Việt Nam Thời Báo

Doanh nghiệp lãi cao, giá xăng dầu thế giới giảm: Đến hẹn vẫn không… giảm giá

Hiện doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nội địa có lãi cao, từ mức 500 đồng đến 630 đồng/lít (tùy từng loại).

Kể từ khi giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm mạnh vào ngày 7/8 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới lại tiếp tục giảm sâu. Theo tính toán, hiện doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nội địa có lãi cao, từ mức 500 đồng đến 630 đồng/lít (tùy từng loại). Thời hạn điều chỉnh giá 10 ngày cũng đã đủ, liệu giá xăng dầu có giảm?

Theo thông tin chính thức từ Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu, tham chiếu vào biểu giá của Hiệp hội, bình quân giá cơ sở 30 ngày tính đến ngày 14/8, mặt hàng xăng Ron A92 là 113.38 USD/thùng, bình quân giá cơ sở 10 ngày là 109,57 USD/thùng. Giá bán lẻ hiện hành mặt hàng xăng ron A92 đang ở mức 24.810 đồng/lít, trong khi giá cơ sở là 24.473 đồng/lít.

Như vậy, tính ra, doanh nghiệp đầu mối đang lãi khoảng 337 đồng/lít. Mức lãi này cộng với số tiền 300 đồng/lít mà doanh nghiệp đang được sử dụng từ quỹ bình ổn xăng dầu theo điều hành của Bộ Tài chính ngày 7/8, thì với mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang có lãi khoảng 637 đồng.

Xác nhận thực tế giá xăng dầu thế giới đang giảm, đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cũng cho biết, giá xăng nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục giảm sâu, doanh nghiệp đang có lãi. Điều này không những mang đến lợi lớn cho doanh nghiệp, mà cũng đã đem đến cho các đại lý một mức chiết khấu khá hời: thay vì được hưởng 550 đồng/lít theo giấy tờ, thực tế, phần hoa hồng đại lý đang được giữ lại cao hơn gấp rưỡi. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đầu mối đang chạy đua phần chiết khấu, thay đổi mức chiết khấu theo ngày.

Ước tính, mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ 1 triệu tấn xăng dầu, mỗi ngày trung bình sẽ tiêu thụ khoảng 40 triệu lít xăng dầu. Con số này đem nhân với 637 nghìn đồng/lít, mỗi ngày, các doanh nghiệp sẽ đút túi tới hàng chục tỷ đồng.

Theo quy luật mua bán, lợi bên này, thiệt bên kia, số tiền hàng chục tỷ đồng này dĩ nhiên người tiêu dùng đang phải gánh chịu, trong đó một nửa họ đang phải trả trực tiếp, và một nửa được trích từ quỹ bình ổn giá- quỹ được thành lập từ tiền mua xăng của người tiêu dùng đã, đang và sẽ đóng. Như vậy, trong khi doanh nghiệp “hốt bạc” thì người tiêu dùng đang thiệt đơn, thiệt kép.

Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, cơ chế điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ tính giá cơ sở tối thiểu là 10 ngày. Nếu tính từ thời điểm điều chỉnh giá gần đây nhất là vào ngày 7/8, thì đến hôm nay đã bước sang ngày thứ 11. Đây là thời điểm mà cơ quan quản lý cần có động thái điều chỉnh giá thích hợp, không nên để chậm trễ trong phương án điều hành. Vì để chậm ngày nào, người tiêu dùng thiệt hại, và dư luận có cớ để nghĩ rằng, cơ quan quản lý đang “bênh” doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về việc sử dụng quỹ bình ổn giá, các chuyên gia cũng cho rằng, khi doanh nghiệp xăng dầu có lãi thì nên ngưng sử dụng quỹ bình ổn, để dành khi xăng dầu tăng cao thì xả quỹ nhằm kiềm chế tăng sốc. “Người dân có thể bỏ tiền để hỗ trợ khi doanh nghiệp lỗ, nhưng thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang có mức lãi khá cao. Sử dụng quỹ càng khiến cho người dân thiệt thòi. Đây là điểm thứ nhất không minh bạch trong cơ chế điều hành xăng dầu”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Trao đổi về công tác điều hành giá xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Việc điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thực hiện quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; điều hành giá xăng dầu trong nước theo xu hướng giá xăng, dầu thị trường thế giới tùy từng chủng loại xăng, dầu và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. “Giá xăng được điều chỉnh tăng hoàn toàn bám sát vào Nghị định 84, không nặng nề về thuế và lạm phát. Liên Bộ xem xét dựa trên tình hình giá thị trường có sự kiềm chế bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá”, ông Tuấn khẳng định.

Riêng về các khoản thuế và phí của xăng dầu, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tùy loại). Như vậy, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của Barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.

Theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – “ông lớn” chiếm thị phần chi phối mặt hàng xăng dầu, 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 856 tỷ đồng, trong đó, riêng kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận 260 tỷ đồng, bằng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong quý 1-2014, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, liên bộ Tài chính – Công Thương đã không kết cầu đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở, dẫn đến lãi gộp của mặt hàng xăng dầu đều ở mức thấp.

Theo Lệ Thúy

Công an nhân dân

Tin bài liên quan:

Xăng gánh 8.000đ thuế môi trường cho… bằng các nước: Hỏi thật!

Phan Thanh Hung

VNTB – Giá xăng dầu tăng quá nhanh sẽ đưa đến bão giá?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam khủng hoảng nhiên liệu vì… hết tiền?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo