Minh Trí
(VNTB) – Liệu chi tiết gọi là tàn ác, lê máy chém đi khắp miền Nam liệu có đúng? Hay là Lịch Sử áp dụng một biện pháp tu từ của Ngữ Văn: thậm xưng?
Nền giáo dục Việt Nam, so với các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, Sinh hoặc môn xã hội như Ngoại Ngữ thì Lịch Sử có phần “lép vế” hơn cả. Thậm chí, với môn học như Ngữ Văn, cũng không được chú trọng.
Với Ngữ Văn, thuở còn cắp sách đến trường, mỗi khi làm bài mà “nêu cao” tinh thần, suy nghĩ cá nhân, khác với khung điểm, khác ý của thầy cô giáo, hoặc “dám khác” văn mẫu. là y như rằng chỉ có một số phận là “5 – 6 bước đều”. Chính vì lẽ đó, đến tận lúc thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc đại học), các em học sinh cũng được thầy cô giáo của mình “cho” học thuộc lòng những gì đã ghi chép.
Lịch Sử cũng có nét tương đồng như thế. Thay vì say mê trong từng bài học, trong từng trận chiến, nắm được các ý chính trong các tiết học thì học sinh lại phải ngồi “nghiên cứu” xem “học tủ” như thế nào? Nhớ hoài: “trận đánh nào thắng thì không nói. Thua thì cứ vào bài mà phang là sau trận đánh rút kinh nghiệm. Mặc dù có những tổn thất và hạn chế, song ý nghĩa của cuộc chiến… vẫn hết sức to lớn, đã làm lung lay ý chí xâm lược…”. Khi ấy, cảm giác, hình như, trận nào “phe ta” cũng… thắng.
Lớn lên một tí, bước chân vào giảng đường đại học, những bài học lịch sử khi xưa làm cho tôi đầy nghi ngờ.
Thậm xưng?
Đầu tiên là nhân vật Lê Văn Tám. Tò mò không biết là làm sao cái ông này có thể lọt vào kho xăng của Pháp một cách dễ dàng rồi châm lửa đốt người, nhảy vào thùng xăng mà Pháp vẫn im ru. Nói một cách vui vui, không lẽ lúc ấy mấy anh người Pháp “ngủ quên”? Sau này, khi lớn, tìm hiểu, mới biết đó chỉ là nhân vật dựng lên để tuyên truyền.
Tuyên truyền phục vụ cho cuộc chiến lúc đó. Vậy bây giờ đã là thời bình, tại sao không cải chính thông tin, phổ biến cho người dân biết?
Rồi đến sự việc máy chém của ông Ngô Đình Diệm. Nhớ những bài học hồi nào, bộ luật 10-59, ông Diệm là người tàn ác, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cho đến hôm nay, câu ấy vẫn còn tồn tại trong một số blog: “Nói về Ngô Đình Diệm, sự tàn ác của ông ta đã được sử sách tổng kết là một tên đồ tể hiếm có ai có thể sánh được. Hình ảnh của Diệm gắn liền với cái máy chém lê đi khắp miền Nam. Và câu nói nổi tiếng của Diệm, hẳn ai cũng thuộc nằm lòng: “Thà giết nhầm còn hơn bỏ xót”! Chính câu nói này đã lột tả đến tận cùng sự tàn bạo, hung ác tới mức không còn tính người của Ngô Đình Diệm”.
Không thể phủ nhận một điều, bộ máy tuyên truyền về lịch sử quá hay, đã làm cho không ít người (trong đó có không ít giới trẻ) đã nhầm lẫn.
Điển hình như trường hợp trên của ông Diệm. Cho đến nay, về phía Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chỉ mới nêu được tên người bị chém bởi luật 10-59 là ông Hoàng Lê Kha, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh. Theo đó, tháng 3 năm 1959, khi ông chuẩn bị đi công tác thì bị người của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt tại nhà ông Hai Thương, sau đó bị đưa về giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn).
Ngày 2 tháng 10 năm 1959, Hoàng Lê Kha bị kết án tử hình tại tòa án quân sự đặc biệt. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 1960, Hoàng Lê Kha bị hành quyết bằng máy chém tại Tam Hạp (Trảng Lớn, Châu Thành, Tây Ninh). Khi ấy, ông đang ở tuổi 43.
Như vậy, liệu chi tiết gọi là tàn ác, lê máy chém đi khắp miền Nam liệu có đúng? Hay là Lịch Sử áp dụng một biện pháp tu từ của Ngữ Văn: thậm xưng?
Tựu trung lại một điều, với nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan như dạy và học Lịch Sử quá chán, buồn ngủ; Lịch Sử thuộc về người chiến thắng; Lịch Sử không rõ ràng, mập mờ… thì tình trạng học sinh “dở” sử là… lẽ tất yếu, và còn kéo dài dài…