Ls Phạm Văn Thọ
(VNTB) – Vợ chồng ông Trần Vũ Hải không hề có hành vi bàn bạc cùng cố ý thực hiện một tội phạm với bà Hạnh và ông Lắm. Vợ chồng ông Trần Vũ Hải càng không hề hưởng bất cứ khoản lợi ích nào từ hành vi bị coi là “Trốn thuế” của bà Hạnh và ông Lắm. Chính vì vậy, vợ chồng ông Trần Vũ Hải sẽ không thể bị coi là đồng phạm khi không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ bà Hạnh và ông Lắm, mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.
Toà thông báo sẽ công bố phán quyết vào 9g30 sáng 21/2/2020.
(Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-kiem-sat-vien-tai-phien-xet-xu-co-duoc-quyen-tu-choi-doi-dap-tranh-tung/)
Trong phần tranh luận diễn ra trong buổi chiều ngày 19/02/2020, hai vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa – giữ quyền công tố tại phiên tòa – đã chiếm “quyền im lặng” một cách tuyệt đối mà bộ luật Tố tụng hình sự dành cho bị can, bị cáo!? Đại diện VKS đã không đối đáp bất kỳ một vấn đề nào trong khoảng 30 vấn đề mà các luật sư của ông Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương đưa ra và yêu cầu tranh luận để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Phải chăng, họ biết họ không đủ các căn cứ và lý lẽ buộc tội ‘Trốn thuế” đối với các bị cáo?
Những căn cứ kết tội các bị cáo “trốn thuế”
Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số: 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26 tháng 6 năm 2013, hướng dẫn về tội trốn thuế (Điều 161 Bộ Luật hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), như sau:
1. Người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế 2006 – HL 01/7/2007, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của BLHS.
Khoản 5 Điều 108. Luật Quản lý thuế 2006 – HL 01/7/2007, quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế như sau:
Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn: Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
Đọc hết Bản kết luận điều tra, tôi chỉ thấy cơ quan cảnh sát điều tra (CQ. CSĐT) Khánh Hòa liệt kê những hành vi diễn ra trong suốt quá trình giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 78/40 đường Tuệ Tĩnh – P. Lộc Thọ – Nha Trang – Khánh Hòa của các bị cáo… Cuối cùng, CQ. CSĐT và VKSND Khánh Hòa căn cứ Kết luận Giám định bổ sung số 595/PC03, xác định số tiền thuế thu nhận cá nhân đã trốn thuế: 280.251.302 VND, để truy tố các bị cáo tội trốn thuế.
1. Hợp đồng công chứng 1218 (quyển số: 01/2016TP/CC-SCC/HĐGD), với trị giá 1.8 tỷ mà bên chuyển nhượng sử dụng để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân;
2. Văn bản thỏa thuận ghi giá 16 tỷ (làm tròn số).
Tội trốn thuế có được thành lập hay không?
Theo tôi, cơ quan tiến hành tố tụng viện dẫn khoản Khoản 5 Điều 108. Luật Quản lý thuế 2006 – HL 01/7/2007 là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn” để truy tố các bị cáo theo khoản 1 Điều 161 về Tội trốn thuế là không đủ cơ sở pháp lý thuyết phục, bởi các lẽ sau:
Trước tiên, điều vô cùng quan trọng là cần phải làm rõ khái niệm “không hợp pháp” là gì, bởi lẽ đây gần như là căn cứ duy nhất để truy tố các bị cáo “Tội trốn thuế”. Tôi xin chứng minh:
Thứ nhất, không có bất cứ chứng từ, tài liệu nào không hợp pháp ở trong hồ sơ vụ án này cả, mà chỉ có CQĐT và Giám định đã sử dụng Văn bản thỏa thuận giữa bên chuyển nhượng là ông Ngô Văn Lắm (đứng tên giùm bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh) và bên nhận chuyển nhượng là ông Trần Vũ Hải, bà Ngô Tuyết Phương, ghi giá 16 tỷ để giám định là bất hợp pháp mà thôi.
Thứ hai, hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đã sử dụng Hợp đồng đã được công chứng số 1218 (quyển số: 01/2016TP/CC-SCC/HĐGD), với trị giá 1.8 tỷ mà bên chuyển nhượng sử dụng để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân là hợp pháp, bởi nó thỏa mãn Điều 167 Khoản 3, tiết a của Luật Đất đai 2013 “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này…”.
Thực vậy, quá trình làm thủ tục sang tên, Cơ quan thuế cho rằng giá 1,8 tỷ là thấp hơn so với bảng gía đất do tỉnh Khánh Hoà ban hành nên áp giá do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định là 2,4 tỷ. Từ đó, bên bán (bà Hạnh, ông Lắm) phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bổ sung là 42.818.698 đồng và việc này đã thực hiện xong.
Bên nhận chuyển nhượng Trần Vũ Hải – Ngô Tuyết Phương nộp lệ phí trước bạ nhà đất với số tiền: 10.704.700 đồng và đến ngày 12/8/2016, Trần Vũ Hải – Ngô Tuyết Phương được điều chỉnh đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 78/40 đường Tuệ Tĩnh – P. Lộc Thọ – Nha Trang – Khánh Hòa.
Tại Việt Nam, do đất đai là “hàng hoá đặc biệt” nên Luật Thuế Thu nhập cá nhân không quy định đánh thuế TNCN trên giá giao dịch thực tế, mà tại Điều 14, khoản 3 đã giao Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản.
Theo Điều 16 khoản 2, Văn bản hợp nhất – Nghị định số 14/VBHN- BTC của Bộ Tài chính ngày 26/5/2015: a) Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
Rõ ràng không có quy định nào xác định phải áp theo giao dịch thực tế để tính thuế TNCN trong chuyển nhượng bất động sản.
Tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định “Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Trong suốt quá trình diễn ra tranh tụng tại phiên tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vị đại diện Chi cục thuế TP. Nha Trang đã trả lời HĐXX trong phần xét hỏi: ông Ngô Văn Lắm là người đứng tên chủ sở hữu nhà – đất và là người có nghĩa vụ nộp thuế. Ông Lắm đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế đúng và đủ.
Tại bản Kết luận điều tra xác định người có nghĩa vụ nộp thuế là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (người hưởng toàn bộ thu nhập trong giao dịch này) là chính xác. Và, trong hồ sơ vụ án cũng như suốt giai đoạn xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, bà Hạnh và ông Lắm đều thừa nhận tài sản trên là của bà Hạnh, mà ông Lắm chỉ là người đứng tên giùm mà thôi.
Bộ Luật TTHS hiện hành quy định về lời khai của bị can, bị cáo tại Điều 98, khoản 2 như sau: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Như vậy là đã rõ, người có nghĩa vụ kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Tuy nhiên, Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định tại khoản 4: trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế.
Cụ thể, Nghị định 65/2013/NĐ-CP, tại Điều 4, khoản 2, điểm a, quy định điều kiện đầu tiên để được miễn thuế là tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó).
Theo tài liệu chúng tôi có được, cho đến thời điểm này, thì bà Hạnh chỉ đứng tên một tài sản duy nhất tại thời điểm chuyển nhượng cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải. Do vậy, trong trường hợp này, bà Hạnh thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Giả sử, hành vi của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh có cấu thành Tội trốn thuế, thì hành vi của vợ chồng ông Trần Vũ Hải – bên nhận chuyển nhượng bất động sản – cũng không thỏa mãn quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS hiện hành: phải có từ hai người trở lên và cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm.
Trong khi đó, vợ chồng ông Trần Vũ Hải không hề có hành vi bàn bạc cùng cố ý thực hiện một tội phạm với bà Hạnh và ông Lắm. Vợ chồng ông Trần Vũ Hải càng không hề hưởng bất cứ khoản lợi ích nào từ hành vi bị coi là “Trốn thuế” của bà Hạnh và ông Lắm. Chính vì vậy, vợ chồng ông Trần Vũ Hải sẽ không thể bị coi là đồng phạm khi không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ bà Hạnh và ông Lắm, mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.
Phải chăng, những căn cứ pháp lý và lập luận trên đây chính là lý do hai vị Đại diện VKS đã chiếm “quyền im lặng” một cách tuyệt đối mà bộ luật tố tụng hình sự dành cho bị can, bị cáo, dứt khoát không đối đáp bất kỳ một vấn đề nào trong khoảng 30 vấn đề mà các luật sư của ông Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương đưa ra?
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm rồi đây sẽ tuyên án theo hướng nào? Chúng ta hãy chờ đợi lời tuyên án “đanh thép” của họ, do chủ tọa Nguyễn Tuấn Long thực hiện.