Quỳnh Nhi
(VNTB) – Lý luận đẻ ra từ nòng súng và đứng trên đầu ngọn súng từng khiến Việt Nam từ chối phương Tây, góp phần hạn chế triệt để khả năng phát triển nhà nước và đẩy xã hội vào khủng hoảng kinh tế – xã hội sau năm 1975. Giờ đây, bằng quan điểm và chỉ đạo từ chối giá trị Tây phương của ông Nguyễn Phú Trọng, liệu rằng, tương lai ngắn hạn của đất nước sẽ đi đâu, về đâu, khi những thời cơ vàng của quốc gia (thương chiến Mỹ-Trung; cơ cấu dân số vàng; gia nhập các Hiệp định thương mại tự do) bị đánh mất bởi lý luận già cỗi không theo kịp thực tiễn xanh tươi?
Và rồi ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của dân tộc này? Là anh “Rút kinh nghiệm” hay là chị “Bài học kinh nghiệm”?!
“Có lý luận thì phải nói theo lý chứ đừng nói theo họng súng”, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận về quan điểm “không cho phép ai làm trái đường lối của Đảng” trên trang Facebook cá nhân của mình
Quan điểm trên được rút từ bài báo được đăng tải trên Vietnamnet vào tháng 1.2019, trong đó ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, “cần tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không, có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị ‘tự do, dân chủ’ của các thế lực thù địch, chống đối không.”
Ông Nguyễn Phú Trọng không nằm ngoài quỹ đạo “chỉ đạo, lý luận trên đầu ngọn súng”. Điều chỉ có ở thể chế độc quyền toàn trị. Khi đó, mọi lời của người đứng đầu Đảng Cộng sản trở thành khuôn vàng thước ngọc cho cả ba nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp buộc phải tuân theo.
Trọng lượng lời nói của ông Nguyễn Phú Trọng không nằm ở tính chân lý hay khả năng nắm bắt thực tiễn, mà lời nói đó được đặt cạnh công an, nhà tù, và pháp luật. Chống lại quan điểm chỉ đạo chính là chống lại nòng súng.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng dị ứng với những quan điểm tự do dân chủ kiểu phương Tây, thực tiễn ông đã ra quyết định kỷ luật ông Chu Hảo, vì đã xuất bản những tác phẩm “truyền bá” những tư tưởng đó. Ông Nguyễn Phú Trọng tái hiện gần như hoàn hảo một quan điểm từ báo Giải phóng quân, 22/3/1967 (Trung Quốc), với nội dung chỉ thị cho toàn quân: “Đập tan một dúm những kẻ cầm quyền trong đảng đi theo con đường TBCN…”. [1]
Thực ra, quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng là “trước sau như một” về quyền lực chuyên chính đảng.
Năm 2013 trong không khí hớn hở và đầy tính cầu thị của bộ máy tuyên truyền về sửa đổi Hiến pháp 1992, một tập hợp trí thức nhà nước “vững tin trước sự lắng nghe” của đảng dưới thời ông Trọng, đã thẳng thắn và có phần thật thà của một người trí thức cùng làm nên Kiến nghị 72. Nội dung nêu ra những vấn đề cốt lõi cần phải sửa đổi trong Hiến pháp, để dẫn dắt toàn dân – toàn đảng bắt kịp cùng thời đại.
Kết quả, sách nhiễu được áp dụng cho những ai dám đề xuất và ghi danh trong Kiến nghị 72 bằng biện pháp “khuyên nhủ và răn đe” đối với các cá nhân, và người thân của họ.
Với ông Nguyễn Phú Trong, trong cuộc tiếp xúc với các tỉnh ủy và đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc hôm 25/02/2013, ông nhắc đến “một số ý kiến” mà theo ông là biểu hiện của suy thoái về nhận thức tư tưởng và chỉ đạo xử lý nghiêm.
Năm 2014, chính tay ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị Quyết số 37 “Về công tác lý luận và phương hướng nghiên cứu đến năm 2030” trong đó đề cập đến những quan điểm tiến bộ: Nghiên cứu những trào lưu tư tưởng, học thuyết mới, lý thuyết mới chưa được nhiều; coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận; đối với những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ; vấn đề dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân đi đôi với hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong điều kiện mới; về xã hội dân sự trên thế giới.
Ba năm sau, dưới sự điều hành của ông, Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN đã ban hành Quy định 102-QĐ/TƯ. Trong đó nghiêm cấm đảng viên “nói, viết phản bác” chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.
Quy định trên làm tê liệt toàn bộ khả năng tư duy và phản biện của đội ngũ đảng viên, chính xác hơn, đảng viên trở thành máy photocopy để ghi nhận và trả lại từng câu chữ do Trung ương đảng ban hành.
Vậy, Nghị quyết 37 của do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, trong đó đề cập đến “mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ” liệu còn giá trị thực tế? Khi Quy định 102 độc tôn chân lý trong mọi vấn đề thuộc về chính trị (dân chủ xã hội chủ nghĩa) – kinh tế (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) và xã hội (xã hội dân sự)?
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có tỉnh táo không khi bàn về biện chứng, bản chất, hiện tượng thông qua Đại án kinh tế Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Một minh chứng rất rõ nét về dân chủ và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý luận sai sẽ dẫn đến dự án sai.
Lý luận đẻ ra từ nòng súng và đứng trên đầu ngọn súng từng khiến Việt Nam từ chối phương Tây, góp phần hạn chế triệt để khả năng phát triển nhà nước và đẩy xã hội vào khủng hoảng kinh tế – xã hội sau năm 1975. Giờ đây, bằng quan điểm và chỉ đạo từ chối giá trị Tây phương của ông Nguyễn Phú Trọng, liệu rằng, tương lai ngắn hạn của đất nước sẽ đi đâu, về đâu, khi những thời cơ vàng của quốc gia (thương chiến Mỹ-Trung; cơ cấu dân số vàng; gia nhập các Hiệp định thương mại tự do) bị đánh mất bởi lý luận già cỗi không theo kịp thực tiễn xanh tươi?
Và rồi ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của dân tộc này? Là anh “Rút kinh nghiệm” hay là chị “Bài học kinh nghiệm”?!
Tham khảo
[1] vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/su-tich-‘sung-de-chinh-quyen’