Nguyễn Phúc
(VNTB) – Một nữ sinh viên trường luật vừa bị đình chỉ học, nói đúng hơn là bị đuổi học thời hạn 1 năm vì photo giáo trình của nhà trường đem vào trường.
Đáng nói ở đây là nhà trường đã dùng từ ngữ dành cho cô nữ sinh viên này, giống như một bản án hình sự: “Hội đồng kỷ luật Trường ĐH Luật TP.HCM vừa ra quyết định đình chỉ học một năm đối với nữ sinh viên N.T.N.A., do “tàng trữ và đưa vào trường trái phép tài liệu photo vi phạm bản quyền của trường” (theo ông Phan Văn Tuyến – trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM).
Chỉ có Tòa án mới thẩm quyền kết luận?
Ngay sau thông tin của Phan Văn Tuyến được đăng tải trên báo chí, hàng loạt câu hỏi được bạn đọc đặt ra: “Không biết trường đã đăng ký bản quyền chưa, hay chỉ là sách trường biên soạn sử dụng trong trường?”; “Vậy thì phải xem xét làm rõ giáo trình của đại học Luật TP.HCM có vi phạm bản quyền trong quá trình biên soạn hay không?”;
“Mình xin hỏi thầy cô 1 câu thôi nếu trả lời thông suốt tôi tâm phục khẩu phục. Sử dụng tài liệu photocopy là vi phạm pháp luật xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vậy xin hỏi các thầy cô khoa luật sử dụng các phần mềm không bản quyền trên laptop để đến trường dạy mỗi ngày có vi phạm bản quyền hay không hoặc có vi phạm quyền sở hữu trí tuện hay không? Rất buồn đôi khi người ta chỉ hô hào để bảo vệ những quyền lợi có liên quan đến mình còn liên quan đến người khác thì không để ý đến”;
“Xin lỗi các thầy. Nhà trường của các thầy không có tư cách để xác định sinh viên này vi phạm bản quyền, việc đó thuộc về Tòa án. Nhà trường phải có đơn khởi kiện và trước tiên phải chứng minh giáo trình của mình đã đăng ký bản quyền đồng thời nộp các chứng cứ chứng minh sinh viên đó đã vi phạm.
Theo thông lệ việc khởi kiện về bản quyền sách, giáo trình chỉ nhắm vào các đơn vị in ấn, kinh doanh nhân bản lớn và có doanh thu cao. Chưa từng có đơn nào của nhà trường kiện sinh viên. Nếu sinh viên này sao chép độc bản (mỗi giáo trình một bản, Điều 25, Luật Sở hữu trí tuệ) với mục đích học tập, nghiên cứu phi thương mại thì không vi phạm pháp luật”.
Trợ giúp sinh viên
Làm sao để phân biệt được hành vi photo của sinh viên đó là không phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học? Nhà trường muốn cấm, muốn phạt thì nghĩa vụ chứng minh vi phạm thuộc về nhà trường – Không thuộc về sinh viên.
Ai cũng hiểu, đối với sinh viên, nhiệm vụ chính là đi học, muốn phục vụ việc học thì sách vở, giáo trình là công cụ căn bản và quan trọng nhất – tức nhu cầu là vô cùng chính đáng và vô hạn. Tuy nhiên, túi tiền sinh viên nói chung thì lại có giới hạn, dẫn đến việc không cho các em photo chính là đang gây cản trở cho nhu cầu chính đáng đó. Vấn đề tiếp theo, mục đích sinh viên photo tài liệu quá rõ ràng là không mang yếu tố thương mại, phục vụ mục đích sinh lời ở đây.
Cuối cùng nếu như nói ảnh hưởng đến quyền tác giả, thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao nhà nước có thể đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào những công trình khác, mà không thể hỗ trợ tác giả để cho các em sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước có được phương tiện học tập tốt hơn?
“Ngày xưa tôi đi học, Đại học Luật Hà Nội cũng cho sinh viên mượn toàn bộ giáo trình miễn phí. Ai làm mất/ hỏng thì đền quyển khác là được”. Một cựu sinh viên luật, nói.
Hiện tại, ở trường Đại học RMIT tại TP.HCM, sinh viên được mượn giáo trình tại Phòng Giáo trình. Sinh viên sẽ trả lại giáo trình trong vòng một tuần khi hủy môn học; Trả lại giáo trình và tài liệu đính kèm trước thứ Sáu của tuần 15. Các tài liệu trả sau ngày này bị tính phí trả quá hạn.
Tương tự, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải… đều duy trì việc cho sinh viên mượn giáo trình.
Những “tảng băng” ngầm
Cựu sinh viên Đặng Thị Hương, lớp Báo mạng K31, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: “Một quy luật bất thành văn là “của rẻ là của ôi”. Ngoại trừ về mặt giá thành thấp hơn, sách photo thua kém sách gốc về mọi mặt: chất lượng, lưu trữ, giá trị thẩm mĩ. Sách photo giấy xấu, mờ chữ, mất chữ, mất nhiều đoạn, dễ bị quăn mép, khó cất giữ. Nhưng hầu hết tất cả sinh viên đều chọn loại sách này. Liệu nguyên nhân có phải chỉ là tiền bạc? Thưa không, hoàn toàn không phải.
Trước hết, có một thực tế là nhiều sách rất khó mua bởi đã xuất bản từ lâu hoặc lưu hành nội bộ. Cụ thể, ở lớp tôi, lớp báo mạng K31 thầy giáo môn Lý luận Văn học khuyên cả lớp tìm đọc tập phóng sự “Sự đời” của Vũ Hữu Sự nhưng chẳng ai tìm được. Cuối cùng, lớp phải mượn thầy để đi photo. Hay như Bạn Trang, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Sách giáo trình của khoa tớ in nội bộ. Các thầy chỉ in một số lượng xác định thôi, sinh viên khóa sau phải tự đi photo”.