Hoài Nguyễn – Thới Bình
(VNTB) – Cáo trạng không truy tố các bị can theo nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, mà là truy tố theo các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
“Các bài viết và clip do Danh thực hiện có tư tưởng mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có thể gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gây mâu thuẫn, chia rẽ, lôi kéo, gây hoang mang trong dư luận xã hội; kích động mọi người gây mất ổn định về an ninh, trật tự công cộng…”.
(Trích kết luận giám định của cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, Cáo trạng do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, tống đạt).
Tuy nhiên, cáo trạng không truy tố các bị can theo nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, mà là truy tố theo các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Bôi bẩn… Báo Sạch!
Theo cơ quan tố tụng, quá trình thống nhất cùng nhau thành lập fanpage “Báo Sạch” và nhóm “Làm Báo Sạch” để đăng các bài viết, nhóm của Danh đã nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp, thu lợi hơn 2,8 tỉ đồng và chia lợi tùy theo công sức từng người đóng góp.
Bị can Danh hưởng lợi 300 triệu đồng, Bảo 410 triệu đồng, Giang 250 triệu đồng, Nhã 245 triệu đồng và Thắng 260 triệu đồng. Bảo còn giữ riêng 500 triệu đồng có được từ hợp đồng làm truyền thông cho một tập đoàn nhưng chưa chia cho các thành viên trong nhóm.
Danh, Bảo, Nhã, Giang và Thắng bị cáo buộc đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải, phát tán thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều.
Cáo trạng có tình tiết đáng chú ý như sau: Đối với một số văn bản đóng dấu “mật”, “tối mật” có dấu hiệu của tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, tội “chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước” mà cơ quan điều tra thu giữ trong quá trình điều tra vụ án, do tính chất phức tạp của vụ việc nên cơ quan điều tra tách hành vi có dấu hiệu của tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, tội “chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước” cùng đồ vật, tài liệu liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Nếu có căn cứ thì tiến hành khởi tố điều tra, xử lý trong một vụ án khác.
Những ai là bị hại?
Có thắc mắc: những ai là bị hại trong vụ án Báo Sạch, cáo buộc theo Điều 331, Bộ luật hình sự?
Theo cáo trạng, sau khi nắm bắt được chủ trương của UBND thành phố Cần Thơ thực hiện dự án Khu đô thị mới Thới Lai, thuộc ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, do công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Cadif Cần Thơ làm chủ đầu tư, tháng 3-2020, Danh đến gặp Nguyễn Hoàng Trung Kiên và một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tại đây, Danh xưng là nhà báo đến thu thập thông tin viết bài để bảo vệ quyền lợi của người dân. Cáo trạng cho rằng lợi dụng thời điểm một số người dân đang bức xúc do bị ảnh hưởng bởi dự án, Danh đã viết 32 bài viết và thực hiện 29 video clip đăng công khai trên trang Facebook ‘Trương Châu Hữu Danh’ và Fanpage ‘Trương Châu Hữu Danh’.
Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, các bài viết và clip do Danh thực hiện có tư tưởng mang tính phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có thể gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gây mâu thuẫn, chia rẽ, lôi kéo, gây hoang mang trong dư luận xã hội; kích động mọi người gây mất ổn định về an ninh, trật tự công cộng…
Một số thắc mắc đặt ra ở đây: Thứ nhất, người đại diện pháp luật của công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Cadif Cần Thơ, có được xác định là “bị hại” ở vụ án này?
Thứ hai, có xác định cụ thể những ai là “người dân từng bức xúc” để mời họ tham gia vụ án trong vai trò là nhân chứng của việc được gọi là “bức xúc do bị ảnh hưởng bởi dự án”?
Thứ ba, trên thực tế thì những sai phạm ở dự án Khu đô thị mới Thới Lai thuộc ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ là có thật.
Vậy thì phải chăng khi đưa ra xét xử theo khoản 2, Điều 331 của Bộ luật hình sự, là nhằm đến việc ‘răn đe’ để báo chí biết ‘tiết chế’ khi đưa tin về những bức xúc này của dân chúng?
Chính quyền không sai phạm, mà chỉ là sai sót?
Tại buổi họp báo quý 2/2020 diễn ra vào ngày 1-7-2020 ở trụ sở UBND thành phố Cần Thơ, có 10 ý kiến của các cơ quan báo, đài về nhiều vấn đề nổi cộm trong thời gian qua, trong đó có câu hỏi về dự án khu đô thị mới huyện Thới Lai được phê duyệt ở ấp Thới Thuận A, nhưng được triển khai ở ấp Thới Thuận B?
Liên quan đến câu hỏi này, ông Dương Tấn Hiển cho biết: Dự án này chủ đầu tư là công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Cadif (gọi tắt công ty Cadif), còn Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ chỉ là đơn vị góp cổ phần cho công ty này. Việc xác định vị trí đất thì cái này phải nói là sai cả hệ thống.
Trước nhất chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn khảo sát để lập dự án đầu tư. Từ đó trình các cơ quan thẩm định, rồi trình UBND thành phố Cần Thơ ra chủ trương. Khi có quyết định thì UBND huyện Thới Lai ra quyết định thu hồi đất của từng hộ dân.
Tuy nhiên chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn sai ngay từ đầu. Địa chỉ đúng của dự án là ấp Thới Thuận B chứ không phải ấp Thới Thuận A. Trong các văn bản ban đầu là ấp Thới Thuận A, sau điều chỉnh sang ấp Thới Thuận B.
“Quan điểm chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ là cái nào sai là phải sửa sai để thực hiện cho đúng; ra quyết định cho đúng vị trí đất thu hồi để bảo vệ quyền lợi cho người dân theo quy định.
Cụ thể là thời điểm ra quyết định thu hồi đất thời điểm nào thì bồi thường giá đúng vào thời điểm đó, các cơ chế, chính sách áp dụng đầy đủ cho người dân, bởi lỗi này là của các cơ quan thực hiện” – ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của nhà báo tự do Thới Bình hiện đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, thì vào tháng 7-2016, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Võ Thành Thống (ông Thống hiện là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ký quyết định số 2231/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai.
Địa điểm thực hiện dự án là ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, với diện tích là 9,51ha. Tổng vốn đầu tư là 103,7 tỷ đồng do công ty Cadif làm chủ đầu tư. Dự án sẽ có 140 hộ dân bị ảnh hưởng di dời.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 12-2017, UBND huyện Thới Lai ban hành quyết định số 5357/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng. Bất ngờ dự án chuyển qua ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai.
Lúc này, người dân ở ấp Thới Thuận B mới tá hỏa lên và làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Thới Lai. Đơn vị này trả lời rằng, tất cả quy trình triển khai dự án đều đúng quy trình, chỉ có sơ suất của cán bộ đánh máy nên từ ấp Thới Thuận A thành Thới Thuận B (!?).
Đến ngày 13-2-2018, UBND thành phố Cần Thơ có quyết định số 465/QĐ-UBND, điều chỉnh nhà đầu tư và Khoản 3, 4, 5 Điều 1 của quyết định chủ trương đầu tư số 2231/QĐ-UBND đã ban hành trước đó.
Theo đó, tại Điều 1 của quyết định này, chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư dự án thành công ty Cadif. Đáng chú ý là tại khoản 2 điều 2 của quyết định 465 đã điều chỉnh khoản 4 điều 1 của quyết định 2231. Cụ thể địa điểm thực hiện dự án tại ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, với diện tích đất sử dụng tăng lên 9,8ha, khiến cuộc sống người dân rơi vào vòng khổ sở.
Đến thời điểm diễn ra cuộc họp báo kể trên, vẫn còn 30 trong số 59 hộ cặp tỉnh lộ 922 chưa đồng ý giao mặt bằng. Người dân cho rằng lý do là chính sách đền bù, giải tỏa có nhiều bất cập, số tiền bồi thường không thể mua được nền tái định cư…
Sao không chính trị hóa để ‘bịt miệng báo chí’?
Trở lại với cáo trạng vụ án Báo Sạch, liệu công ty Cadif có phải là tổ chức bị xâm phạm lợi ích từ hành vi của nhóm Báo Sạch?
Phải chăng ở vụ án được gọi là Báo Sạch đang hình sự hóa một quan hệ dân sự của Luật Báo chí, vì nguyên tắc chung, khi một cơ quan công quyền, một tổ chức nào đó chứng minh báo chí đã viết không đúng về các hoạt động, về tình huống, tình tiết vụ việc cụ thể nào đó, thì trước nhất, nếu cơ quan báo chí đưa thông tin mà được xác định là thông tin sai sự thật, thì phải chịu trách nhiệm về hành vi đưa thông tin không chính xác. Tùy tính chất, mức độ mà có các hình thức xử lý khác nhau.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Hành vi vi phạm đó nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.
Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống.
Như vậy, khi có căn cứ cho rằng việc đưa thông tin này là sai sự thật, là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, thì việc đầu tiên cần phải làm đó là gửi đơn khiếu nại đến cơ quan báo chí đã đăng thông tin sai sự thật, yêu cầu cơ quan báo chí xin lỗi, cải chính thông tin, buộc gỡ bỏ bài viết trên mạng, bồi thường thiệt hại do tổn thất về danh dự, nhân phẩm (nếu có).