Việt Nam Thời Báo

Quốc tế kêu gọi thả ông Trần Huỳnh Duy Thức

Ông Thức từng là một doanh nhân
Gần 20 tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền con người đã ký tên vào một tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người hiện đang thụ án tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Lời kêu gọi này được đưa ra nhân dịp tròn sáu năm ngày ông Thức bị bắt giữ và khởi tố – ngày 24/5 năm 2009.
Ông Thức đã bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị lúc đó được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ông Thức là người nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.
Hiện tại, các ông Long, Trung và Định đều đã được trả tự do sau một thời gian thụ án.

‘Chỉ là viết blog’

Bản tuyên bố nói rõ ông Thức bị bắt và khởi tố ‘chỉ vì ông thực hiện quyền tự tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa’.
“Trái ngược với bản án tuyên tội hoạt động nhằm ‘lật đổ’ chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người,” bản tuyên bố viết.
Trái ngược với bản án tuyên tội hoạt động nhằm ‘lật đổ’ chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người.
Bản tuyên bố yêu cầu thả Trần Huỳnh Duy Thức
“Các bị cáo đã không được đưa ra xét xử trong một phiên tòa công bằng, khi mà thân nhân của họ cũng như các ký giả nước ngoài không được cho vào phòng xử án.”
Bản tuyên bố cũng lưu ý việc trong phiên tòa xét xử vụ án này, ‘micro của các bị cáo thường xuyên ngưng hoạt động mỗi khi đến lượt trình bày của luật sư bào chữa cho ông Thức hay khi ông Long có ý định công khai trước tòa việc ông cùng các bị cáo khác đã bị bức cung để khai nhận tội’.
“Theo các nhân chứng có mặt tại phiên xét xử, các thẩm phán chỉ dành ra 15 phút nghị án trong khi lại mất đến 45 phút đọc bản tuyên án, qua đó cho thấy khả năng bản án đã được chuẩn bị trước thời điểm phiên tòa diễn ra,” bản tuyên bố nhận định.
Bản tuyên bố nhắc lại việc hồi cuối năm 2012 Nhóm Làm việc chống Giam giữ Tùy tiện của Liên hiệp Quốc đã kết luận việc kết án ông Thức là ‘vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt vốn được đảm bảo tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’.
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lẫn trong nước của mình bằng cách trả tự do ngay lập tức cho ông Thức,” tuyên bố viết và yêu cầu ‘trả lại công lý’ cho ông Thức bằng cách hủy bỏ bản án dành cho ông.
Bản tuyên bố này được các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Những người bảo vệ Quyền Dân sự, Căn nhà Tự do, Ủy ban Nhân quyền châu Á, Diễn đàn châu Á vì Nhân quyền và Phát triển, Công dân vì Công lý và Hòa bình… đồng ký tên.
Ngoài ra một số tổ chức xã hội dân sự, hội đoàn và các giáo hội tôn giáo không do Nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cũng ký tên vào bản tuyên bố này.

‘Bị cầm tù oan sai’

Ông Thức là người nhận bản án nặng nhất trong bốn bị cáo
Trao đổi với BBC, ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, nói trong bối cảnh hiện nay khi mà Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, thì ông hy vọng con trai ông cùng các tù nhân lương tâm khác sẽ được trả tự do trước thời hạn.
“Con tôi cũng mong muốn được như vậy và đã có đơn xin xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm,” ông Huỳnh cho biết, “Con tôi khẳng định là mình bị kết tội oan sai theo kết luận của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm và hy vọng bản án sẽ được xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.”
Ông cho biết là lá đơn ông Thức gửi đến Quốc hội đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội chuyển sang cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao nhưng đến nay ‘vẫn chưa có câu trả lời’.
“Sáu năm con tôi bị cầm tù là oan sai. Tôi và gia đình luôn mong muốn có sự lắng nghe từ phía chính quyền Việt Nam,” ông Huỳnh nói thêm.
BBC

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo