Lynn Huỳnh
(VNTB) – Việt Nam vẫn đang đồng thời tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn của mình trong tương lai.
“Places not bases” – điểm tiếp nhận chứ không phải là lập căn cứ…
Nước Mỹ từ lâu vẫn chủ trương có các “điểm tiếp nhận chứ không phải là lập căn cứ” (places not bases). Căn cứ có vị trí cố định dễ bị tấn công, trong khi điểm tiếp nhận cho phép Hoa Kỳ có nơi trú ẩn vào những thời điểm quan trọng như thảm họa thiên nhiên hay một cuộc khủng hoảng.
Từ góc nhìn đó cho thấy có nhiều khả năng Hoa Kỳ tìm cách cho các tàu chiến thường xuyên cập cảng Việt Nam hơn là thuê một cơ sở để làm căn cứ tiếp tế.
Hoa Kỳ cho rằng không nhất thiết phải có một “trạm dừng” giữa Singapore và Đài Loan. Bởi vì, Mỹ đã có nhiều căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương như Yokosuka ở Nhật Bản, đảo Guam hay như ở Hawaii. Và nhất là các tàu chiến của Mỹ có khả năng nhận tiếp tế ngay trên biển.
Tín hiệu gì từ những bài báo “lề phải”?
Cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa được tờ Global Times (Hoàn Cầu thời báo) ghi nhận là căn cứ nước sâu tốt nhất trong vùng biển phía nam Trung Quốc, và thậm chí là toàn bộ vùng Đông Nam Á. Bài báo có tựa: “Hà Nội chọn không cho thuê căn cứ hải quân”, số phát hành online ngày 14-10-2010. Tờ Global Times trích lời một phóng viên của họ đến thăm Cam Ranh hè 2009 rằng ông ta “không nhìn thấy phi cơ quân sự hay tàu chiến nào ở căn cứ cả”.
Trong một bài viết trên báo nhà nước là tờ Thanh Niên dẫn nguồn lược dịch từ nhiều báo chí nước ngoài, số phát hành 10-05-2016, có những đoạn được đánh giá là khá nhạy cảm khi đặt trong bối cảnh lâu nay có mối quan hệ khắng khít giữa Hà Nội – Bắc Kinh:
“Việt Nam sở hữu căn cứ hải quân Cam Ranh, một trong những cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của vịnh Cam Ranh càng tăng thêm với sự hiện diện của sân bay gần đó có khả năng đón máy bay ném bom và vận tải hạng nặng. Nếu cường quốc hải quân nào nắm quyền được phép hoạt động lâu dài ở căn cứ hải quân Cam Ranh, đó sẽ là trở ngại cực lớn cho bất kỳ nước nào khác muốn độc chiếm Biển Đông, cho dù nước đó có kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp”;
“Việc cho phép Mỹ được tiếp cận lâu dài với vịnh Cam Ranh sẽ là một sự khẳng định mạnh mẽ tượng trưng cho mối quan hệ đồng minh nảy nở giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam, cùng lúc cũng sẽ làm vô hiệu hóa nhiều cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Mặt khác, điều đó – nếu xảy ra- cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc nghiêm trọng của quan hệ Việt – Trung, có thể dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có lẽ chính quyền Việt Nam nhận thấy rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục trong thế giằng co lâu dài, Việt Nam sẽ muốn ở thế được cả Washington và Bắc Kinh cần tới hơn là nghiêng hẳn về phía Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Việt Nam vẫn còn một chút nghi ngờ về mức độ tham gia của Mỹ trong vấn đề Biển Đông”;
“Nga có lẽ là nước thể hiện mong muốn quay trở lại Cam Ranh rõ ràng nhất. Việt Nam đã thuê các chuyên gia Nga trong lần hiện đại hóa cảng Cam Ranh gần đây. Việt Nam cũng cho phép Nga sử dụng sân bay để tiếp nhiên liệu cho máy quân sự của Nga. Sự hiện diện thường trực ở một căn cứ tại Việt Nam cũng sẽ có ý nghĩa tượng trưng to lớn cho Nga, tương xứng với tham vọng lấy lại thế ảnh hưởng sâu rộng trước đây cũng như đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế”;
“Quan ngại lớn nhất của Việt Nam với Nga vào lúc này là việc Nga đang có khuynh hướng hùa theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Kinh tế khó khăn và tình trạng bị phương Tây cô lập sau vụ sát nhập lãnh thổ Crimea khiến Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kết quả là Nga giờ đây đã tuyên bố chống lại “tình trạng quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông và kêu gọi giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan – điều trùng khớp với quan điểm của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, sẽ không có chuyện Nga ký được thỏa thuận độc quyền sử dụng quân cảng Cam Ranh” (dừng trích).
Bài báo trên được đánh giá là nhằm giải thích rõ hơn việc hồi tháng 3-2016, sau hai năm xây dựng, sáng 8-3, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ khai trương Cảng quốc tế Cam Ranh.
Để ngõ lựa chọn
Nhiệm vụ chính trị được giao cho Cảng quốc tế Cam Ranh là, “Đón tiếp các loại tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải tại căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”.
Như vậy, tại căn cứ quân sự Cam Ranh hiện nay, bên cạnh cảng quân sự chỉ phục vụ cho các hoạt động của quân đội, giờ có thêm một cảng biển nữa làm nhiệm vụ kết hợp phục vụ quốc phòng với phát triển kinh tế. Đây có lẽ là một sự cẩn trọng cần thiết của chủ trương “đa dạng hóa và đa phương hóa” tiếp tục được duy trì trong quan hệ với các cường quốc.
Cảng này có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, bao gồm tàu sân bay tải trọng 110.000DWT và là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
Nếu phân tích danh sách các quốc gia có phương tiện hải quân đã ghé thăm cảng Cam Ranh cho đến nay, rõ ràng là ngoại trừ Trung Quốc, còn tất cả các nước khác đều nhất trí với nguyên tắc tự do hàng hải rộng lớn hơn ở các vùng biển mở theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Điều này có nghĩa là những “vị khách” đã và đang đến Cam Ranh đều có lập trường khác biệt với Trung Quốc trong vấn đề tự do hàng hải.
Nói một cách khác, Việt Nam vẫn đang đồng thời tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn của mình trong tương lai.
Một chút nhắc lại để thấy rõ hơn chuyện “để ngỏ”: tháng 8-2011, tàu tiếp liệu đạn dược và đồ khô USNS Richard E. Byrd, thuộc hạm đội 7 của lực lượng hải quân Mỹ đã trở thành tàu đầu tiên của hải quân Mỹ trở lại Cam Ranh.
Gần một năm sau đó, ngày 3-6-2012, ông Leon Panetta đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975. Khi trả lời báo chí tháp tùng ông đến Cam Ranh, ông Panetta cho hay Mỹ mong muốn được tiếp cận cảng Cam Ranh nhiều hơn nữa.
“Mỹ sẽ thảo luận với các đối tác như Việt Nam để có thể sử dụng các hải cảng như cảng này khi chuyển các tàu chiến của chúng ta ở bờ biển phía tây đến đồn trú ở khu vực này của Thái Bình Dương”, ông Panetta nói.
2 comments
“Vịnh Cam Ranh: mở cửa cho tất cả tàu chiến các quốc gia”
Rất đúng . Chỉ xin thêm 4 chữ “Xã Hội Chủ Nghĩa”
Trước tiên, các bác lãnh đạo phải sang xin phép bác Tập Cận Bình. Và bác Tập chắc chắn sẽ đập bàn, hét “KHÔNG!”