VNTB – Kiểm sát viên tại phiên xét xử có được quyền từ chối đối – đáp tranh tụng?

VNTB – Kiểm sát viên tại phiên xét xử có được quyền từ chối đối – đáp tranh tụng?

Nha Trang

(VNTB) –  Trong phiên phúc thẩm vụ án liên quan tội danh trốn thuế của luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) đang diễn ra tại tòa án tỉnh Khánh Hòa, với hàng loạt câu hỏi của các luật sư đặt ra khi tranh tụng liên quan đến việc tính thuế, được đại diện Chi cục Thuế thành phố Nha Trang trả lời: “Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi của luật sư”.

Ở nhiều phiên tòa hình sự, người ta cũng bắt gặp mẫu câu từ chối tương tự từ các kiểm sát viên.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong số các luật sư đang tham gia bào chữa ở vụ án trốn thuế kể trên, cảm thán: “Quyền im lặng chỉ dành cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, chứ không dành cho công chức, người có chức vụ tham gia phiên toà nhé!”

Thạc sĩ Nguyễn Đức Hạnh – Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, nói rằng trên giảng đường đại học, các kiểm sát viên tương lai được dạy rằng khi tranh tụng tại phiên tòa, kiểm sát viên thường xuyên có sự đối kháng về lý lẽ đối với bị cáo, luật sự, người bào chữa, người bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo… Trong quá trình đấu lý như vậy có những trường hợp phía đối lập nêu ra những câu hỏi không thuộc phạm vi xem xét của vụ án, đưa ra những yêu cầu một cách quá đáng đối với kiểm sát viên đang duy trì công tố. Trong tình huống này kiểm sát viên cần phát hiện những nội dung không thuộc nghĩa vụ giao tiếp của mình để từ chối giao tiếp, từ chối trả lời câu hỏi, cũng như từ chối tranh luận đảm bảo lịch sự, văn minh.

Khi từ chối giao tiếp theo đề nghị của chủ tọa phiên tòa như không tham gia việc xét hỏi, không trả lời câu hỏi thì kiểm sát viên cần trình bày rõ lý do đảm bảo phù hợp với văn hóa giao tiếp, ứng xử tại phiên tòa.

Trên thực tế các nguyên tắc ứng xử tốt đẹp ở trên dường như ít khi được áp dụng trong thực tiễn. Kiểm sát viên trong vai trò buộc tội thường cho mình cái quyền ngang với chủ tọa phiên tòa.

Về lý thuyết được học trên giảng đường, các kiểm sát viên tương lai được dạy rất kỹ rằng, tranh tụng tại phiên tòa của kiểm sát viên không phải lúc nào cũng là bác bỏ các quan điểm của bên đối tụng, mà ngược có nhiều điểm bên đối tụng với kiểm sát viên đưa ra phù hợp với nhau, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, góp phần giải quyết đúng đắn vụ án, khi đó kiểm sát viên không được định kiến, và phải nhanh nhạy phát hiện ra những điểm, những yếu tố tương đồng, thống nhất với nhau để sử dụng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong tranh tụng.

Thế nhưng lý thuyết suông thì bao giờ cũng là những mỹ từ cho chính sách. Thực tế với những ‘báo cáo án’, có nghĩa đưa ra xét xử một vụ án, nhưng mức án dành cho các bị cáo lại được thống nhất từ trước giữa công an, viện kiểm sát, tòa án và lãnh đạo địa phương. Khi đã thống nhất được mức án của “bộ tứ” này rồi thì phiên tòa diễn ra như… diễn kịch. Bị cáo muốn gì cứ việc trình bày. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng chỉ là hỏi để cho có. Luật sư cãi thì cũng gọi là để cho có vẻ dân chủ… Người ngồi giữ quyền công tố thì cũng chẳng thừa hơi đâu mà tranh luận với luật sư. Còn thư ký phiên tòa thì lặng lẽ ngồi viết án văn trước…

Những bản án với tình tiết như nói trên, thường thì có một số cấp ủy đảng chính quyền địa phương ‘dính líu’. Đa phần đây là những vụ án được đánh giá là có ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự và dư luận tại địa phương; hoặc là những vụ án phải xử để làm gương để có tính “răn đe, giáo dục” kẻ khác; để “yên lòng dân”. Vì thế, đã có cấp ủy đảng chính quyền địa phương chỉ đạo công tác xét xử một cách thô bạo. Yêu cầu phải xử nặng hoặc phải xử nhẹ.  Còn tòa, viện kiểm sát, công an thì ai đủ gan để mà cãi lại lãnh đạo đây?

Rất nhiều hoạt động của công an, viện kiểm sát, tòa án phải dùng ngân sách của địa phương, mà ở đây là cơ chế xin – cho. Cho nên, chẳng ai dại gì mà chống lại ý chí của người đứng đầu địa phương đó. Và như vậy, với vụ án được gọi là trốn thuế của vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải, chuyện “Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi của luật sư” là điều không gì khó hiểu.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)