Đào Tuấn
Đề xuất giảm án từ tử hình xuống chung thân trong trường hợp người bị kết án tự nguyện giao nộp một nửa số tiền do phạm tội mà có, ngay lập tức đã trở thành chủ đề của sự phản đối.
Ngay tại diễn đàn Thường vụ QH, nơi đề xuất này được đưa ra trong bản dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã cho rằng: “Chính sách hình sự của mình đã đủ, không thiếu. Nếu quy định như dự thảo sau này tổ chức thực hiện trong thực tế sẽ cực kỳ vướng… trong khi dễ dẫn đến việc người ta hiểu nhầm cứ có tiền là sẽ thoát án tử hình”.
ĐBQH – luật sư Trương Trọng Nghĩa thì nói “Luật thiết kế để nảy sinh cách hiểu có thể dùng tiền để đổi chác, ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn, dẫn đến cách vận dụng sai trên thực tế thì pháp luật hình sự có vấn đề”.
Còn dư luận, những nạn nhân của tham nhũng thì “kết án”: Đây thực chất là “đề xuất cho quan tham chuộc mạng”.
Chúng ta đang có trên lý thuyết một thứ giặc nội xâm, một thứ quốc nạn tàn phá đất nước không thua kém gì chiến tranh. Chúng ta đang có đích danh một thủ phạm làm nhân dân mất lòng tin vào chế độ.
Chúng ta cũng có một bức xúc chung khi ở khắp mọi nơi vẫn nhan nhản những bản án treo dành cho tội danh tham nhũng.
Và trong bối cảnh đó, đề xuất này y như một sự ngớ ngẩn. Có lẽ, nó chỉ ít hồn nhiên, hài hước hơn đề xuất “nếu người vi phạm nộp tài sản và hoàn lại tài sản tham nhũng thì sẽ được miễn giảm trách nhiệm hình sự, chuyển sang xử lý hành chính” mà cũng có người đã đưa ra trong Hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng – thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế”.
Thực tế số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi đạt chỉ chưa tới 10%. Thực tế, có nhiều bản án chưa tuyên đã biết không thể thi hành khi tài sản đã bị tẩu tán gần hết. Nhưng sự sốt ruột, nỗi bức xúc trong tỉ lệ thu hồi tham nhũng quá tệ hại sẽ không và không bao giờ có thể chấp nhận trở thành lý do của cái gật đầu cho quan tham chuộc mạng.
Sợ người dân hiểu lầm dùng tiền đổi chác ư? Sợ những cái lắc đầu thất vọng “ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn” ư? Chẳng có sự hiểu lầm gì hết.
Bởi nếu coi tham nhũng là giặc nội xâm thì đề xuất này phải gọi chính xác là nương tay với giặc.
Bởi nếu có thể lấy tiền tham nhũng để mua được tội, nếu đồng tiền tham nhũng lại được pháp lý hóa để trở thành một “quan tòa”, nếu cứ tham nhũng và nộp lại nửa số tiền và đương nhiên thoát án tử hình thì đó là một trở ngại rất lớn cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Đào Tuấn
(Lao Động)
————————-
* Tựa đề do VNTB đặt