Hàn Lam
(VNTB) – “Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương – Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới”
Từ ngày 11-2-2022, giá xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 8 năm qua đã gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả, khiến người dân, doanh nghiệp phải đối mặt với bộn bề khó khăn.
So với đầu năm 2021, mặt hàng nhiên liệu này tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Mặc dù liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định duy trì mức chi Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, giá các mặt hàng này vẫn tăng cao.
Một chủ doanh nghiệp ngành vận tải cho biết trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng tăng mạnh, công ty của ông đã điều chỉnh tăng giá cước. Nay xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải cũng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng.
“Hiện tại phần cầu đường và xăng dầu doanh nghiệp không chủ động. BOT cầu đường tăng, dầu tăng mà trong tháng này không giảm xuống thì đến đầu tháng 3/2022 doanh nghiệp cũng tăng giá và cuối cùng khách hàng phải chịu chứ nhà xe không thể chịu tiếp” – Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Trí nói.
So với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn… đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu. Nhiều quán ăn cũng tăng giá bán vì sức ép giá nguyên liệu tăng.
Trong báo cáo gần đây, Cục Quản lý giá cũng nhận định trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.
Từ khi Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào chiều 11-2, ngư dân và cả tiểu thương ở Quảng Nam bày tỏ sự lo lắng. Ông Trương Công Bình – tàu Qna 94079 trú ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho hay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hôm 16-2, tàu ông mới bắt đầu vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.
Tuy nhiên, giá xăng dầu bất ngờ tăng gần 1.000 đồng/lít khiến ông và các bạn thuyền rất lo lắng. Trong chuyến đánh bắt lần này, ông Bình phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng mua hàng hóa đi theo, trong đó tiền dầu là 400 triệu đồng.
“Mỗi chuyến đi, tàu của tôi phải đổ 20.000 lít dầu như vậy chuyến đi này chưa xuất phát đã thấy lỗ gần 20 triệu đồng do giá dầu tăng. Những chuyến đi trước lời cũng không bao nhiêu chỉ đủ tôi chia cho bạn thuyền và trả nợ tiền đóng tàu. Lần này giá dầu tăng cao khiến tôi và bạn tàu rất lo lắng bởi sợ đi đánh bắt về chẳng có bao nhiêu, thậm là sẽ lỗ vốn” – ông Bình nói.
Mặc dù giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá hải sản lại có xu hướng giảm khiến các ngư dân rất lo lắng trong chuyến vươn khơi đầu năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu trong thời gian vừa qua là nguyên nhân dẫn tới việc điều hành không thông suốt, không linh hoạt, dẫn tới những bất cập, hệ luỵ.
“Nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương linh hoạt khi thị trường bất thường, thì biên độ tăng giá xăng sẽ không ‘sốc’ như vậy và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá”, ông Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, và nói rằng, “nếu chúng ta điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào ngày mùng 2 hoặc mùng 3 thì sẽ không có hiện tượng này”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận tại cuộc họp ngày 9-2 rằng “cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu”, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh.
“Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương – Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới”, ông Diên nói.