Thanh Tâm
(VNTB) – Nếu hành xử khôn ngoan, thì chính quyền phải xem thời điểm hiện tại là đối thoại với dân, gây dựng niềm tin với dân, đoàn kết và hợp lực với dân, tạo nên thế đứng vững chắc để ứng phó với “giặc ngoài”. Tuy nhiên, tự tin vào sức mạnh vũ trang đã khiến 04 người tử vong, và đó là những cái chết không đáng xảy ra.
Lửa Trung Đông đang dịu đi thì ngọn lửa tại Làng Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) bùng lên. Đã không có một cuộc đối thoại nào xảy ra, một trận tập kết, đánh chiếm, chống trả như thời chiến đã diễn ra vào tối ngày 9 tháng 1, và bốn người đã tử vong, theo Thông cáo của Bộ Công an.
Điều gì đang xảy ra, và cái gì đang diễn ra?
Chính quyền có thắng không? Không, nếu đúng theo Thông cáo từ Bộ Công an, đã có ba chiến sĩ đã “hy sinh” trong sự biến Đồng Tâm, đồng nghĩa gia đình của ba chiến sĩ này đã mất cái Tết đoàn viên, tương tự cho một người dân Đồng Tâm đã “chết”.
Ngọn lửa Đồng Tâm đã không làm cho kẻ thắng hay người thua, chỉ có một thực trạng đáng lo ngại, “nồi da xáo thịt”.
Điều thậm chí còn đau khổ hơn nữa là vũ khí âm thanh [LRAD] đã được mua bằng tiền thuế của người dân và phải được sử dụng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nay trở thành công cụ để trấn áp nhân dân. Cùng lúc đó, vào ngày 9 và 8 tháng 1, hai tàu hàng hải Trung Quốc đã xuất hiện trên thềm lục địa Việt Nam, gần Bãi Tư Chính.
Nếu hành xử khôn ngoan, thì chính quyền phải xem thời điểm hiện tại là đối thoại với dân, gây dựng niềm tin với dân, đoàn kết và hợp lực với dân, tạo nên thế đứng vững chắc để ứng phó với “giặc ngoài”. Tuy nhiên, tự tin vào sức mạnh vũ trang đã khiến 04 người tử vong, và đó là những cái chết không đáng xảy ra.
Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, đối thoại không những không làm suy yếu sức mạnh của nhà nước, mà đó là cách tốt nhất để tránh hoặc giải quyết các xung đột xã hội, và cũng là cách duy nhất để đạt được quyết định được mọi người chấp nhận.
Nhún nhường với dân qua đối thoại không khiến cho chính quyền thua thiệt, mà chỉ làm tăng tính hợp pháp của chính quyền trên nguyên tắc “lắng nghe tâm tư – nguyện vọng của nhân dân”. Thế nhưng, đã không có điều đó xảy ra, và một bộ phận không nhỏ người dân Làng Hoành đã “bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền” [Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948].
“Đối thoại” là trung tâm của một nền văn hóa dân chủ, tiếc rằng điều này vẫn còn quá xa vời tại Việt Nam. Hệ quả là, chính quyền có thể trấn áp được nhưng người phản kháng, nhưng sự kiện ngày 9 tháng 1 đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa người dân và lực lượng vũ trang và chính quyền, khiến mục tiêu “lòng dân đồng thuận và thống nhất với ý chí của Đảng” ngày càng trở nên xa vời. Và đó có phải là lý do vì sao, khẩu hiệu “Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước” năm 2017 lại diễn tiến thành “Quyết tử để giữ đất” năm 2019?
Sự kiện ngày 9 tháng 1 xảy ra lúc 4 giờ sáng vào một ngày trăng tròn và cách Tết Nguyên đán chỉ còn đúng hai tuần.