VNTB – Tăng Minh Phụng và tham vọng làm giàu tử tế

VNTB – Tăng Minh Phụng và tham vọng làm giàu tử tế

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu tử tế của mình.

 

Tình tiết vụ án nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, xét về chuyện “tài sản thi hành án”, có vẻ là phiên bản 2021 của vụ án Tăng Minh Phụng hồi nào…

Thế nhưng có lẽ không cùng đại lượng về chuyện tiêu xài tiền giữa hai doanh nhân.

Nếu còn sống, năm nay ông Tăng Minh Phụng chỉ mới có 64 tuổi thôi. Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, nghĩa là lớn hơn ông Phụng 9 tuổi. Bà Diệp là một trong những người Việt Nam đầu tiên sở hữu xe ô tô siêu sang Rolls-Royce Phantom, biển số 77L7777. Bà Diệp là con em cán bộ cách mạng ở miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1954, bà Diệp được cho ra Bắc học tập tại trường Học sinh miền nam số 13.

Về lại miền Nam trong tư thế của “bên thắng cuộc”, trong chuyện kinh doanh đất đai sau này, bà Dương Thị Bạch Diệp từng công bố cho truyền thông biết vào năm 2014, Công ty Diệp Bạch Dương sở hữu 6 khu đất đắt đỏ ở TP. Hồ Chí Minh gồm 4 khu ở trung tâm quận 1 và 2 khu ở trung tâm quận 3 như Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique, Dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại 179 Bis, Hai Bà Trưng, quận 3 với tổng diện tích 3.100 m2, vốn đầu tư hơn 2600 tỉ đồng, cùng 7 mặt bằng tại tại số 31 Lê Duẩn, quận 1. Bà Dương Thị Bạch Diệp từng nói với báo chí bà có số tài sản trên giấy tờ vào năm 2014 khoảng gần 10 ngàn tỉ đồng…

Còn ông Tăng Minh Phụng là một Hoa kiều Chợ Lớn, nghĩa là người sinh ra và lớn lên trong xã hội từng bị phê phán là “Ngụy”.

Đồng tiền có thể hủy hoại mọi thứ và làm mờ mắt những kẻ tham lam, ấu trĩ nhưng bản chất con người đã từng nhọc nhằn kiếm sống từng đồng hiểu hơn hết giá trị đồng tiền, nên Tăng Minh Phụng không bao giờ dùng tiền lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, bài bạc như một số “đại gia” tiêu tiền chùa.

Tất cả mọi tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Tăng Minh Phụng đều “ném” vào việc đầu tư kinh doanh bất động sản với những kế hoạch lớn lao…

Có lẽ khó ai có thể hiểu chính xác nỗi lòng hay suy nghĩ của Tăng Minh Phụng khi đứng trước vành móng ngựa nghe kết án cho chính hoài bão, mộng tưởng của mình. Nhiều người đã phân tích, mổ xẻ và nói tham vọng của Tăng Minh Phụng là sự hoang tưởng.

Thực tế, trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất ở Việt Nam thế kỷ trước, mô hình công ty mẹ – công ty con của Tăng Minh Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay, tất nhiên là với nghĩa tập đoàn đầy đủ nhất cùng hệ thống pháp lý vững vàng. Dẫu sao thì Tăng Minh Phụng cũng không còn có mặt trên đời để chứng kiến sự thay đổi đó.

Ngày về đã không bao giờ trở thành sự thật khi đơn xin tha tội chết của Tăng Minh Phụng bị bác bỏ. Nỗi đau của người đàn ông cùng một lúc sự nghiệp tan vỡ, vợ theo chồng vào tù, con cái chông chênh giữa cuộc đời. Bữa ăn cuối cùng trước giờ ra pháp trường, Tăng Minh Phụng không hề đụng đũa mà ông chỉ xin giấy bút để lại bức thư cho con cái…

Tay trắng tạo dựng sự nghiệp. Khi chạm đỉnh vinh quang thì mọi thứ sụp đổ và tan thành mây khói. Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu tử tế của mình.

Dẫu biết thất bại luôn song hành trên suốt chặng đường kinh doanh của mỗi người, nhưng nếu được hai chữ “giá như” liệu mọi chuyện về Tăng Minh Phụng có khác, khi người ta vẫn cho rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không hẳn là định hướng xã hội chủ nghĩa, mà đó là định hướng chính trị từ tầm nhìn mang tính nhiệm kỳ của người đứng đầu Đảng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)