Anh Văn
(VNTB) – Ngày 25/11, trên trang Vietnamnet đưa tin về chuyến thăm tiếp xúc cử tri 2 huyện Nhơn Trách và Long Thành (Đồng Nai) của ông Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng. Nó kết lại với tin đồn về việc ông đã bị nhiễm phóng xạ và hiện đang điều trị tại Nhật Bản trong thời gian gần đây. Thế nhưng nó cũng cho thấy nhiều về bài học truyền thông và tuyên truyền, sự cẩn thận trong sàng lọc và kiểm chứng nguồn tin.
Sau tin đồn bị đầu độc xuất hiện trên mạng xã hội, ông Võ Văn Thưởng lại hiện diện trong một buổi tiếp xúc cử tri
“Bí mật cung đình”
Đây không phải là lần đầu tiên tin đồn được chuyển tải, trước đó các tin đồn về nhân sự chủ chốt của Đảng, thậm chí sức khỏe của ông vua vùng – Nguyễn Bá Thanh cũng được râm ran trên mạng xã hội. Hầu hết các tin đồn này có tỷ suất đúng cao, và vì thế, nghiễm nhiên mạng xã hội trở thành một nguồn tin kiểm chứng thông tin đáng tin cậy của không ít người.
Tiếp đó, các tin đồn về ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị ám sát tại Pháp hay ông Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng bị đầu độc phóng xạ và chữa trị tại Nhật đã nảy sinh trong bối cảnh chính trị phức tạp. Các suy đoán, thuyết âm mưa vẫn được đẩy đi với chiều hướng chóng mặt với hàng trăm ngàn lượt like/share/comment. Thuyết đấu đá ở cung đình, sự sát hại và bất đồng của đội ngũ cao cấp thuộc ĐCS Việt Nam cũng được vạch ra và chiếm lấy niềm tin của không ít người. Cho đến khi ông Phùng Quang Thanh, rồi lần lượt là Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng xuất hiện trên báo chí – tin vịt được định hình.
Tất nhiên, trước khi được xác tín, nó được không ít nhà bất đồng chính kiến chuyền tay nhau như là một dữ liệu quan trọng.
Hệ quả sau đó là, niềm tin đối với mạng xã hội và một số “nguồn tin thân cận cho biết” đã phần nào hao hụt.
Câu chuyện về tin đồn “Võ Văn Thưởng” có thể được coi là bài học lớn cho việc kiểm chứng và sàn lọc thông tin?
Kỹ thuật phản tuyên truyền?
Nhà giáo Trần Hữu Dũng trong một chia sẻ ngắn trên trang web cá nhân của mình đã nhấn mạnh, các trang web lề trái nên cẩn thận khi sử dụng tin, bởi nếu cứ tiếp tục phóng tin vịt như hiện nay, thì độc giả sẽ mất niềm tin, xem “các bạn nói láo cũng như các báo ‘lề phải’ mà thôi!”
Thậm chí, ông còn cảnh báo rằng, những người theo thuyết âm mưa sẽ nghi ngờ, về việc bị mắc mưu Công An – những người rỉ tai tin đồn trong hàng ngũ đấu tranh nhằm hạ uy tín.
Điều cảnh báo trên hoàn toàn hợp lý. Trong cuốn sách “Tuyên truyền kỹ thuật Chính trị” đã diễn giải một luận điểm rằng, kiểm duyệt và tin dối trá là hai thứ thông dụng trong hệ thống tuyên truyền chính trị độc tài, bởi nếu tuyên truyền là ngăn chặn phổ biến nguồn tin trái với lý tưởng đang được bảo vệ hay sự kiện xảy ra, thì tin tức giả sẽ đóng vai trò yểm trợ, minh chứng cho chủ đề đang theo đuổi từ một biến cố thật đã bị bóp méo, thậm chí là bịa đặt hoàn toàn.
Không dừng tại đó, khi một thể chế gắn với nền tuyên truyền độc quyền tin tức thì người dân sẽ có xu hướng đi tìm những nguồn tin khác cởi mở hơn, và lúc đó sẽ xuất hiện luồng tin “truyền miệng” (như cách mà mạng xã hội facebook, blogger đang số hóa bằng bài viết, chia sẻ theo nguồn tin bí mật/ thuyết âm mưu).
Các tin tức này, “đi ngoài hệ thống chính quyền thường là đối lập với các tin tức chính xác”. Và ở một hướng khác, chúng “vô tình hay hữu ý phóng đại thêm để có thể chống lại chính quyền” đến một mức độ nào đó, khi các tin truyền miệng/ tin vịt được khuyếch đại lên, thì cũng là lúc nguồn tin tuyên truyền của chính quyền yếu đi. Và lúc này, tin giả xuất hiện, trộn lẫn vào một sự kiện nhất định, được đẩy lên cao, cho đến khi một nguồn tin khác xuất hiện và đánh bật yếu tố tin giả – nguồn tin phát tin giả ban đầu sẽ bị sụp đổ uy tín (một cách thức phản tuyên truyền).
Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels từng ứng dụng kỹ thuật “tin giả” (phản tuyên truyền) này vào năm 1943, khi phao tin rằng, chế độ Đức Quốc xã đã xử tử một số các nhân vật cao cấp của chế độ, trong đó có Heinrich Himmler (Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức và Bộ trưởng Nội vụ,) cũng bị bắt và xét xử. Tuy nhiên, sau khi tin đồn đã chiếm lấy cảm xúc xã hội thì cũng là lúc Heinrich Himmler xuất hiện và xóa bỏ toàn bộ tin đồn.
Cần cẩn trọng
Như vậy, dựa trên các vụ từ ông Nguyễn Bá Thanh – Phùng Quang Thanh và sau là Võ Văn Thưởng, thì kỹ thuật “phản tuyên truyền” này đang được chính quyền Việt Nam sử dụng để chống lại nguồn tin từ facebook và bảo vệ cho tính chính danh từ báo chí tuyên truyền (lề đảng).
Blogger Kami của đài RFA trong một bài viết có liên quan vào giữa tháng 11 đã đặt nhận định “Thực hư chuyện Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng bị ung thư đang điều trị tại Nhật Bản?”. Trong đó, kết bài ông cũng thận trọng nhắc nhở độc giả của mình là “các phân tích, đánh giá của cá nhân tác giả, dựa trên các nguồn tin cung cấp cũng như dư luận, hoàn toàn không phải thông tin chính thức” và đề nghị độc giả “bình luận về thông tin này một cách cẩn trọng”.
Rõ ràng, sự cẩn trọng là điều cần thiết ở các blogger – nhà hoạt động xã hội/nhân quyền trong thời đại có quá nhiều lượng thông tin đan xen như hiện nay. Chỉ cần một nguồn tin “nội bộ” phao tin ra sai sự thật, nếu xử lý nguồn tin không khéo, sẽ biến cá nhân/ tổ chức có liên quan trở thành một tổ chức/cá nhân “xạo/vịt”. Hay nói đúng hơn, nếu tiếp tục sử dụng nguồn “tin liên quan/ tin tay trong/ tin cho biết” một cách dễ dãi (phóng tin – cách dung chữ của Nhà giáo Trần Hữu Dũng) thì nhà nước Việt Nam sẽ sớm làm chủ lại truyền thông – và công cụ tuyên truyền – báo chí ở họ bằng kỹ thuật phản tuyên truyền nêu trên.
—-