Thới Bình
(VNTB) – Trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau, nhưng đáng tiếc thay lại được đánh đồng khi ‘trị’ các quan chức tham nhũng
Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Thanh Liêm.
Ông Liêm được xác định vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hoá sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân. Nguyên Chủ tịch Bình Dương cũng phải cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020.
Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Trần Thanh Liêm.
“Xoá là xoá cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xoá cái không còn” – đó là ý kiến phổ biến theo đúng ngữ nghĩa của tiếng Việt. Có thể dẫn chứng, một bộ trưởng nghỉ hưu được hưởng những gì bắt nguồn từ chức vụ trước đây họ đảm nhiệm. Ví dụ các quyền lợi về tinh thần, vật chất như được vinh danh, đưa vào bảng vàng truyền thống của bộ, được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, khi từ trần được hưởng một số chế độ chính sách…
Như vậy, xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Đây là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó. Còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… không gắn với chức vụ Bộ trưởng ấy, thì họ vẫn được hưởng bình thường.
Về mặt pháp lý, thì chuyện ‘xóa tư cách chức vụ’ được căn cứ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2019: Sửa đổi, bổ sung Điều 84 như sau:
“Điều 84. Áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác
(…)
5. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;
b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.
Vấn đề đặt ra: Hệ quả pháp lý của văn bản người bị xóa tư cách chức vụ đã ký khi đương chức?
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn hoặc chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Về mặt pháp lý, cũng rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ, và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ, không có văn bản nào dùng khái niệm là tư cách chức vụ.
Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải quyết hệ lụy về mặt pháp lý, là những quyết định, bằng cấp của người bị xóa tư cách chức vụ khi còn đương chức thì có còn hiệu lực hay không?. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau, nhưng đáng tiếc thay lại được đánh đồng khi ‘trị’ các quan chức tham nhũng.