Phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Trần Đức Thạch ngày 24/3/2021: Diễn ra từ 8 giờ 30 và kết thúc 10 giờ 15 cùng ngày. Kết quả giữ nguyên án sơ thẩm 12 năm tù và 3 năm quản chế.
Ngày 24-3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự xử phúc thẩm, tuyên bác đơn kháng cáo của bị cáo, y án sơ thẩm đối với ông Trần Đức Thạch (69 tuổi, trú huyện huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ông Trần Đức Thạch vẫn phải chịu mức án 12 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-12-2020, ông Trần Đức Thạch đã bị HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Nghệ An tuyên án 12 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và 3 năm quản chế.
Phiên phúc thẩm được mở ra sau khi ông Thạch có đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm kêu oan.
Theo thông tin từ báo chí nhà nước, do ông Thạch không đưa ra được tình tiết mới để HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. HĐXX phúc thẩm nhận định hành vi của ông Thạch là đặc biệt nghiêm trọng nên đã bác đơn kháng cáo của ông Trần Đức Thạch.
Nhà thơ Trần Đức Thạch là thành viên của Hội Anh em Dân chủ.
*****
LUẬN CỨ BÀO CHỮA TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ PHÚC THẨM
Cho ông Trần Đức Thạch tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội,
ngày 24/03/2021.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho ông Trần Đức Thạch xin trình bày quan điểm bào chữa, như sau:
I. Tóm tắt vụ án:
Ông Trần Đức Thạch, sinh ngày 19/06/1952; nguyên quán xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngày 01/04/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/ANĐT về tội ““Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ngày 23/04/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố bị can số 11/ANĐT đối với Trần Đức Thạch, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ngày 18/09/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 436/KLĐT. Ngày 21/09/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Cáo trạng số 186/CT-VKS-P1, quyết định truy tố bị can Trần Đức Thạch ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An để xét xử về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;”
Ông Thạch bị bắt và bị tạm giam tại trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An từ ngày 23/04/2020 cho đến nay.
Ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và ra Bản án số 184/2020/HS-ST tuyên ông Trần Đức Thạch phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) phạt 12 năm tù + 03 năm quản chế.
Tại phiên Tòa hôm nay ông Thạch kháng cáo yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
II. Cấp Tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng:
Vi phạm những quy định cơ bản của Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
1- Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018: Nhưng Bản án sơ thẩm lại xét xử cả nhũng hành vi của ông Thạch trước ngày 01/01/2018 liên quan đến Hội anh em dân chủ đã bị bắt từ tháng 12/2015. Điều này là vi phạm với quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
2- Bản án sơ thẩm nhận định ông Thạch có hành vi “Tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây không phải là hành vi thuộc mặt khách quan tội phạm của “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 BLHS 2015 nhưng Bản án sơ thẩm lại kết tội ông Thạch về tội này.
3- Tòa án xét xử không công bằng: Đại diện Viện kiểm sát là người buộc tội bị cáo tại Tòa thì có đầy đủ hồ sơ vụ án, trong khi Người bào chữa không được sao chụp hồ sơ vụ án.
Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.
4- Ông Thạch năm 2008 thi hành án tù 3 năm + 3 năm quản chế. Đến hết 2014 ông Thạch đã chấp hành xong 03 năm quản chế đủ điều kiện xóa án tích theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 71 BLHS và đến ngày 23/04/2020 ông Thạch mới bị bắt như vậy ông Thạch không có tình tiết tăng nặng như Bản án sơ thẩm áp dụng theo quy định tại điểm h “Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm” khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
5- Ông Thạch có một số năm tham gia quân đội chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, đến nay ông không được hưởng chế độ chính sách nào của Nhà nước là một bất công. Cấp sơ thẩm cho rằng vì không có tài liệu, hồ sơ nên đã không ghi nhận thời giam tham gia quân đội của ông, đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra được quy định tại Điều 15 Bộ luật TTHS 2015. Ông Thạch nằm trong số hàng vạn người đã tham gia cuộc chiến tranh miền Nam nhưng bị mất giấy tờ hoặc không được Nhà nước xác nhận. Cơ quan điều tra đã lập chuyên án theo dõi ông Thạch từ nhiều năm, ông Thạch có bị mất giấy tờ tham gia quân đội thì Cơ quan huyện đội, tỉnh đội còn lưu trữ, Cục quân lực phải lưu trữ hồ sơ quân nhân của ông Thạch. Tại sao Cơ quan điều tra bằng mọi biện pháp để tìm chứng cứ có tội cho ông Thạch lại bỏ qua chứng cứ có lợi cho ông. Đây có phải là đạo lý của Đảng không?
Điều 15. Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
6- Ủng hộ hay xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, “xây dựng nền kinh tế, lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng” không phải là điều cấm trong Hiến pháp 2013 hoặc là một tội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.
7- Có thể ông Thạch có những phát biểu quá mức. Nhưng Đảng không có những sai phạm, tham nhũng, bất công thì ông Thạch có gia đình truyền thống theo Đảng, bố ông Thạch là huyện ủy viên, bản thân ông Thạch những năm tuổi trẻ cống hiến trong quân ngũ. Vậy hà cớ gì mà ông Thạch lại chống chế độ?
III. Về mục đích của hình phạt: Là trừng trị và giáo dục
1- Về trừng trị: Hội anh em dân chủ đã bị bắt và dừng hoạt động từ năm 2015. Từ đó cho đến khi bị bắt ông Thạch cũng không còn tham gia nữa. Ông Thạch năm nay đã 69 tuổi lại mang nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Ông Thạch không còn nguy hiểm cho chế độ nữa. Đảng bỏ tù ông Thạch 12 năm + 03 năm quản chế, có cần phải truy cùng diệt tận với ông Thạch, một cựu quan nhân đến như vậy không? Ông Thạch có sống được để mà thi hành hết án không?
2- Về giáo dục: Ông Thạch là một cựu quân nhân, một nhà văn, nhà thơ ông Thạch cần ai giáo dục cho ông và giáo dục về điều gì? Về phía mình, ông Thạch ngay từ khi bị bắt đã thừa nhận các hành vi của mình với Cơ quan điều tra nhưng Đảng vẫn coi ông Thạch là kẻ thù của chế độ.
Điều 31. Mục đích của hình phạt
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Với các lý lẽ trình bày ở trên, tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án của ông Trần Đức Thạch.
Tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Thành phố Vinh, ngày 24 tháng 03 năm 2021.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn