Anh Văn
(VNTB) – Cái chết của XSKT truyền thống là tất yếu nếu như không minh bạch và cạnh tranh song phẳng với Vietlott. Sự “tố cáo” là cơn giãy giụa trước sự bất lực, khi “mảnh đất màu mỡ” đầy mờ ám ở địa phương bị xâm hại.
Vietlott đang liên tục bị các công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) truyền thống các tỉnh tố về việc kinh doanh trái phép. Gần đây nhất, sau Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp thì tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ lập đoàn kiểm tra nhắc nhở doanh nghiệp và người dân “không được kinh doanh xổ số điện toán tự chọn (Vietlott) trên địa bàn”.
Một trong những lý do chính yếu khiến cho công ty XSKT truyền thống các tỉnh phải nhờ chính quyền can thiệp là vì giá bán Vietlott tại các địa điểm chưa có chi nhánh cao hơn giá quy định từ 1.000 – 2.000 đồng. Điều lạ là, dù cho giá bán cao hơn quy định, nhưng sự phản ánh này lại cho biết, “hành động này gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến sự ổn định hoạt động của xổ số truyền thống, sụt giảm doanh thu tiêu thụ.”
Tố cáo liên tục
Với giải đặc biệt lên đến hàng chục tỷ đồng và được công khai hàng tuần với tỷ suất trúng được cho là cao, Vietlott thời gian qua đã tạo ra một cơn sốt “cờ bạc” trong người dân, dẫn đến hiện tượng vé xuất hiện tràn lan tại các tỉnh (chưa có chi nhánh Vietlott).
Đánh giá về sự “phản ánh” của các công ty xổ số truyền thông, ông Ngô Trí Long – một chuyên gia kinh tế đã cho báo Trí thức trẻ biết với mảnh đất màu lên đến 75.000 tỷ, thì sự cạnh tranh sẽ xuất hiện sự “tố cáo”.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietlott gặp sự phản ứng theo hướng “tố cáo” như thế này. Vào cuối tháng 11 vừa qua, tài khoản facebook Quân Phạm đã đăng trên trang cá nhân của mình bài viết với tựa đề “Vietlott quái thai độc ác”, thu hút gần 30.000 lượt chia sẻ. Người dùng này cho biết, Vietlott đã lừa đảo nhân dân khi tìm cách dựng lên người trúng giải đặc biệt, dù cho “vé số điện toán” có là phần mềm thì cũng có thể bị con người tác động. Đặt lý do vì sao Vietlott lừa đảo được, blogger Quân Phạm cho hay, vì công ty này là “con đẻ của Bộ Tài Chính, Chính phủ nên nó không bị bất kỳ tổ chức, công dân nào kiểm tra, giám sát” – tương tự như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chưa dừng tại đó, facebooker Quân Phạm còn dẫn số liệu, tổng kho số của Vietlott là 5.864.443.200 số (Năm tỷ tám trăm sáu mươi bốn triệu bốn trăm bốn mươi ba ngàn hai trăm số), nếu muốn trúng số thì với 100 triệu dân, mỗi người phải mua 58 tờ vé số. Và vì 100% người dân không thể mua vé số nên dù có mua 5 năm cũng không ai trúng giải. Và khi người dân bỏ 10.000 đồng ra mua vé số thì họ sẽ bị bóc lột hết 9.982 đồng.
Tuy nhiên, “tố cáo” về sự bóc lột này của facebooker hoàn toàn sai lệch, bởi hiện nay, Vietlott mới đưa ra 8 triệu số (thay vì 5 tỷ số như liệt kê). Cụ thể, với 45 số tùy chọn, mỗi người chọn 6 số thì số thứ nhất sẽ có 45 cách chọn, tương tự cho các số tiếp theo sẽ giảm 1 đơn vị, để số thứ 6 sẽ chỉ còn 40 cách chọn. Tuy nhiên, số trúng là trùng số (chứ không cần phải sắp xếp theo đúng thứ tự) nên sẽ có tỷ lệ là 1/8.000.000 (bỏ số dư) với phương cách (45x44x43x42x41x40) chia cho (6x5x4x3x2x1). Nếu mỗi người trung bình 1 ngày/ vé, thì 1 năm họ sẽ chi ra khoản tầm 3 triệu 500 ngàn đồng.
Sở dĩ Vietlott có tỷ lệ giải thưởng cao là vì, họ chi 40% số tiền trong tổng số 8.000.000 vé phát hành cho người trúng giải, và giải sẽ được xoay vòng liên tục. Và điều này cho thấy, giải đặc biệt của Vietlott hoàn toàn “không ảo”.
Sự chống trả… yếu đuối
Sự tố cáo Vietlott của các công ty XSKT truyền thống đúng như ông Ngô Trí Long cho biết, là vì mảnh đất 75.000 tỷ đã không còn là mảnh đất độc quyền.
Sự vươn vai trong đầu tư giải đặc biệt khủng, cùng với sự minh bạch trong phát hành số đã đem lại cho thị trường XSKT Việt Nam một làn gió mới mẻ. Nó chấm dứt thời kỳ làm ăn mù mờ, và có phần “siêu lợi nhuận” của các công ty XSKT truyền thống (với trị giá giải đặc biệt chỉ ở mức 1-2 tỷ, trong khi số vé phát ra là hàng triệu vé). Thế nên, lương của hệ thống nhân sự XSKT truyền thống luôn ở mức cao, như viên chức quản lý XSKT Bình Thuận trung bình là 54 triệu đồng/ tháng, nhân viên ở mức 23 triệu đồng/ tháng. “Siêu lợi nhuận” khiến cho các lãnh đạo XSKT truyền thống bất chấp nhiều thủ đoạn mà gần đây nhất là nguyên Giám đốc Công ty XSKT Hà Giang vì liên quan đến gian lận tẩy sửa số.
Nhưng mấu chốt của XSKT truyền thống chính là sự bao cấp và đầy mập mờ trong tài chính. Cụ thể, lợi nhuận của XSKT truyền thống vì thế được cho là móc ngoặc giữa quan chức địa phương và công ty đóng trên địa bàn. Trong đó, dù nhiều lãnh đạo XSKT các tỉnh thành cho biết, trong trường hợp không có người trúng thường, thì công ty cũng không được giữ số tiền chi thưởng mà sẽ chuyển nó cho ngân sách, đầu tư cho y tế, giáo dục, các công trình phúc lợi xã hội. Trên thực tế, số tiền đóng góp ngân sách nhà nước của các công ty XSKT truyền thống là có, thậm chí rất khủng, như tỉnh Tiền Giang năm 2015, ngân sách của loại hình này ở mức 1.300 tỷ (tương đương với vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, đối với đầu tư cho phúc lợi xã hội (tức nằm trong phần lợi nhuận có được) thì gần như vắng bóng. Chưa kể, hoạt động sản xuất vé số truyền thống ngoài giải thưởng thấp, còn việc họ có khả năng gian lận ở số vé in ra (vì độc quyền tự kiểm soát vé đầu ra); 30% số tiền chi trả giải thưởng chỉ mang tính lý thuyết (bởi nó chỉ tồn tại khi mà toàn bộ dãy số trúng đã được mua hết) – vậy số tiền chênh lệch này đã biến đi đâu, nếu không phải là có sự “móc ngoặc” để hợp thức hóa số tiền? Do đó gần đây, trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, một quan chức trong Bộ Tài chính đã cho biết, Vietlott không đóng góp trực tiếp ngân sách cho địa phương mà đưa về trung ương, và từ đó, số tiền sẽ phân bổ về các tỉnh dựa trên nhu cầu cần. Cần nhấn mạnh, với số tiền hàng chục tỷ đồng của giải đặc biệt, thì đóng góp ngân sách (TNCN, GTGT, TNDN) sẽ lớn hơn nhiều so với XSKT truyền thống (thu hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng số trúng đặc biệt chỉ ở mức 1 tỷ đồng).
Những căn bệnh cố hữu mà XSKT truyền thống đang gặp phải đã khiến họ phải trả giá khi Vietlott xuất hiện trên thị trường. Ở chừng mực nào đó, các thuyết âm mưa nhằm vào Vietlott hiện nay lẫn tố cáo của các công ty XSKT truyền thống được xem là một sự chống trả yếu ớt. Và một trong những sự chống trả yếu ớt là chống lại quy luật “cung – cầu” của thị trường thông qua hiện tượng “tố cáo” nêu trên. Đồng thời, các công ty XSKT tìm cách thu hút khách hàng bằng cách tăng số tiền thưởng giải đặc biệt lên, nhưng đồng thời lại giảm giá trị các giải khác xuống theo đúng định luật “bảo toàn số tiền”.
Cái chết của XSKT truyền thống là tất yếu nếu như không minh bạch và cạnh tranh song phẳng với Vietlott. Sự “tố cáo” là cơn giãy giụa trước sự bất lực, khi “mảnh đất màu mỡ” đầy mờ ám ở địa phương bị xâm hại. Và tất nhiên, trong cơn giãy giụa đó, người dân và ngân sách nhà nước đều có lợi – khi số tiền được đưa ra (người dân trúng thưởng) và thu vào (ngân sách đóng góp) trở về đúng giá trị của nó.