Hàn Lam
(VNTB) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của FED, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 2,25% – 2,5%, cao nhất kể từ tháng 12-2018.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed đã ra quyết định chính sách tiền tệ thắt chặt là nâng lãi suất cơ bản đồng USD, với mức tăng 0,75% lên mức 2,25% – 2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12-2018. Ngoài ra, Fed cho biết, có thể còn tăng thêm một đợt lãi suất 0,75% vào cuối năm 2022.
Dự báo, lãi suất tham chiếu của Fed có thể tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022 và 3,8% vào cuối năm 2023. Nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc, nhưng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát.
Cùng với Fed, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đã có từ 1 – 3 lần tăng lãi suất từ đầu năm đến nay. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản đồng EUR với mức tăng 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm sau 11 năm.
Hiện IBM, Netflix, Johnson và Philip Morris là những công ty đã đưa ra cảnh báo giảm doanh số trong những tháng tới. Số lượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng lên trong vài ngày tới khi những công ty công nghệ khổng lồ có nhiều hoạt động kinh doanh ở ngoài Mỹ như Apple, Alphabet, chủ sở hữu của Google và Microsoft công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý.
Về lý thuyết, việc Fed tăng lãi suất sẽ đẩy giá trị USD tăng lên, từ đó có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, tức xuất khẩu nhận về USD và đổi được nhiều VND hơn. Ở chiều ngược lại, giá cả hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nhất là những hàng nhập khẩu từ Mỹ do Việt Nam chủ yếu nhập khẩu bằng USD.
Tuy nhiên cần lưu ý là người dân Mỹ tiêu dùng chủ yếu là vay qua thẻ tín dụng, như vậy khi lãi suất cao thì họ sẽ giảm bớt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu hàng ngoại sẽ giảm đi.
“Cái đáng lo nhất là việc USD tăng giá sẽ bất lợi cho Việt Nam vì chính phủ nợ trên ngoại tệ, đặc biệt là USD một lượng khá lớn” – luật sư Trần Thành, lưu ý.
Luật sư Trần Thành nhìn nhận việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng tăng lên, khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Cuối cùng, việc Fed tăng lãi suất tác động đối với dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, và hưởng lãi suất cao hơn trước.
Động thái này đã xảy ra trong năm 2021 và dự kiến có thể tiếp tục xảy ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, dù triển vọng kinh tế Việt Nam có vẻ ngoài được đánh giá vẫn rất tích cực.
Tỷ giá USD/VND từ ngày 16-3, tức lần Fed tăng lãi suất đầu tiên tới nay đã tăng liên tục. Tại Ngân hàng Vietcombank, giá bán USD ngày 16-3 chỉ ở mức 23.020 đồng/USD, đến nay đã tăng lên mức 23.520 đồng/USD vào ngày 28-7, tăng 500 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,15%. Tương tự, giá mua USD tiền mặt cũng tăng tương ứng từ 22.710 đồng/USD lên 23.210 đồng/USD.
Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động trong thời gian qua với mức tăng 0,3 – 0,5% tùy theo kỳ hạn, và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.