Việt Nam Thời Báo

Nghi ngại thành tích 10 năm không tham nhũng: Rất chia sẻ!

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng khẳng định sẽ thẩm tra các báo cáo 10 năm không có tham nhũng…

PV:- Thưa ông, Bộ LĐTB&XH khẳng định 10 năm qua (2006-2015) chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng và cán bộ nhận quà tặng sai quy định. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương cũng có kết luận tương tự. Nối dài danh sách này còn có Quảng Nam, Quảng Bình… ông có bất ngờ trước các báo cáo này không? Vì sao?

Ông Phạm Trọng Đạt: Tôi không bất ngờ với việc nhiều bộ ngành địa phương khẳng định suốt 10 năm qua không phát hiện tham nhũng hoặc không có tham nhũng.

Có thực tế là báo cáo của các bộ ngành, địa phương với báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng đang không khớp nhau. Có thể số liệu vênh do cách thống kê, thời điểm thống kê, cũng có khi có những vụ việc được phát hiện nhưng tòa chưa đưa ra phán quyết cuối cùng thì cũng chưa thể khẳng định cán bộ đó có tham nhũng hay không.

Đã có rất nhiều vụ việc ban đầu thì bị điều tra về tội tham nhũng nhưng sau đó tòa án xét xử lại đổi sang tội danh khác nên không thể đưa vào danh sách tham nhũng này được. Vì vậy, báo cáo của họ cũng là có cơ sở, cũng có lý của họ chứ không phải không.



Nhưng các báo cáo tổng kết chưa được sâu. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn kỹ càng hơn để các bộ ngành, địa phương biết được mình đang có những yếu kém gì trong việc phát hiện, phòng ngừa tham nhũng và nguyên nhân tại sao lại như vậy để có sự điều chỉnh, thay đổi phù hợp.

PV:- Ông cho biết sẽ thẩm tra lại các báo cáo này, xin ông nói cụ thể?

Ông Phạm Trọng Đạt: Báo cáo của Bộ ngành, địa phương chúng tôi phải tôn trọng nhưng chúng tôi chỉ coi các báo cáo đó là một kênh tiếp nhận thông tin trong nhiều kênh thông tin báo cáo về tham nhũng.

Dựa trên các báo cáo sẽ kiểm tra, thẩm tra và đối chiếu, so sánh với các báo cáo hàng năm trước đây xem số liệu có chính xác hay không. Qua đó sẽ có những đánh giá, thống nhất chỉnh sửa số liệu cho đúng, vì như đã nói, dấu hiệu cũng chưa chắc đã là tội.

PV:- Lạ là báo cáo không có tham nhũng phổ biến như vậy nhưng cứ sau báo cáo thì lại có cán bộ bị bắt vì phát hiện hành vi tham nhũng. Điển hình như trường hợp ở TP.HCM, vẫn được giải thích nhận phong bì chưa chắc đã phải là hối lộ, tham nhũng, ông có đồng tình với nhận định trên?

Ông Phạm Trọng Đạt: Trường hợp cán bộ hải quan TP.HCM nhận phong bì cũng khó khẳng định ngay là hối lộ hoặc tham nhũng. Bởi lẽ nhận phong bì cũng có thể là tình cảm, là yêu quý chứ không hẳn cứ nhận phong bì là hối lộ. Vấn đề ở đây tôi muốn nói là phải phân biệt cho được động cơ “đưa” và “nhận”.

Tất nhiên người dân có quyền băn khoăn và có quyền hỏi vì sao báo cáo không có tham nhũng nhưng lại bắt được tham nhũng? Nhưng sau báo cáo người ta mới phát hiện ra, rồi mới bắt thì phải chấp nhận thôi.

PV:- Phó Thủ tướng từng nói rằng “có tình trạng tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”, nếu thẩm tra lại, ông có kỳ vọng sẽ ra kết quả khác?

Ông Phạm Trọng Đạt: Tôi rất chia sẻ với dư luận, ngay bản thân lực lượng phòng chống tham nhũng cũng không thể chống hết được những sơ hở vì thế mà vẫn có những trường hợp cán bộ chống tham nhũng lại tham nhũng.

Tới đây, phải xem xét để có những sửa đổi phù hợp nhằm quản lý tốt cán bộ, đồng thời sẽ có những tiêu chí đánh giá, thanh lọc bộ phận cán bộ không đủ tiêu chuẩn; Bộ phận có yếu tố tiêu cực.

PV:- Nhìn Bộ nào cũng báo cáo không tham nhũng, là một người chịu trách nhiệm về công tác này ông có cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại, định nghĩa lại về khái niệm phòng và chống tham nhũng?

Ông Phạm Trọng Đạt: Tất nhiên rồi. Tới đây, việc thực hiện phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện theo Thông tư 04.

Riêng việc tổng hợp, đánh giá thực tế sẽ dựa trên nhiều “kênh” khác nhau như: Báo cáo của các bộ ngành, địa phương; kết quả điều tra xã hội học với người dân, cơ quan, doanh nghiệp; đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam của các cơ quan, tổ chức quốc tế,…. như vậy việc đánh giá tham nhũng sẽ sát thực tế hơn.

Ngoài ra, việc nhận định tình hình tham nhũng được thực hiện theo các nội dung cụ thể: mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng; mức độ thiệt hại kinh tế do tham nhũng; mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng.

Căn cứ vào tổng điểm của các điểm thành phần và được tính theo thang điểm 100 các bộ, ngành, địa phương tự nhận định tình hình tham nhũng theo các nội dung nói trên.

Cụ thể, Điểm tổng hợp = (2) x Điểm thành phần 1 + (1) x Điểm thành phần 2

(Trong đó Điểm thành phần 1 được tính tối đa là 30 điểm và tối thiểu là 0 điểm. Điểm thành phần 2 được tính tối đa là 40 điểm và tối thiểu là 0 điểm).

Đối với công tác phòng chống tham nhũng cũng được thực hiện theo 4 nội dung cụ thể: chỉ đạo, điều hành công tác PCTN; xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Cũng dựa trên thang điểm 100, các bộ ngành, địa phương sẽ tự đánh giá, chấm điểm theo từng nội dung.

Cụ thể, Điểm tổng hợp = (2) x Điểm thành phần 1 + (1) x Điểm thành phần 2

Trong đó, Điểm thành phần 1 được tính tối đa là 30 điểm và tối thiểu là 0 điểm dựa trên tổng điểm số của 04 nội dung trên. Điểm thành phần 2 được tính tối đa là 40 điểm và tối thiểu là 0 điểm căn cứ vào cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về công tác PCTN.

Theo báo Đất Việt

Tin bài liên quan:

“Lộ mật” tài sản khủng, các quan chức nói gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Tiền tươi” trong nhà quan chức nhiều quá

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình – Đồng bệnh tương lân

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo