Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Ô tô điện VF8 của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ.
Bạn đọc viết
Khó cạnh tranh ở đây ngoài chuyện thương hiệu còn quá mới mẻ, vấn đề quan trọng hơn là chất lượng xe khi vận hành không có yếu tố cạnh tranh với nhiều hãng xe khác.
Tin chắc rằng những nhận xét chê bai trên, thật ra đều nằm trong dự liệu của những nhà quản trị thương hiệu này của Việt Nam, nhất là khi ông chủ Phạm Nhật Vượng được đánh giá là một doanh nhân lận lưng số má từ hồi còn tung hoành bên xứ Đông Âu thuở Liên Xô.
Trưa thứ tư 13-12-2022, tác giả Kevin Williams – một phóng viên chuyên về xe ở Mỹ đã được VinFast mời sang thăm nơi sản xuất xe ở Hải Phòng và được cho chạy thử xe VF8, VF9 trên đảo VinPearl ở Nha Trang, đã có bài viết tường thuật khá dài đăng trên mạng Jalopnik.com.
Chuyến đi của Kevin Williams, cùng với hàng trăm khách mời của VinFast gồm nhà báo, những người có tầm ảnh hưởng và những người đã đặt mua xe. Họ khởi hành từ California đến Việt Nam trên một chuyến bay do VinFast thuê bao.
VinFast tổ chức đón phái đoàn rất hoành tráng với tiệc tùng, du thuyền, văn nghệ và luôn cho nhân viên theo dõi các khách mời, ông Kevin kể lại.
Dù được bao ăn ở trong thời gian ở Việt Nam, Kevin cho rằng VinFast đã làm phí thời gian của ông vì ông chỉ muốn biết về sản phẩm ôtô điện của VinFast, mà ông hoàn toàn thất vọng với chất lượng từ độ mạnh của động cơ, dàn nhúng và giá cả lại quá cao…
Tất cả những nội dung trên có thể gây bất ngờ với một số đông bạn đọc người Việt nào đó khi không bị hàng rào ngôn ngữ cản trở, vì bài báo viết bằng Anh ngữ.
Tuy nhiên trong giới báo chí nhà nước Việt Nam, họ tin rằng tất cả thông tin thuận và trái chiều dạng này đều được dự liệu trước với các tình huống kịch bản đến mức chi tiết ngay từ giai đoạn soạn thảo ban đầu. Ngay cả chuyện bản cáo bạch công bố tại thị trường Mỹ với những con số lỗ lên đến hàng triệu Mỹ kim của VinFast, cũng không nằm ngoài tính toán trước.
Vậy thì VinFast đang ủ mưu gì?
Dĩ nhiên tất cả đều là dự đoán. Trước tiên, với một doanh nghiệp đang lỗ, số xe hơi VinFast đưa qua Mỹ, Hà Lan… có thể không bán được, thương hiệu sẽ bị xấu đi do khách hàng chê bai, hoài nghi khiến cổ phiếu nói chung của Vingroup tại Việt Nam và cả trên sàn chứng khoán Singapore bị mất giá, thì hệ lụy sau đó là các nghĩa vụ thuế khóa với chính phủ Việt Nam sẽ không như dự tính đầy hồ hỡi ban đầu của quan chức.
Số tiền lỗ liệu có được ‘cân bằng’ từ phía giới chủ khi hiểu theo nghĩa đây là những khoản chi ngoại giao cho việc ‘rửa tiền’ xuyên quốc gia?
Cuối tháng 6-2019, một phóng sự của Financial Times về Vingroup, phần cuối bài có câu trích dẫn học giả Alexander Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu: “Hiện giờ tôi nghĩ rằng… Vingroup là một trong những công ty tư nhân được quản lý tốt nhất ở Việt Nam… Vì thành công của bất kỳ công ty tư nhân nào ở đất nước [này] phụ thuộc vào quan hệ của họ với các chính trị gia, số phận của họ phụ thuộc nhiều vào [ganh đua] chính trị nội bộ giữa giới lãnh đạo cấp cao”.
Tác giả phóng sự về Vingroup trên Financial Times, phóng viên John Reed, kể rằng khi ông tham dự lễ ra mắt thương hiệu điện thoại di động Vsmart của ông Vượng, tập tài liệu dành cho các nhà báo bao gồm cả phong bì trong đó có hai triệu đồng. Phóng viên phương tây không được phép nhận phong bì và ông Reed nói ông đã trả lại phong bì của Vingroup.
Vài năm sau lùm xùm trên, tin chắc Vingroup khôn ngoan hơn khi ‘cơm bưng nước rót’ mời Kevin Williams sang viết bài lăng-xê xe điện VinFast. Thế nhưng sự việc đang diễn ra có vẻ ngoài trái chiều.
Với một doanh nhân cáo già trên thương trường Đông Âu như Phạm Nhật Vượng, có lẽ cần hoài nghi mọi việc trên truyền thông, bởi Phạm Nhật Vượng từng được xướng tên trong Hồ sơ Panama năm 2016 về gian lận tài chính của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).
1 comment
Rất chuẩn.