VNTB – “Vụ việc” ở Đắk Lắk là hoạt động khủng bố?

VNTB – “Vụ việc” ở Đắk Lắk là hoạt động khủng bố?

Trần Văn Đông 

 

(VNTB) – Báo chí lề Đảng ban đầu gọi đây là một vụ khủng bố, sau đó lại đổi thành vụ dùng hung khí giết người.

 

Vụ giết một số quan chức nhà nước và công an tại ủy ban xã ở Đắc Lắc gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Báo chí Lề Đảng ban đầu gọi đây là một vụ khủng bố, sau đó lại đổi thành vụ dùng hung khí giết người.(1) Điều này cho thấy có thể nhà cầm quyền, ở thời điểm hiện tại, muốn giới hạn ý nghĩa chính trị của cuộc tấn công dẫn đến cái chết của một số quan chức và công an viên.

Phải thừa nhận rằng vụ việc này còn nhiều điều mà những người ngoài cuộc chưa biết hoặc hiểu được. Ví dụ, tại sao các quan chức, công an viên, và một số “dân thường” có mặt tại hai ủy ban xã khác nhau ở cùng một huyện vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến rạng sáng? Phải chăng họ đang chuẩn bị cưỡng bức giải tỏa đất đai? Câu hỏi đặt ra ở đây là vụ này một hoạt động khủng bố hay một hình thức bạo lực khác? Và nếu có tính khủng bố, đối tượng bị khủng bố là ai?

 

Khủng bố là gì?

Theo Luật Việt Nam, hành động này có thể được xem là một hoạt động khủng bố. Luật Khủng Bố, Điều 1, Khoản 1 quy định: 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:

2. a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

Điều luật trên cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam có thể quy kết bất kì hành vi chống chính quyền có xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của người khác là hành động khủng bố. Điều này thể hiện ý muốn răn đe mọi hành vi chống chính quyền bằng bạo lực. 

Tuy vậy, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn ngăn ngừa các hành vi bạo lực chính trị bằng các hình phạt nặng. Kẻ cầm quyền luôn muốn răn đe những hành vi này vì chúng đe dọa tình trạng độc quyền bạo lực và quyền cai trị của họ. Luật Hoa Kỳ định nghĩa khủng bố là những hành vi bạo lực được dự tính trước, được thúc đẩy bởi động cơ chính trị nhằm vào các mục tiêu phi tác chiến bởi các nhóm không đại diện cho một quốc gia nào hay các cá nhân hoạt động bí mật nhằm tác động (đến suy nghĩ, niềm tin) của một nhóm đối tượng cụ thể.(2)

Điều này có nghĩa là các hoạt động tấn công các nhân viên y tế trong doanh trại quân đội cũng có thể bị coi là hoạt động khủng bố. Một số văn bản dưới luật của Hoa Kỳ cũng có những định nghĩa có nhiều điểm tương đồng với Luật Khủng Bố của Việt Nam. Cục Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) định nghĩa khủng bố là những hoạt động sử dụng vũ lực hay bạo lực nhằm đe dọa hay cưỡng bức một chính quyền, một dân tộc hay một bộ phận của những đối tượng này nhằm đạt được các mục tiêu chính trị hay xã hội.(3)

Tuy vậy, những định nghĩa trên là của một phía, phía cầm quyền, trong một cuộc tranh chấp, và định nghĩa của họ không phải lúc nào cũng đúng. Hơn nữa, liệu bạo lực chính trị, đặc biệt là khủng bố, có phải luôn xấu không? Để có một cái nhìn thực tế hơn về khủng bố và các hình thức bạo lực chính trị khác, có lẽ nên nghe các học giả nghiên cứu về lãnh vực này, các nhà chính trị học.

Theo Martha Crenshaw, giáo sư khoa chính trị tại trường đại học Stanford, khủng bố là một khái niệm khó định nghĩa và vì vậy, khó nghiên cứu.(4) Người ta hiện vẫn còn tranh cãi về khái niệm này. Từ này cũng thường được dùng với ý đả kích hay khích động. Nó cũng có thể được dùng với ý miệt thị, nhằm lên án động cơ của kẻ thù là không chính đáng hơn là để mô tả hành vi. Ví dụ, khi Dmitry Savluchenko, một quan chức Ukraine làm việc cho Nga ở Kherson, bị giết vì bị đặt bom trong xe hồi tháng 7 năm 2022, Thông Tấn Xã Tass của Nga gọi đây là một hành động khủng bố của Ukraine trong khi Kiev gọi Savluchenko là một kẻ phản bội và việc giết được ông ta là một chiến thắng.  

Hơn nữa, ngay cả khi được dùng một cách khách quan như một công cụ nghiên cứu, vẫn rất khó phân biệt khủng bố với các hiện tượng bạo lực khác. Trên nguyên tắc, khủng bố là những hành vi bạo lực cố ý và có hệ thống được một số nhỏ cá nhân thực hiện, trong khi bạo lực cộng đồng có tính tự phát, không thường xuyên hay liên tục nhưng lại đòi hỏi một số đông người tham gia. Theo cách nhìn này, vụ việc ở Đắk Lắc được xem là hành vi khủng bố hay bạo lực cộng đồng tùy thuộc vào số lượng người tham gia cuộc tấn công và những người này thuộc cộng đồng nào. Theo báo chí Lề Đảng, có lẽ số lượng người tham gia không lớn.

Mục đích của khủng bố là để dọa nạt một nhóm đông người quan sát bằng cách chỉ làm hại một số nhỏ, trong khi diệt chủng lại tiêu diệt toàn bộ các cộng đồng đối tượng. Ví dụ, vụ đánh bom tại cuộc đua Marathon Boston vào năm 2013 do hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev thực hiện làm ba người chết, hơn 100 người bị thương. Trong đó có 17 người mất chân hoặc tay.(5) Khủng bố nhằm gây tổn thương chứ không phá hủy. Vụ đánh bom vừa kể, không nhằm tiêu diệt Hoa Kỳ như một quốc gia hay dân tộc mà nhằm làm cho người Mỹ khiếp sợ và có lẽ sẽ gây sức ép lên chính phủ Hoa Kỳ bớt can thiệp vào các quốc gia Hồi Giáo. 

Khủng bố chủ yếu mang tính chính trị và biểu tượng, trong khi chiến tranh du kích là hoạt động quân sự. Thực vậy, mục tiêu tối hậu của chiến tranh du kích là tiêu diệt đối phương. Chẳng hạn, một phía tham chiến muốn chiếm chính quyền và trong một giai đoạn hoặc một khu vực nào đó của cuộc chiến tranh này, dùng chiến thuật du kích. Tại Việt Nam, Việt Minh đã từng dùng chiến tranh du kích trong phần lớn thời gian hoạt động của họ từ lúc hình thành cho đến ít nhất là năm 1945. 

Tình trạng khiếp sợ do bị đàn áp từ bên phía trên là hành động của những kẻ cầm quyền, trong khi khủng bố là các hoạt động kháng cự bí mật chống lại họ. Ví dụ, để đe dọa đa số dân chúng, nhà cầm quyền có thể tử hình, phạt tù nặng một số nhỏ các cá nhân, cho dù họ đấu tranh bằng các biện pháp phi bạo lực. 

Tuy vậy trong thực tế, không phải lúc nào người ta cũng có thể phân loại rõ ràng các sự kiện.

Khi nào mới được coi là khủng bố?

Nhìn chung, để có thể xem là hoạt động khủng bố, hành vi bạo lực cần đáp ứng năm yếu tố. Thứ nhất, phải có đối tượng mà nhóm khủng bố muốn đe dọa. Hai anh em nhà Tsarnaev trong vụ đánh bom ở Boston, có lẽ muốn nhắm vào Hoa Kỳ như một quốc gia hay dân tộc. Thứ hai, phải có nạn nhân. Trong “vụ việc” ở Đắk Lắk là các quan chức và công an viên. Thứ ba, phải có những người thực hiện hành vi bạo lực. Điều này dễ thấy. Hai anh em nhà Tsarnaev là thủ phạm. Thứ tư là động cơ, để được các học giả xem là hành động khủng bố, những kẻ khủng bố thường có mục tiêu chính trị hoặc xã hội. Ví dụ, những kẻ khủng bố Hồi Giáo muốn Hoa Kỳ rút khỏi các quốc gia theo Đạo Hồi.

Đến đây, có lẽ bạn đọc đã hiểu rõ những điều tôi vừa chia sẻ về khái niệm khủng bố. Trên nguyên tắc, khủng bố là những hành vi bạo lực cố ý và có hệ thống được một số nhỏ cá nhân thực hiện với mục tiêu là tạo ra sự sợ hãi trong nhóm đối tượng những kẻ khủng bố nhắm tới và muốn đạt được một mục tiêu chính trị hay xã hội cụ thể. Các yếu tố thường được xét đến trong việc nghiên cứu các vụ khủng bố là đối tượng mà những kẻ khủng bố muốn họ trở nên sợ hãi, nạn nhân, kẻ thủ ác, động cơ, và chiến thuật thực hiện hành vi khủng bố.

Vậy “vụ việc” ở Đắk Lắk có thể được xem là hành vi khủng bố không? Như đã nói trước ở phần đầu bài, đến giờ, người ta vẫn còn tranh cãi về khái niệm này và đôi khi khó có thể xác định rõ ràng một vụ bạo lực là khủng bố hay không, cho dù có khá đủ thông tin. Vì vậy, trong tình trạng Việt Nam đứng chót bảng về tự do báo chí, tôi không có đủ thông tin để đưa ra nhận xét của mình và xin mời bạn đọc tự đưa ra nhận định.

 

_______________

Tham khảo

1. Bộ Công an đang tổ chức vây bắt nhóm đối tượng tấn công trụ sở công an xã tại Đắk Lắk | Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính (sggp.org.vn)

2. 22 U.S. Code § 2656f – Annual country reports on terrorism | U.S. Code | US Law | LII / Legal Information Institute (cornell.edu)

3. Terrorism 2002/2005 — FBI

4. The Psychology of Terrorism: An Agenda for the 21st Century on JSTOR

5. https://en.wikipedia.org/wiki/Boston_Marathon_bombing

 


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)