Việt Nam Thời Báo

VNTB- Từ “Tết trồng cây” đến “trảm” không thương tiếc buồng phổi thủ đô

Đào Đức Thông


(VNTB) – Tàn phá rừng và phá cây trên hè phố đô thị như Hà Nội, cũng là một thảm họa của “thanh gươm Damocles” lơ lửng không chỉ trên đầu người dân thủ đô, mà còn đe dọa cả bộ máy chính phủ đang hiện diện nơi đây.

Ngày nay, khi chúng ta cất cao tiếng hát chiến thắng hướng tới tương lai càng thêm tươi sáng hơn thì bỗng nhiên chúng ta phát hiện thấy “thanh gươm Damocles” đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta: đó là nhân khẩu tăng nhanh, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, nhiều giống loài bị huỷ diệt, thiên tai ngày càng nhiều, xã hội ngày càng rối ren…
Ngày nay, các chuyên gia về môi trường đã phân chia những thiệt hại về môi trường thành hai loại: loại thứ nhất đến từ thiên nhiên như: động đất, hạn hán, đất lở, lũ lụt; loại thứ hai đến từ những sinh hoạt của con người gây ô nhiễm môi trường và huỷ hoại sinh thái, chủ yếu là khí thải, chất phế thải và nước thải từ công nghiệp.
Ở Việt Nam, các loại đồ ăn đồ uống đựng trong ly nylon dùng một lần rất nhiều. Nhan nhản ngoài đường phố các khẩu hiệu kêu gọi “Bảo Vệ Môi Trường”. Việc bỏ vô thùng rác các đồ dùng một lần chỉ là một hành động giữ vệ sinh chung, hoàn toàn không có một chút ý nghĩa bảo vệ môi trường. Chính cái bao ni lông, ly nhựa đựng đồ uống khó phân hủy sẽ là thủ phạm làm ô nhiễm môi trường.
Tàn phá rừng và phá cây trên hè phố đô thị như Hà Nội, cũng là một thảm họa của “thanh gươm Damocles” lơ lửng không chỉ trên đầu người dân thủ đô, mà còn đe dọa cả bộ máy chính phủ đang hiện diện nơi đây. Vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội nếu không bị người dân và dư luận ngăn chặn, thì có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây xanh chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt mất 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.
Năm ngoái, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dự án đầu tư “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của công ty Toàn Thịnh Phát. Dự án có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, trong đó phần đất lấn ra sông Đồng Nai là hơn 70.000 mét. Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành nơi này sẽ là khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc “lấp” sông Đồng Nai sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng sông Đồng Nai từ bao đời nay…
Tưởng cũng nên nhắc lại: cuối năm 1959, khi cả nước đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đã phát động phong trào “Tết trồng cây gây rừng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa công tác bảo vệ môi trường lên ngang tầm với sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Trong một chừng mực nào đó, công tác bảo vệ môi trường còn được đi trước một bước.
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tết trồng cây” không phải là một cuộc thi đua ngắn ngày, một hay hai năm, mà đây là một cuộc thi đua dài hạn, nhẹ nhàng, có khả năng huy động mọi người, mọi thành phần trong xã hội “từ cụ già đến các em nhi đồng đều có thể tham gia được”. Điều Người mong muốn là: Từ một lời kêu gọi, một phong trào thi đua, dần dần “Tết trồng cây” sẽ trở thành một nếp sống mới, một phong tục, tập quán tốt đẹp trong nhân dân, một kế hoạch dài lâu cho Đảng, cho Nhà nước. Vì vậy, Người chỉ rõ lợi ích thiết thực của việc trồng cây xanh là: “Làm cho phong cảnh đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”…

Xem ra các khẩu hiệu “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vẫn còn dừng lại là những khẩu hiệu để phục vụ cho những chiến dịch tuyên truyền theo một định hướng nào đó.

Tin bài liên quan:

VNTB- Đừng để nhân cách du khách Việt bị coi rẻ trong mắt quốc tế

Phan Thanh Hung

VNTB- Mối tình đơn phương của ‘cua’ với ‘ếch bà’: Nguyên nhân dẫn đến mất nước

Phan Thanh Hung

VNTB- Một góc nhìn của Hội nhà báo độc lập VN về Donald Trump

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.