Võ Hàn Lam
(VNTB) – Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, Sở Y tế TP.HCM đề xuất đem khẩu trang (loại xác định được nguồn gốc) do Cục quản lý thị trường thành phố tạm giữ để cung cấp cho các trường học.
Lý do thiếu khẩu trang có phải đến từ Trung Quốc?
Rất có thể, vì ai cũng biết Trung Quốc cung ứng đến 50% nguồn cung khẩu trang toàn cầu nhờ giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên báo cáo thống kê về các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam lâu nay không thấy có khẩu trang y tế nhập về từ Trung Quốc.
Tin tức mới đây lại cho biết, theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương cho thấy trong ngày 19-2, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 6 xe khẩu trang y tế qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Không thấy ghi rõ đây là xe gì, có phải xe vận chuyển container hay không, và nếu phải thì loại container 20’ hay 50’?
Chưa hết, báo cáo của Bộ Công thương còn cho biết mặt hàng khẩu trang y tế xuất khẩu tăng cao, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu 16 xe khẩu trang y tế sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) vào ngày 21-2. (Tham khảo https://www.baogiaothong.vn/xuat-khau-tiep-16-xe-khau-trang-y-te-sang-trung-quoc-d453719.html)
Báo cáo cũng cho biết tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 19-2, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 477.000 USD; trong đó, xuất khẩu đạt 94.000 USD với các mặt hàng khẩu trang, sợi cotton. Báo cáo không nêu rõ trị giá của phần sợi cotton là bao nhiêu phần trăm trong tổng số giá trị hàng 94.000 USD đó.
Không rõ loại khẩu trang y tế mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là loại nào, người Việt Nam có xài được không mà dân Việt Nam muốn mua xài thì không có; thậm chí cả Sở Y tế TP.HCM cũng phải đề xuất ‘xin’ được sử dụng phần khẩu trang y tế mà cơ quan quản lý thị trường thu giữ do hàng hóa vi phạm quy định.
Thậm chí mặt hàng khẩu trang y tế hiện nay đang được coi là một tặng phẩm quý giá. Mới đây, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đề nghị Cục Quản lý thị trường dùng khẩu trang y tế bị tịch thu do kinh doanh trái pháp luật, ghim hàng, nâng giá của một số doanh nghiệp, cá nhân để phát miễn phí cho người đăng ký hiến máu do một phần quà ghi nhận trách nhiệm của công dân với cộng đồng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, từ ngày 31-1 đến 19-2, đơn vị này đã tạm giữ hơn 340.000 khẩu trang, 86 kiện (khoảng 150.000 cái), 826 hộp khẩu trang y tế các loại…
Con buôn chính trị?
Tất cả những điều kể trên cho thấy mới riêng từ chuyện cung – cầu mặt hàng khẩu trang y tế cho người dân trong nước ở mùa dịch corona lây lan phổ biến qua đường hô hấp, mà nhà chức trách Việt Nam lại không thể quản trị nỗi, thì nói chi đến cả nền kinh tế với tên gọi ‘theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà chỉ duy nhất có tại Việt Nam.
Điều này còn cho thấy sự dửng dưng đáng chê trách của những nhà quản lý, đặc biệt là trong ngành giáo dục, khi mà báo chí đã đăng việc ông Nguyễn Quế Trường – hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh – nói rằng thực tế các em học trò ở trường không có khẩu trang để sử dụng phòng dịch. Do các cửa hàng ở xã hết khẩu trang, nhà trường cũng đã ra trung tâm huyện tìm mua khẩu trang cho các em nhưng không có.
Tuy nhiên tin tức học trò không có khẩu trang thích hợp để sử dụng trong khi đang có dịch hô hấp corona được phản ánh lên mạng xã hội, thì thay vì nghiêm túc tiếp thu sửa chữa, ngành giáo dục lại sử dụng biện pháp hành chính để răn đe về chuyện… tiết lộ sự thật này của một số thầy cô giáo.
Với cung cách quản lý như trên, cho thấy với việc mới đây Washington dự định sẽ đối xử với Việt Nam như một trong các quốc gia phát triển, sẽ tạo sức ép thúc đẩy Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để gia nhập thị trường một cách công bằng, không cần tới các ưu tiên, ưu đãi.
Để làm được điều đó đòi hỏi những nhà quản trị quốc gia, ít nhất cũng không thể làm ngơ trước chuyện sẳn sàng cả đoàn xe tải, và luôn cả đường hàng không trong việc đưa mặt hàng khẩu trang y tế sang Trung Quốc, còn người dân trong nước thì không thể tìm mua được, khi mà nhà nước trở thành con buôn chính trị trong ván bài ngoại giao với nước lớn là Trung Quốc.