Chánh Thành
(VNTB) – Không loại trừ trường hợp Vương Đình Huệ đi sứ lần này là để xin được sắc phong vào ngôi Chủ tịch nước.
Thuộc địa kiểu mới và thái thú thời nay
Ngày 7 tháng 4 này, chủ tịch quốc hội Việt Nam sẽ có chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày. Theo lời đại sứ Phạm Sao Mai thì nội dung của chuyến thăm là để cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn” và củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”, từ đó góp phần nâng tầm “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Trung Quốc.
Thế nhưng thật trùng hợp là chuyến đi này diễn ra ngay sau khi quốc hội Việt Nam vừa phế truất chức Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng. Và cũng thật ngẫu nhiên khi chuyến đi này lại diễn ra trước khi quốc hội Việt Nam bầu ra chủ tịch nước mới. Nếu căn cứ theo lời đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến đi nhằm thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn”, thì liệu có phải là động thái của Vương Đình Huệ là nhằm báo cáo, giải trình với phía Trung Quốc về việc phế chủ tịch cũ, và xin ý kiến trong việc lập ra chủ tịch mới hay không?
Thời phong kiến, để bảo vệ sự ổn định của ngai vàng, vua chúa Việt Nam thường xuyên phải cử sứ thần sang Trung Hoa để bẩm tấu về tình hình nội bộ quốc gia. Đây là nghi lễ thể hiện sự thần phục của Đại Việt với các hoàng đế Trung Hoa, nhằm tránh bị nước láng giềng tấn công. Ngoài ra trong những lần thay đổi triều đại, các vị vua mới đều cho sứ thầy sang Trung Quốc để xin được phong vương; ngoại giao thương lượng, nhượng bộ với thiên triều để được yên ổn giải quyết các vấn đề trong nước.
Ngày nay, hai đảng cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc coi nhau như là anh em, thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược lên cấp cao nhất. Đặc biệt là đã ký nhiều hiệp ước để đặt hai nước vào “Cộng đồng cùng chung vận mệnh chia sẻ tương lai”. Có thể thấy việc thúc đẩy “lòng tin chính trị cao hơn” và củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”, trong chuyến đi của ông Huệ lần này thật ra không khác gì các sứ thần Việt Nam đi chầu thiên triều ngày xưa là mấy.
Ông Huệ muốn được phong vương?
Cần nhớ là mới nửa năm trước, hồi tháng 10/2023, ông Võ Văn Thưởng cũng từng đi thăm Trung Quốc và gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó chỉ hơn 50 ngày, Chủ tịch Trung Quốc lại bay sang Việt Nam gặp ông Thưởng. Chứng tỏ mối quan hệ hai bên rất tốt và Tập Cận Bình rất tin tưởng vào tương lai chính trị bền vững của Võ Văn Thưởng. Vì quá tin nên việc ông Thưởng đột ngột bị đồng đảng phế truất có thể khiến ông Tập bị sốc, phía Việt Nam buộc phải cử người đi sứ để “ổn định tâm lý” cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các chức vị trong tứ trụ Việt Nam không phải do dân bầu ra. Mà đều được sắp xếp sẵn, chỉ chờ tới ngày tới giờ thì các đại biểu quốc hội Việt Nam đóng vở kịch bầu cử để công bố với người dân. Chính vì không được bầu cử bằng lá phiếu minh bạch của người dân, nên chức chủ tịch nước hoàn toàn không có tính chính danh. Vì vậy sự ủng hộ của người anh lớn láng giềng là yếu tố tối quan trọng để có thể hợp thức hóa quyền lực.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp Vương Đình Huệ đi sứ lần này là để xin được Tập Cận Bình sắc phong vào ngôi chủ tịch nước Việt Nam. Hiện nay sức khoẻ của ông Trọng đang rất yếu, không thể ngồi hai ghế như giai đoạn 2018-2021. Ghế chủ tịch nước chỉ có thể giao vào tay 4 uỷ viên bộ chính trị (có trên 1 nhiệm kỳ) còn lại là: Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Trương Thị Mai. Với những tin đồn về bê bối trong đời tư, ông Huệ có vẻ yếu thế hơn so với các đối thủ còn lại, nên rất cần được Tập Cận Bình chống lưng.
Dù thế nào thì người dân vẫn phải đợi tới ngày Quốc hội Việt Nam đưa ra thông báo cuối cùng thì mới biết chính xác kết quả. Tuy nhiên, chuyện thần phục và đi sứ thiên triều lần này cho thấy Việt Nam đang vẫn là một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc. Dù ai lên làm lãnh đạo thì kẻ khổ nhất cũng là người dân.