VNTB: Thêm những bằng chứng không thể nào chối cãi về hình ảnh “công an là bạn của dân” thắm thiết đến thế nào. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay đã có ít nhất 20 trường hợp “tự nguyện tự tử trong đồn công an” hoặc “bỗng dưng” lăn ra chết sau khi được công an “mời”.
Chỉ đến gần đây, sau khi Nhà nước Việt Nam chỉ thị cho Bộ Công an phải gấp rút triển khai Công ước Chống tra tấn theo cam kết với Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, tình trạng dùng nhục hình đối với người dân mới giảm bớt đôi chút, còn báo chí mới lóe ra vài ba cơ hội để đăng tin bài về những câu chuyện đánh chết người không khác mấy thời Trung cổ.
Tuy nhiên, sự thể tréo ngoe vẫn xảy đến khi mới đây Bộ Công an tung ra một dự thảo cho phép công an phường, xã có quyền “điều tra ban đầu”. Ngay lập tức, dư luận xã hội bùng lên phản ứng gay gắt, cho rằng với mặt bằng văn hóa ứng xử còn dưới mức trung bình, cùng mặt bằng nghiệp vụ chưa thuần thục đến mức không biết cả thao tác… đánh người, liệu công an phường xã có đảm bảo là sẽ “điều tra ban đầu” đến nơi đến chốn theo yêu cầu, hay mỗi trụ sở công an địa phương sẽ biến thành một phòng cảnh sát điều tra để tha hồ hành hạ “đối tượng”, tức càng làm cho tình hình dùng nhục hình trở nên tồi tệ?
——–
Ám ảnh vì bị nhục hình
Bị khởi tố, bắt giam về tội “Dùng nhục hình” nhưng trước đó, trong danh sách bị kỷ luật, Công an Sóc Trăng bỏ sót điều tra viên Triệu Tuấn Hưng
Dù được trở về đoàn tụ gia đình gần 6 tháng sau khi bị bắt giam khoảng 7 tháng, hầu hết số thanh niên bị oan trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng vẫn ám ảnh bởi những nhục hình mà các điều tra viên áp dụng để ép họ nhận tội giết người.
Tát mương để tìm hung khí trong vụ án giết Lý Văn Dũng |
Trần Hol kể lần đầu tiên bị mời lên làm việc, Hol đã đưa chứng cứ ngoại phạm nhưng điều tra viên của Công an huyện Trần Đề vẫn cho Hol là hung thủ, nhiều lần đánh chảy máu miệng. Khi chuyển lên công an tỉnh, một điều tra viên đánh Hol bất tỉnh. Chịu không nổi, Hol nhận đã giết Dũng. Tương tự, Thạch Sô Phách cho biết lúc bị tạm giữ ở Công an huyện Trần Đề, anh bị 3 cán bộ điều tra thay nhau hỏi cung và đánh đập. Khi áp giải lên công an tỉnh, anh bị 4 cán bộ điều tra đánh vào đầu. Một nhục hình mà anh luôn ác mộng là việc cán bộ điều tra lấy cục nước đá bọc trong khăn rồi bóp vào vùng kín của anh đến khi đá tan chảy. Không chịu được nhục hình, anh nhận tội giết người. Riêng Trần Văn Đỡ thì nói anh liên tục kêu oan vì nạn nhân là bà con nhưng vẫn bị cán bộ điều tra đánh đập. Cả anh và Phách cùng bị treo 2 tay lên cửa sổ và chỉ cho đầu những ngón chân chạm đất rồi họ thay phiên nhau đánh.
Trong lúc dùng nhục hình, hầu hết các điều tra viên mặc thường phục nên những thanh niên này không biết rõ họ tên. Do vậy, sau khi VKSND Tối cao vào điều tra, những thanh niên này được mời nhận dạng qua hình ảnh và VKSND Tối cao kết luận 2 điều tra viên phạm tội “dùng nhục hình” là thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân và đại úy Triệu Tuấn Hưng.
Sau khi Quân, Hưng và Phạm Văn Núi (nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố, trong đó Hưng bị bắt tạm giam, nhiều người thắc mắc vì sao trước đó trong danh sách 25 cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật không có tên Hưng. Trong vụ án giết Lý Văn Dũng, Quân là điều tra viên chính, Hưng không được phân công điều tra viên chính nhưng cùng Quân dùng nhục hình đối với Đỡ và Phách.
Đối với vụ án giết Lâm Tài Mấu (ngụ thị xã Vĩnh Châu. Báo Người Lao Động phản ánh ngày 5 và 7-8), cả Quân và Hưng đều là điều tra viên chính. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, cả 2 điều tra viên này đều không có mặt khi tòa triệu tập để làm rõ việc bị can Phạm Văn Lé cho rằng bị ép cung, nhục hình bằng hình thức chích điện đến ngất xỉu. Trước tòa, Lé cung cấp thông tin Quân và Hưng đã 2 lần bắt Lé thực nghiệm hiện trường tại trại giam. Mặc dù khẳng định mình không giết Mấu nhưng Lé cho biết Quân và Hưng vẫn “hướng dẫn” anh cách cầm cây đánh vào đầu Mấu để họ ghi hình.
Những người thân của Lé cũng cho biết Lé bị câu lưu nhiều ngày để lấy lời khai nhưng không có quyết định của cơ quan chức năng.
Quá trình dẫn đến oan sai
Rạng sáng 6-7-2013, người dân phát hiện thi thể Lý Văn Dũng (ngụ huyện Trần Đề) trên đường. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT bắt tạm giam Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách và Nguyễn Thị Bé Diễm, mặc cho những thanh niên này cho rằng mình vô tội. Tháng 12-2013, trong lúc vụ án bước vào gian đoạn truy tố và ban chuyên án cũng chuẩn bị nhận khen thưởng vì thành tích phá án nhanh thì Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) tự thú, thừa nhận cùng Phan Thị Kim Xuyến giết Dũng để cướp tài sản. Ngày 25-2- 2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng hủy bỏ biện pháp tạm giam và cho tại ngoại đối với các bị can và Công an tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra bị can đối với 7 thanh niên này.
Tháng 6-2014, Công an tỉnh Sóc Trăng kỷ luật 25 cán bộ, chiến sĩ do có liên quan đến vụ án. Trong đó, thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân bị giáng chức từ đội trưởng xuống đội phó. Ngày 8-8, VKSND Tối cao tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng. Quân và Hưng bị khởi tố về tội “Dùng nhục hình”.
Bài và ảnh: PHẠM CÔNG