Nguyễn Phúc
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
“Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói như vậy với cử tri Hà Nội ngày 6-10-2014.
Rất nhiều “đá” đã được “ném” cho phát biểu này. Có lẽ cần “minh oan” cho Tổng bí thư. Đây là câu mà ông Nguyễn Phú Trọng đã rất thận trọng viện dẫn từ lời “Bác Hồ dạy”, “cha ông ta dạy”. Lo sợ “vỡ bình” chỉ là sự đồng cảm của Tổng bí thư.
Trước đó, chiều 25-11-2011, trả lời chất vấn tại Quốc hội về tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn lời của một vị đại biểu Quốc hội từng nói về tái cơ cấu ngân hàng giống như phun thuốc trừ sâu: Sâu bọ phải chết, còn cây cối phải sống. Thống đốc Bình bổ sung: “Còn tôi thì thấy tái cấu trúc ngân hàng giống kiểu ném chuột không được vỡ bình”.
Từng là dân “quần đùi áo số”, ông Trần Quốc Tuấn, phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), kể rằng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) đã khuyên ông một câu khi VFF nhờ AFC tư vấn về cách xử lý tiêu cực: “Phải nói không với tiêu cực dưới mọi hình thức, kể cả trong suy nghĩ”. Theo ông Tuấn, “ném chuột sợ vỡ bình” chính là một cách “tiêu cực trong suy nghĩ” mà bóng đá Việt Nam mắc phải trong quá khứ.
Ông Tuấn nhìn nhận hầu như mùa bóng nào cũng xảy ra tiêu cực, nhưng bằng cách này hay cách khác, từ địa phương cho đến VFF, đều giấu diếm một số chi tiết quan trọng khiến hoạt động phòng chống tiêu cực không diễn ra suôn sẻ.
Những giám sát, trọng tài lâu năm từng kể nhiều câu chuyện “khó tin nhưng có thật”, ví dụ như có lần đang cầm băng ghi hình lên tàu hỏa để ra Hà Nội họp bàn xử lý tiêu cực của một trận đấu, thì vị giám sát trận đấu được “lệnh” từ chính VFF là phải xuống tàu để về nhà riêng của một lãnh đạo đầu tỉnh và sau đó, được “xin” lại cuốn băng quan trọng.
Không có tư liệu, lấy chứng cớ đâu mà xử?! Các lần nhận điện thoại trực tiếp từ những “quan đầu tỉnh” hầu như không đếm hết. Lý do cũng chỉ có một: đội bóng bị xử lý thì địa phương bị ảnh hưởng và giải đấu cũng bị“vết đen”.
Ai là chuột? Ai là bình quý? “Nạn tiêu cực là chuột, uy tín địa phương có đội bóng chơi cà chớn là bình quý”.
Luật Phòng chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam ban hành tháng 11-2005, hiệu lực từ 1-1-2006. Tháng 8-2007, luật này được sửa đổi lần thứ nhất, với việc Thủ tướng là người đứng mũi chịu sào cho việc phòng, chống tham nhũng, và Chủ tịch Quốc hội có trách nhiệm giám sát điều đó. Cuối tháng 11-2012, luật được tiếp tục sửa đổi với các yêu cầu về minh bạch tài sản, minh bạch việc quản lý của bộ máy chính phủ…, hiệu lực từ 1-2-2013.
Sau đó có các nghị định (NĐ) được ban hành về thực hiện luật này, gồm có: NĐ 120/2006/NĐ-CP, NĐ 47/2007/NĐ-CP, NĐ 19/2008/NĐ-CP, NĐ 59/2013/NĐ-CP, NĐ 78/2013/NĐ-CP.
Bộ Chính trị cũng ban hành “Chỉ thị 33-CT/TW năm 2014 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản”.
Như vậy về mặt hành lang pháp luật, những nhà cầm cân nảy mực được trang bị cả vũ khí hạng nặng để tiêu diệt sâu bọ như ví von của Chủ tịch Trương Tấn Sang, hay chuột của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cây đầy sâu sẽ bị đục ruỗng. Bình quý đầy mật cũng dễ vỡ khi bầy chuột thi nhau khoét…
Phải chăng ví von nói trên của Tổng bí thư Trọng và Thống đốc Bình cũng chẳng khác mấy giới quần đùi áo số trên sân bóng chính trị?