VNTB – Xử lý hàng tồn kho xét nghiệm ư?

VNTB – Xử lý hàng tồn kho xét nghiệm ư?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Cứ vây phủ, xét nghiệm thần tốc toàn thể như Hà Nội, các tỉnh cũng thực hiện y chang. Chi vậy? Xử lý hàng tồn kho xét nghiệm ư?

 

Phải chăng ông Bộ trưởng cũng “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn”…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, để giảm thời gian giãn cách phải phát hiện bằng được các F0 lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. “Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn, phát hiện sớm, nếu không làm xét nghiệm”, Bộ trưởng nói khi kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Hà Nội.

Xét nghiệm, tầm soát bằng test nhanh hay RT-PCR là một phương pháp quen đến mức thuộc lòng đối với nhiều người dân Việt Nam trong những đợt bùng dịch Covid-19 ở Việt Nam nói chung và đợt này ở miền Nam nói riêng, nhất là ở TP.HCM.

“Xét nghiệm, tất nhiên là phát hiện ca nhiễm khi thành phố này đã quá nhiều ca nhiễm, nhưng chỉ số đó chưa hẳn là chính xác nếu như không có yếu tố khách quan tác động vào. Tuy nhiên, mình chỉ nghi vấn một điều, liệu có khả năng người bị xét nghiệm từ âm tính thành dương tính, do bị lây từ nhân viên y tế hay không? Còn đưa que xét nghiệm tại nhà, chỗ nào mình không biết, nhưng chỗ mình thì không có, bạn bè cũng không.

Đọc tin tức từ báo chí, mình thấy cũng có trường hợp công ty 3 tại chỗ bị nhiễm. Toàn bộ lao động được bố trí sản xuất, ăn và nghỉ ngơi tại công ty. Nói nôm na “ngoại bất xuất nội bất nhập”, làm nghiêm, nếu họa chăng có nhập thì cũng từ nhân viên xét nghiệm ra”, không ít ý kiến băn khoăn như vậy từ các ‘phó thường dân’.

Trong một diễn biến tương tự liên quan đến giãn cách, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM cho biết:

“Chúng ta không thể sống mãi trong Chỉ thị 16, nhưng chúng ta không thể hủy bỏ giãn cách xã hội khi không đáp ứng được điều kiện về phòng, chống dịch. Một trong những điều kiện giúp TP.HCM sớm dừng Chỉ thị 16 là tiêm vắc xin. Tiêm vắc xin vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, bảo vệ cho gia đình, bạn bè, cộng đồng…

Vì vậy, ai cũng phải có trách nhiệm tiêm vắc xin để phòng, chống bệnh. Người dân hãy tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngay khi có lịch tiêm ngừa, đừng chần chừ, đừng chờ đợi, chọn lựa vắc xin”.

Cũng theo Thủ tướng thì: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.

Chỉ thị 16 đến lúc hoàn thành vai trò lịch sử của mình?

Có thể thấy một điều, Thủ tướng và ông Hải là nhất quán, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại cũng như tình hình thực tế ở thế giới, khi số lượng ca nhiễm đã lên quá nhiều và không thể truy vết F0. Việc truy vết, xét nghiệm diện rộng có thể phù hợp trong giai đoạn đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại, khi cả thế giới đã chích vắc xin, thay vì nâng cao y tế điều trị cho người nhiễm bệnh, ông Bộ trưởng Y tế Việt Nam vẫn trung thành với xét nghiệm diện rộng, bất chấp tốn kém hay ảnh hưởng sức khỏe người dân, chẳng lẽ, ông muốn đi ngược lại với thế giới?

Thêm vào đó, nếu lựa chọn giữa xét nghiệm và vắc xin, có lẽ, người dân sẽ lựa chọn chích vắc xin, cho dù đó là Vero Cell đi chăng nữa, bởi thời gian giãn cách quá dài, thêm vào đó là quá mệt mỏi với việc liên tục được xét nghiệm đi xét nghiệm lại.

Giải thích cho lý do xét nghiệm diện rộng, theo báo chí, ông Bộ trưởng Y tế dẫn bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng; ở trong nước thì có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hoà, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP.HCM… Đây là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0, không để lây lan trong cộng đồng.

“Nghe qua cảm thấy hợp lý nhưng thực chất nó chẳng hợp lý ở điểm nào. Trung Quốc với Việt Nam là hoàn toàn khác nhau, khác từ địa lý, diện tích lãnh thổ, dân số, khí hậu cho đến phong tục tập quán, nếp sống…. Không thể thấy người ta sao, mình bắt chước y vậy được.

Đúng là Bắc Giang, Hải Dương có thể hiệu quả nhưng phải xét trên bình diện chung ca nhiễm cũng như địa hình. Ít ca nhiễm, thời gian đầu chưa nhiều vaccine, có thể chấp nhận. Còn bây giờ, thực tế thì như thế nào? Sao lại lấy thành quả của quá khứ ra so với hiện tại được?

Còn quận 7, Củ Chi, chống dịch tốt thực sự rất mừng. Nhưng theo mình nghĩ, nó khó áp dụng với các quận khác. Củ Chi đất đai rộng lớn, quận 7 thì khu nhà giàu nhiều, giãn cách có thể ít tiếp xúc. Nhưng với quận 4 hay Bình Thạnh, hẻm nhiều, chật, nhà trọ nhiều, thì sao?

Cuối cùng là Thủ tướng cũng như quốc tế đều chấp nhận phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối. Thế thì việc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng là việc có khả thi hay không? Xét nghiệm lần này không phải lần đầu, mà kết quả có tách được hay không? Rồi bao giờ mới tách được? Bao giờ mới hết giãn cách?

Ông Bộ trưởng nên xem lại cách chống dịch của mình, đừng đi ngược lại với văn minh nhân loại”, một nhà báo làm việc ở đài truyền hình, ý kiến.

Không biết rằng, sắp tới đây Bộ Y tế sẽ quy định như thế nào trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 hiện tại. Sẽ tin và nghe theo ý của Thủ tướng hay làm theo ý của mình? Sẽ tạo điều kiện cho người dân, hàng hóa dễ dàng lưu thông, vận chuyển hay thêm rắc rối, điều kiện với đủ thứ loại giấy tờ mang tên xét nghiệm, âm tính?

Dù không hy vọng nhiều nhưng thôi, vẫn hy vọng…

Thay lời kết

Giả tưởng mai này báo chí sẽ đăng tuyên bố đầy mạnh mẽ như sau của Bộ trưởng Y tế:

“Sau khi phủ vắc xin, tỷ lệ tăng nặng do Covid gây ra sẽ giảm. Việc bóc tách đưa F0 đi cách ly không làm giảm tỷ lệ tử vong, mà lại tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, công an, quân đội và các tình nguyện viên. Chúng ta sẽ triển khai cách ly tại nhà, đưa đối tượng có triệu chứng và nguy cơ cao đi điều trị.

Những khu vực tỷ lệ dương tính cao như trên 10% các ca test nhanh, sẽ được coi như vùng đỏ. Khoanh vùng cách ly tại chỗ, đưa y tế vào trong “lõi đỏ”, hướng dẫn điều trị sớm cho người dân. Ca trở nặng phải đưa sớm vào bệnh viện.

Ngành Covid học dần định hình từ ngày hôm nay…

Chúng ta sẽ phải bình an!”


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)