Diễm My dịch
(VNTB) – Bắc Kinh đang thúc đẩy những câu chuyện về sự kiên trì, nhưng nhiều người trẻ đang công khai đặt câu hỏi về thông điệp của Đảng Cộng sản.
Nhân viên y tế kiệt sức với khuôn mặt hằn vết đeo kính bảo hộ và đeo khẩu trang phẫu thuật hàng giờ. Những phụ nữ cạo trọc đầu để cống hiến. Những người về hưu quyên góp tiền tiết kiệm cho chính phủ.
Bắc Kinh đang khai thác vở kịch tuyên truyền cũ khi chống lại dịch bệnh corona không ngừng nghỉ, thách thức lớn nhất đối với tính hợp pháp của họ qua nhiều thập kỷ. Truyền thông nhà nước phát đi những hình ảnh và câu chuyện về sự đoàn kết và hy sinh nhằm mục đích đoàn kết nhân dân. Thậm chí còn tạo các linh vật hoạt hình có tên Jiangshan Jiao và Hongqi Man, các nhân vật có ý nghĩa khuấy động lòng yêu nước trong giới trẻ trong cuộc khủng hoảng.
Vấn đề đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là lần này các chiêu thức này không có kết quả.
Trên mạng, mọi người công khai chỉ trích báo chí nhà nước. Người dân lên án gay gắt những câu chuyện về sự hy sinh cá nhân khi nhân viên y tế tuyến đầu vẫn thiếu những vật dụng cơ bản như mặt nạ. Họ nhạo báng Jiang Sơn Jiao và Hongqi Man. Họ đã dè bỉu những hình ảnh của những người phụ nữ với đầu cạo trọc, đặt nghi vấn liệu những người phụ nữ có bị áp lực để cạo đầu không và tại sao đàn ông lại không làm vậy.
Một bài đăng có tiêu đề “Báo chí nên ngưng biến đám ma thành đám cưới.”
Daisy Zhao, 23 tuổi, người Bắc Kinh, cho biết cô từng tin tưởng báo chí chính thống. Bây giờ cô căm giận báo chí đã buộc tội tám nhân viên y tế đưa tin đồn khi họ từng cố cảnh báo về mối đe dọa của vi rút Vũ Hán. Hình ảnh và video về khiển trách họ công khai đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
“Các phương tiện truyền thông chính thức đã mất uy tín rất nhiều,” Cô nói.
Mất uy tín
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc với những hoạt động ngày càng tinh vi đã giúp Đảng Cộng sản nắm quyền trong nhiều thập kỷ, hiện đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất.
Nhà cầm quyền đã chậm trễ trong việc công bố mối đe dọa của vi rút corona và ra tay đàn áp những người cố gắng cảnh báo dư luận. Khi làm như vậy, nhà cầm quyền đã làm suy yếu thỏa thuận ngầm với người dân khi người dân đã đánh đổi các quyền cá nhân để đổi lấy những lời hứa hẹn về an ninh.
Để chế ngự sự phẫn nộ của công chúng, Bắc Kinh quyết tâm tạo dựng một môi trường dư luận màu hồng. Nhà cầm quyền đã cử hàng trăm nhà báo được nhà nước đến Vũ Hán và nhiều nơi khác để dựng nên những câu chuyện thương tâm về các bác sĩ và y tá tuyến đầu cũng như sự ủng hộ của quần chúng.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã đối mặt với những thách thức lớn lao trong thực tế. Người dân Trung Quốc nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ trẻ đang khóc than – Mẹ! Mẹ ơi! khi mẹ cô bị bắt đem đi. Họ đã nhìn thấy một người phụ nữ đập một chiếc chiêng tự chế từ ban công của mình để cầu xin được đưa vô nhập viện. Họ đã nhìn thấy một y tá kiệt sức gục xuống và gào thét.
Và tất cả họ đã nhìn thấy khuôn mặt của Lý Văn Lượng, người bác sĩ đã cố cảnh báo về vi rút đã cướp đi sinh mạng của anh.
Cuộc khủng hoảng đã là nhiều người sáng mắt ra, đặc biệt là giới trẻ khi chứng kiến những khía cạnh đáng lo ngại dưới chế độ độc tài. Việc bịt miệng những người như bác sĩ Lý Văn Lượng đã cho người dân thấy sự nguy hiểm của chính sách hạn chế quyền tự do ngôn luận. Từ những yêu cầu đau khổ được các bệnh nhân cũng như bệnh viện phát tán trên mạng hòng mong chính quyền giúp đỡ, người dân đã nhìn thấu mặt nạ của một chính phủ tự xưng vô lượng vô biên.
Gỡ gạc không xong
Bắc Kinh đang làm mọi thứ có thể để lấy lại điểm son của chế độ. Truyền thông quốc doanh liên tục cung cấp thông tin về việc 41 người dân quyên góp tiền giấu mặt, hay nhân viên cấp cứu làm việc ngay sau khi thân mẫu qua đời, một phụ nữ mới sinh cũng tham gia đội quân chữa bệnh. Tất cả các câu chuyện đều na ná nhau.
Có những chuyện không thể tin được như hai đứa con sinh đôi của một y tá vừa mới được sinh ra đã hỏi cha đâu, hay một người chồng sống đời thực vật từ năm 2014 lại có thể mỉm cười mỗi khi tên vợ được nhắc tới vì hi sinh tham gia chống dịch bệnh.
Dù người dân ngưỡng phục các nhân viên y tế nhưng truyền thông quốc doanh đã không đề cập đến chuyện thiếu đồ bảo hộ hay 3.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Có người viết trên mạng Weibo rằng: “ Hi sinh của họ là đáng ghi nhớ. Nhưng cần bảo đảm là bi kịch không lặp lại và đừng tung hô cái gọi là ‘hi sinh là vinh quan’”.
Người viết bài “ Đám ma thành đám cưới”, Deng Xueping, cho biết chỉ phát đi hình ảnh một bệnh nhân vui vẻ mà che giấu sự khổ đau của tất cả mọi người khác thì chẳng có gì là thông tin đúng đắn về tình trạng đại dịch.
Người dân cũng phẫn nộ đối với thông tin nhà nước về một nữ nhân viên y tế cạo đầu ở tỉnh Cam Túc khi đang trên đường đến tỉnh Hồ Bắc, có người còn khóc.
Điều đó đặt ra câu hỏi trên mạng xã hội về việc phụ nữ có bị áp lực phải cạo trọc đầu hay không và tại sao đàn ông lại không làm vậy. Bệnh viện tỉnh Cam Túc trả lời rằng những họ tự nguyện làm điều đó.
Thất bại lớn nhất cho bộ máy tuyên truyền của đảng xảy ra vào tuần trước khi Đoàn Thanh niên Cộng sản công bố Jiang Sơn Jiao và Hongqi Man – hai hình tượng hoạt hình trong trang phục truyền thống của Trung Quốc. Tên của họ – “Giang Sơn” mang ý nghĩa là quốc gia Trung Quốc và “Mạnh Hồng” tượng trưng cho lá cờ đỏ của đảng – được lấy từ một bài thơ của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
“Hãy cổ vũ cho các thần tượng của đoàn thanh niên” – Bộ máy tuyên truyền thúc dục quần chúng.
Người dân đã không cỗ vũ! Đoàn Thanh niên cộng sản đã phải xóa các bài đăng sau khi bị phê bình là tổ chức đảng đã tìm cách biến mối quan hệ giữa đất nước và công dân thành mối quan hệ thần tượng giải trí và giới hâm mộ. Một nhận xét trên mạng “Tôi là công dân không phải người hâm mộ” – đã nhận được hơn 50.000 lượt thích.
Phản ứng ngược này có thể đã thể hiện một thái độ mới của thế hệ trẻ đối với nhà cầm quyền.
Stephanie Xia, 26 tuổi, sống ở Thượng Hải cho biết trong tháng vừa qua, nhiều người trẻ đã đọc rất nhiều thông tin trực tiếp và các báo cáo chuyên sâu về dịch bệnh trên internet và cô nói “họ vừa tức giận vừa bối rối vì những gì họ tìm hiểu được”.
Cô Xia cũng cho biết thêm là có khoảng cách giữa việc giới trẻ ra sao với việc nhà cầm quyền tin rằng giới trẻ là như thế.
Cò mồi
Mặc cho sự hoài nghi của quần chúng ngày càng tăng, đảng và nhà nước vẫn nhận được sự hỗ trợ rộng rãi. Trong khi đa số là những người già chỉ dựa vào truyền thông quốc doanh, đảng vẫn dựa vào sự ủng hộ của những người trẻ tuổi như Lu Yingxin.
Cô Lu cho biết cô rất cảm động trước những tường thuật về sự hy sinh của các nhân viên y tế tuyến đầu và những thường dân quyên góp tiền cho Vũ Hán. Cô đau buồn với cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng và không vui với việc công an cáo buộc bác sỹ tung tin đồn.
Tuy nhiên, cô vẫn không thất vọng với chính phủ và cô viện lý do rằng nhà nước có quá nhiều thứ để đối phó. Cô nói – “Ngay cả khi tôi nói rằng tôi không tin vào chính phủ, thì tôi có thể làm gì? Có lẽ tôi chẳng làm được gì.”
Chẳng có cách nào để đánh giá tình cảm của công chúng ở Trung Quốc. Nhưng thái độ của cô Lu có lẽ là một thái độ phổ biến và là thái độ mà đảng và nhà nước Trung Quốc muốn nuôi dưỡng.
Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm duyệt internet trong vài tuần qua. Tài khoản truyền thông xã hội đã bị xóa hoặc bị đình chỉ. Bắt đầu từ thứ bảy, các mạng trực tuyến sẽ phải tuân theo các quy định mới với các giới hạn thậm chí chắc chắn còn chặt chẽ hơn.
Không được phép quên
Một số người thuộc thế hệ lón tuổi lo ngại rằng dịch bệnh sẽ bị lãng quên giống như nhiều thảm kịch khác ở Trung Quốc.
Nhà văn Yan Lianke đã nói trong một buổi thuyết giảng tại Đại học Khoa học và Kỹ Thuật Hồng Kông nói: “Nếu chúng ta không thể trở thành một người báo tin như Lý Văn Lượng, thì hãy là người biết lắng nghe.”
Ông nói: “Nếu chúng ta không thể nói lớn thì hãy nói nhỏ, nếu chúng ta không thể nói nhỏ thì hãy im lặng nhưng phải nhớ và phải giữ gìn ký ức… Hãy trở thành một người có những mộ huyệt trong tim”.
Trong nỗ lực xây dựng ký ức tập thể, hàng ngàn thanh niên đang xây dựng kho lưu trữ kỹ thuật số các bài đăng, video và câu chuyện truyền thông trực tuyến về dịch bệnh đã hoặc sẽ có khả năng xóa và họ đã đăng những bài báo, video này lên internet ngoài Trung Quốc.
Một số người trẻ đã có “những ngôi mộ trong tim” và họ muốn những người trẻ khác cũng làm như họ.
Cô Zhao, người Bắc Kinh, cho biết sau khi chứng kiến các cuộc thảo luận trực tuyến trái ngược trong thời gian bệnh dịch bùng phát, cô đã quyết định theo đuổi nghề giáo. “Hãy quan tâm về thế giới và con người trong đó”.
Cô Xia, người có tài khoản Weibo đã bị đình chỉ 30 ngày vì các bài đăng liên quan đến dịch bệnh, cho biết cô quyết tâm lên tiếng cho dù kiểm duyệt có chặt chẽ đến đâu để thế hệ tiếp theo có thể nhớ đến những gì đã xảy ra. Và cô viết – “Can đảm tới đâu thì nói hết ra tới đó. Rốt cuộc thì có nói vẫn tốt hơn là không nói gì.”
Nguồn: https://www.nytimes.com/2020/02/26/business/china-coronavirus-propaganda.html