984, là một đại gia không thua kém bà Nguyễn Thị Loan. Ông Xít hiện là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Đại Tín Pharma. Ông được bà Nguyễn Thị Loan bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc Vimedimex từ ngày 8-5-2021.

Đại Tín Pharma được thành lập từ tháng 12-2013, chuyên phát triển các sản phẩm về cơ xương khớp. Công ty này cho biết đã đạt được tốc độ tăng trưởng 36% mỗi năm kể từ năm 2013, phân phối hàng trăm sản phẩm dược phẩm cho hơn 50 tỉnh thành, phố tại Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2021, công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld – Mã chứng khoán: DGW) đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại Đại Tín Pharma. Cùng với đó, Digiworld cũng đã cho Đại Tín Pharma vay 8,4 tỷ đồng với lãi suất 10,95%/năm.

Song song với động thái này, trong nửa đầu năm 2021, CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt và Trưởng phòng tài chính Nguyễn Văn Thuận cũng đã lần lượt đảm nhiệm các vai trò thành viên hội đồng quản trị và trưởng ban kiểm soát của Đại Tín Pharma.

Trước đó tại đại hội cổ đông thường niên 2021, Digiworld đã trình cổ đông thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bán lẻ, y tế, mỹ phẩm, đồng thời cho biết “khi cơ hội kinh doanh đến, công ty sẽ tiến hành triển khai ngay”. Nhiều nhà quan sát khi ấy cho rằng rất có thể Digiworld toan tính ‘mượn đường’ Đại Tín Pharma để ‘xâm lấn’ Vimedimex.

Cơ hội làm giàu từ đại dịch Covid

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô ngành dược của Việt Nam có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép 11%/năm. Cùng với tác động của dịch Covid-19, lĩnh vực dược phẩm càng trở nên hấp dẫn, trong đó có thị phần vắc-xin phòng Covid.

Ông Nguyễn Luy Xít từng đưa ra bài toán như sau trên cương vị là phó tổng giám đốc Vimedimex: số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, năng suất lao động trung bình của 1 lao động Việt Nam 12,8 triệu đồng/tháng. Hiện số lao động của cả nước là 44.777.400 người. Trong trường hợp phải dừng sản xuất 1 tháng thì tổng số năng suất lao động sẽ mất khoảng hơn 573.150 tỷ đồng (44.777.400 người x 12,8 triệu đồng).

Trong trường hợp thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” và tổ chức test nhanh Covid-19 trung bình 3 ngày/lần với chi phí mỗi lần xét nghiệm là 120.000 đồng, thì mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra ít nhất 57.733 tỷ đồng (44.777.400 người x 1.200.000 đồng), tuy nhiên vẫn không đảm bảo an toàn cho người lao động.

Trong khi đó, 44.777.400 người lao động nếu được tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 thì chỉ mất 64.479 tỷ đồng (44.777.400 người x 1.440.000 đồng).

Đó là về kinh tế, còn về sức khỏe, việc tiêm sớm vắc-xin sẽ giúp người lao động của các doanh nghiệp được bảo vệ tốt nhất, tạo hàng rào miễn dịch sẵn sàng chống lại virus Covid-19, đồng thời, tạo sự an tâm cho người lao động tham gia sản xuất trong thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp như hiện nay.


Tin bài liên quan:

VNTB- Đàn , Bạn đọc và Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Lễ cầu siêu cho đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia gây lo ngại cho Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.