Tâm Don (VNTB) Luật gia Nguyễn Việt Hà, một công chức ở Hà Nội: “Mạng xã hội tràn ngập thông tin về phản ứng của người Đức đối với vụ Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng TXT bị bắt cóc bởi lực lượng chức năng VN thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật nước sở tại và cả pháp luật VN.
Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường Biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người. Là thoả mãn tự ái, chứ không phải vì lợi ích quốc gia, ngay cả khi cố khoác lên nó vỏ bọc chống tham nhũng; vì nếu thực sự vì lợi ích quốc gia chẳng ai lại đưa ra một lựa chọn nhiều hệ luỵ cho quốc gia đến như vậy.
Sau khi Bộ Ngoại giao CHLB Đức ra thông báo về việc an ninh Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh rồi đưa về Việt Nam, và các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới rộng rãi loan truyền thông tin này, mạng xã hội ở Việt Nam đã có một cơn sốt hiếm có. Có rất nhiều bình luận, đánh giá và phân tích về hành động không chính danh này của an ninh Việt Nam. VNTB đã tổng hợp lại một số ý kiến nổi bật.
Luật gia Nguyễn Việt Hà, một công chức ở Hà Nội: “Mạng xã hội tràn ngập thông tin về phản ứng của người Đức đối với vụ Trịnh Xuân Thanh. Nếu đúng TXT bị bắt cóc bởi lực lượng chức năng VN thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật nước sở tại và cả pháp luật VN.
Chống tham nhũng thì ai cũng ủng hộ, nhưng dùng hành vi vi phạm pháp luật này để chống lại hành vi vi phạm pháp luật khác là điều vô cùng bất ổn, đặc biệt lại nhân danh nhà nước. Trong hoàn cảnh VN đang cần lấy hình ảnh đối với quốc tế và uy tín trong nước thì không có cách nào “chống phá” tốt hơn là làm như vậy, nhưng liệu có ai bị trừng phạt? Chắc chắn là không.
Đức đã phản ứng gay gắt và chắc sẽ làm quyết liệt để đảm bảo niềm tin với dân Đức. Điều này đẩy VN vào thế khó. Nếu “trả lại” TXT thì mất mặt và làm trò cười. Nếu không thì quan hệ với Đức rất dễ đổ vỡ, dẫn đến hậu quả hết sức tai hại về kinh tế, chính trị, ngoại giao.
VN thì đã có “bạn tốt” đảm bảo rồi, cần gì bố con thằng nào khác, nên có lẽ TXT sẽ khó lòng mà được “trả lại”.”
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Fb cá nhân của mình: “Khi bộ ngoại giao Đức chính thức phản ứng mạnh về vụ Trịnh Xuân Thanh là họ đã có trong tay các bằng chứng không thể chối cãi về vụ bắt cóc xảy ra trên đất nước họ.
Trích xuất từ hệ thống camera công cộng trên toàn Châu Âu chắc chắn đã cho họ một cuốn phim đầy đủ về diễn biến vụ bắt cóc. Trịnh Xuân Thanh bị cưỡng chế lên xe ra sao, có đưa vào sứ quán VN ở Đức hay không, xe chạy theo đường nào qua nước thứ ba, đưa vào sứ quán VN ở nước ấy ra sao, đưa lên phi trường nào, qua cửa khẩu an ninh trong tình trạng ra sao, bằng hộ chiếu kiểu gì…tất tất đều phơi bày ra. Nếu an ninh VN chơi sang cấp cho Thanh một hộ chiếu ngoại giao nữa thì càng bẽ mặt lớn”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết tiếp: “An ninh VN quen hành xử với dân trong nước bằng bất cứ hành vi phi nhân tính nào cũng được thành quen rồi nên cứ tưởng làm vậy với Thanh là chuyện bình thường.
Chỉ bình thường đến khốn nạn như vậy ở VN thôi, nhưng giữa thủ đô của một đất nước tự do văn minh như Đức là chuyện khác. Đó là hành vi khủng bố con người.
Thanh mới là nghi phạm kinh tế, nhưng dù Thanh đã qua xét xử là tội phạm thì Thanh vẫn là con người cần phải đối xử bằng luật pháp văn minh. Không ai bênh vực một thằng ăn trộm, nhưng hành hung thằng ăn trộm thì không ai chấp nhận được. Giữa Châu Âu mà anh cưỡng bức một con chó lên xe trái ý muốn của nó cũng bị lên án nữa là con người.
Sự việc của Thanh, mới đây đích thân thủ tướng Phúc trao đổi với thủ tướng Đức về việc xin dẫn độ, đã được nâng lên tầm quốc gia rồi.
Vậy mà ngay sau đó cho người qua hành xử một cách rất côn đồ giữa thiên thanh bạch nhật tại đất nước họ. Thể diện của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bị vất vào sọt rác, mà không chỉ là thể diện của cá nhân ông, đó là thể diện quốc gia, nếu cho rằng quốc gia ta còn chút thể diện.
Hàng ngàn bài báo tố giác các hành vi côn đồ của công an VN đối với người dân ra dư luận quốc tế có lẽ không tác dụng bằng một vụ khủng bố bắt cóc nầy.
Bây giờ thì cả thế giới hiểu rằng những gì các blogger và những người đấu tranh cho nhân quyền tố cáo các hành vi côn đồ xâm phạm quyền con người của công an VN là đúng sự thật”.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đặt ra hai câu hỏi thiết thực: “Ai chỉ đạo chiến dịch bắt cóc nầy? Ai sẽ bị xử lý vì gây ra chuyện tai tiếng ở tầm quốc tế nầy? Nếu nhà cầm quyền VN muốn tỏ ra cho thế giới thấy mình là nhà nước có thể diện đang hội nhập vào thế giới văn minh, hành xử theo công pháp quốc tế văn minh thì cần phải xin lỗi nước Đức và xử lý kẻ chỉ đạo và những người liên quan đến vụ bắt cóc.
Bằng ngược lại, theo truyền thống của một nhà nước cộng sản là không hề biết xin lỗi, cố tình gian trá lấp liếm thì sẽ mang đến một thắng lợi tuyệt vời cho… đàn anh Trung cộng.
Vâng qua vụ Trịnh Xuân Thanh,Trung cộng là kẻ thủ lợi nhiều nhất. Dân tình bị thu hút vào vụ xì căn đan mà quên đi những người đấu tranh ôn hòa bị bắt sai trái, quên đi Formosa, quên đi các dàn khoan của Trung cộng đang xâm phạm chủ quyền, quên đi sự lộng hành của chúng ở mỏ dầu bãi Tư Chính, quên đi chuyện chúng xây dựng các căn cứ quân sự khồng lồ ở Trường Sa…
Và quan trọng nhất là nhà nước VN bị cô lập trên trường quốc tế qua vụ tai tiếng nầy, càng bị Trung cộng khống chế nhiều hơn, tạo thuận lợi mọi bề cho chúng trong mọi tranh chấp về chủ quyền”.
Từ Hà Nội, họa sĩ Mai Xuân Dũng bày tỏ: “Hệ luỵ lớn nhất ở chỗ Đức đã lớn tiếng tuyên bố với thế giới về sự bội tín của Việt nam, cụ thể là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có”.
Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng – bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cao cấp của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.”
Bên lề hội nghị G20, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề dẫn độ TXT và chưa được phía Đức cho phép. Nay Việt nam đơn phương tiến hành bắt cóc một người trên lãnh thổ Đức thuộc chủ quyền của Đức là một sự bội tín không thể chối cãi.
Chưa biết Việt nam sẽ giải quyết vụ xâm phạm chủ quyền của nước Cộng hoà liên bang Đức như thế nào và các biện pháp chế tài ngoại giao của Đức đối với Việt nam sẽ mở rộng tới đâu nhưng hội nghị APEC tại Việt nam sẽ diễn ra trong bầu không khí u ám và khá nhục nhã”.
Từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân cho rằng: “Nếu nghi can, chưa phải là tội phạm, đang ở nước ngoài thì nếu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực luật hình sự thì có thể yêu cầu dẫn độ về nước, nếu không có hiệp định song phương về vấn đề này thì tuân theo các Công ước quốc tế về dẫn độ mà các quốc gia này là thành viên, hoặc nếu không có những văn bản nêu trên thì quốc gia muốn bắt người phải thông qua (uỷ thác tư pháp) chính quyền nước có nghi phạm lưu trú đề nghị bắt và di lý về nước mình theo luật pháp của quốc gia đó. Vì trong quan hệ quốc tế thì có hai nguyên tắc là Đối xử quốc gia và Tối huệ quốc. Bắt buộc các quốc gia đều phải tuân theo mà hành xử trong việc ngoại giao và hợp tác quốc tế.
Nếu một cá nhân bị bắt bất chấp luật pháp, đặc biệt đối với các quốc gia luôn thượng tôn luật pháp, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên, và mọi hành vi xảy ra trên đất nước họ sẽ do pháp luật của quốc gia đó điều chỉnh. Không thể coi mục đích (chống tham nhũng) để biện minh cho phương tiện (sự hợp lý trong việc phá vỡ các nguyên tắc của luật tố tụng trong xét xử)”
Từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn nói: “Cho dù Trịnh Xuân Thanh có là nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc là tội chống lại loài người thì việc bắt giữ, tạm giam, điều tra, xét xử cũng phải tuân theo luật pháp của nước có thẩm quyền và luật pháp quốc tế”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng: “Người Việt nam có văn hóa và lương tri không thể chịu được nỗi ô nhục mang tên “chính quyền cộng sản Việt Nam” sau vụ bắt cóc TXT từ CHLBĐ vì ít nhiều chính quyền này cũng đứng tên họ dù với hình thức cưỡng bức.
Cần phải thúc đẩy các hoạt động Dân chủ Nhân quyền để tạo lập một chính quyền mới vừa có dân chủ trong nước vừa biết tôn trọng luật pháp quốc tế và luật pháp các quốc gia có quan hệ ngoại giao”.
Bà Lê Thị Minh Hà, một cựu sĩ quan công an Việt Nam, hiện đang sinh sống tại CHLBĐ: “Dân Việt Nam có cơ hội theo dõi và chứng kiến không phải vì TXT mà vì hành vi BẮT CÓC đã là hành vi xâm phạm an ninh lãnh thổ, xâm phạm cuộc sống an toàn của người dân Đức, bất chấp luật pháp không khác gì hoạt động khủng bố. Chính quyền Đức phản ứng gay gắt với chính phủ Việt Nam và có hành động cụ thể: Trục xuất cán bộ phụ trách tình báo dưới danh nghĩa ngoại giao về nước.
Tham mưu cố vấn coi thường luật pháp nước Đức và luật pháp quốc tế thế này thì chết.
Nếu không minh bạch các việc này liên quan đến TXT thì khó gỡ. Nước Đức đứng đầu FTA mà vi phạm nghiêm trọng vậy thì hỡi ôi, chỉ còn trông vào anh Tập”.
Từ Đà Nẵng, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn thẳng thừng đặt một câu hỏi lí thú: “ÔNG TRỌNG THẮNG HAY THUA VỤ TRỊNH XUÂN THANH?”. Nhà hoạt động này suy đoán: “Niềm hân hoan, phấn khích sau khi bắt được “con cá không quá to nhưng láu” Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chóng nhường chỗ nỗi hoang mang, lo âu trước phản ứng quyết liệt của người Đức đối với việc cựu quan chức Việt Nam này bị bắt cóc ngay trên đất của họ – sự sỉ nhục đối với bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Một sĩ quan tình báo ở sứ quán Việt Nam đã bị buộc yêu cầu rời khỏi Đức, song đây chỉ là động thái bước đầu mang tính biểu tượng. Điều đáng lo ngại thực sự nằm ở “những hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển” mà Chính phủ Đức bảo lưu quyền thực hiện, được nêu ra trong tuyên bố chính thức của họ, trong trường hợp yêu cầu giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức không được phía Việt Nam đáp ứng.
Danh dự Tổng Bí thư dĩ nhiên không cho phép đòi hỏi này đáp ứng. Nghĩa là gần như chắc chắn Việt Nam sẽ không thoát khỏi những trừng phạt từ người Đức. Trừng phạt ấy có thể là gì? Và nó có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Việt Nam?
Đầu tiên, và quan trọng nhất hiện nay, chính là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) mà Đức là lãnh đạo hàng đầu. EU hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp định này đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng, nhất là sau cái chết của TPP. Cộng đồng doanh nghiệp trước đây không trách Chính phủ Việt Nam khi TPP chết yểu vì lý do chính là sự rút lui của Mỹ sau khi Trump lên Tổng thống; tuy nhiên, nếu vụt mất FTA lần này vì bị Đức trừng phạt thì Chính phủ Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vì nguyên nhân bây giờ hoàn toàn mang tính chủ quan. Điều này, một khi cộng hưởng với tình trạng khó khăn trong tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay, sẽ bắt đầu thổi hơi nóng chính trị vào Ba Đình. Đón luồng hơi trực tiếp không ai khác chính là Tổng Bí thư.
Đòn trừng phạt thứ hai, hứa hẹn nhiều dư vang hơn, sẽ liên quan tới tình hình trên Biển Đông. Mọi nỗ lực của Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông ít nhất sẽ bị Đức (và cả Liên minh Châu Âu mà nước này đang dẫn dắt) phớt lờ hoặc coi là lố bịch một khi Việt Nam đã chứng tỏ họ sẵn sàng bất chấp luật pháp quốc tế để đạt được mục đích của mình, ngay trên đất Đức, ngay trên đất Châu Âu. Theo đó, lập luận chính của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông sẽ trở nên yếu ớt vô cùng; và họ cũng chẳng còn tư thế nào phản đối việc Trung Quốc chơi luật rừng trên biển, khi đây cũng là thứ luật mà họ vừa áp dụng ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.
Vậy là, nỗ lực của biết bao người nhằm mở rộng giao thương và củng cố lập trường Biển Đông của Việt Nam trên trường quốc tế bỗng dưng đổ sông đổ biển chỉ để thoả mãn tự ái của một người. Là thoả mãn tự ái, chứ không phải vì lợi ích quốc gia, ngay cả khi cố khoác lên nó vỏ bọc chống tham nhũng; vì nếu thực sự vì lợi ích quốc gia chẳng ai lại đưa ra một lựa chọn nhiều hệ luỵ cho quốc gia đến như vậy”.