Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vụ án hình sự không có ai là bị hại?

Cát Tường

(VNTB) – Giống như một vở diễn trên sân khấu pháp đình được bàn tay đạo diễn nào đó ở hai bên cánh gà… chỉ đạo…

Vụ án đình đám bà Nguyễn Phương Hằng, cựu CEO Công ty Đại Nam (Bình Dương) đang xét xử trình tự hình sự sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân TP.HCM, được chủ tọa cho rằng không có ai là “bị hại” của bà Nguyễn Phương Hằng.

Phía giữ quyền công tố cho rằng các bị cáo bị truy tố theo điều 331, Bộ luật hình sự nên khách thể của tội danh này là trật tự quản lý hành chính, nếu xác định lại những người liên quan là bị hại sẽ thuộc một tội danh khác, do vậy đây là phiên tòa không có ai là bị hại cụ thể cả (!?).

Hội đồng xét xử thì… nước đôi khi đưa ra quyết định là trong phần tranh luận các luật sư sẽ có quyền trình bày luận cứ để bảo vệ quyền bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự của mình, và nếu không đồng ý thì có quyền kháng cáo.

Xét về mặt ngôn từ tiếng Việt thì bên phía buộc tội đang mâu thuẫn với chính họ, khi một mặt các kiểm sát viên cho rằng trong thời gian từ tháng 4-2021 đến tháng 3-2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân. Mặt khác, kiểm sát viên lại lập luận “khách thể của tội danh này là trật tự quản lý hành chính”, nên không thể xác định những người liên quan là bị hại.

Nếu đặt trong tương quan toán học, thì theo lý luận này của công tố, có nghĩa “lợi ích hợp pháp cá nhân” # “trật tự quản lý hành chính”. Suy rộng ra, nếu ai đó chỉ trích – phê phán – đả kích cụ thể một chính khách đương nhiệm nào đó về những dấu hiệu sai phạm cá nhân, thì hành động này sẽ được xem xét dưới giác độ của cách hiểu mang tính khái quát chung là “chỉ trích Đảng – phê phán Đảng – đả kích Đảng”; và khi ấy nếu không đối mặt nhẹ nhàng với điều luật hình sự số 331 thì có thể phải nặng nề hơn của mức án theo điều luật 117 của án an ninh quốc gia.

Cũng câu chuyện liên quan về thể hiện câu từ trong ngôn từ nơi pháp đình, trở ngược thời gian, ở vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ gần đây, vẫn là cáo buộc của điều 331, nhưng phía tòa án trong phần giấy triệu tập, ghi rằng thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng Công an huyện Đức Hòa là đại diện bị hại. Đại diện bị hại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An là ông Trương Ngọc Toàn, pháp danh Thích Minh Thiện, là trụ trì chùa Thiên Châu.

Như vậy, một vấn đề pháp lý được đặt ra là việc xác định tư cách “bị hại” đối với những người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015 mang tính tùy hứng liệu có phù hợp?

Xét dưới góc độ khoa học hình sự, với mỗi cá nhân, danh dự, nhân phẩm và trên hết là tính mạng, sức khỏe được nhà nước bảo hộ từ Hiến pháp cho đến Bộ luật hình sự và các đạo luật khác.

Trong Bộ luật hình sự có một chế định chung về “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người” được quy định tại Chương XIV. Trong chương này, quy định về các tội như tội “Giết người” (Điều 123), tội “Cố ý gây thương tích” (Điều 134), tội “Làm nhục” (Điều 155), tội “Vu khống” (Điều 156)… Vậy thì hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, trong một chừng mực nào đó cũng là biểu hiện của việc làm nhục, vu khống.

Thế nhưng hành vi này như ở vụ án bà Nguyễn Phương Hằng lại được giải quyết bởi Điều 331 quy định về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước (chủ thể thứ nhất), của tổ chức (chủ thể thứ hai), của cá nhân (chủ thể thứ ba)”.

Ba chủ thể vừa nêu là rất khác biệt nhưng lại được đưa chung vào cùng một tội danh, một dạng “tội danh kép”, về bản chất là nhiều hành vi khác biệt được ghép lại với nhau một cách khiên cưỡng, giống như tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 trước đây.

Khi không có sự thống nhất giữa hình thức và bản chất trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của những người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thì cơ quan tiến hành tố tụng ở đây sẽ giống như một vở diễn trên sân khấu pháp đình được bàn tay đạo diễn nào đó ở hai bên cánh gà… chỉ đạo mà người ta quen gọi là “án bỏ túi”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Miệt thị trúng “ông sư” nên phải chịu tội

Trương Thế Tử

VNTB – Phan Quốc Việt có lý trong bài tự bào chữa trước tòa quân sự

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo