Võ Hàn Lam
(VNTB) – Đó là câu hỏi của nhiều ông bà chủ doanh nghiệp tư nhân. Lý do: thủ tướng ban hành chỉ thị về ‘cách ly xã hội’, đưa tới nhiều chính quyền địa phương ‘khẩu dụ’ buộc doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
“Chúng tôi ký kết với đối tác làm ăn bằng căn cứ của Luật Thương mại. Luật này không có điều khoản nào liên quan đến ràng buộc của “Chỉ thị”. Nay buộc dừng sản xuất vì Chỉ thị Chính phủ, thì điều đó chưa đủ thuyết phục về pháp lý, chúng tôi dễ đối mặt với việc đền hợp đồng”.
Một vài ông bà chủ doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn chia sẻ lo ngại như vậy với người viết bài này.
Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có đoạn: “Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp (…)”. (*)
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4, về phòng, chống dịch COVID-19, thì 28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Sở dĩ giới làm ăn tiếp tục thấy gút mắc với Chỉ thị 13/CT-TTg vì theo quy định của luật pháp, thì “Chỉ thị” là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới tổ chức thực hiện. Dưới góc độ xã hội, khái niệm chỉ thị được hiểu một cách đơn giản nhất là lệnh cấp trên truyền đạt cho cấp dưới.
Thứ nhất, căn cứ Luật Ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015, trong đó liệt kê 15 loại văn bản quy phạm pháp luật, hoàn toàn không có chỉ thị của thủ tướng.
Thứ hai, căn cứ khoản 2 Điều 30 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, “Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ; ban hành quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó…”. Có thể thấy, Chỉ thị 16 này chỉ nên được xem là một văn bản điều hành và được áp dụng cho các cơ quan nhà nước mà thôi, không thể được xem là một văn bản áp dụng chung cho toàn xã hội.
Như vậy, khi trường hợp đối tác làm ăn không đồng ý viện dẫn vào yêu cầu của Chỉ thị 16/CT-TTg cho chậm trễ các đơn hàng, thì rõ ràng mọi thiệt hại về đền bù hợp đồng là phía doanh nghiệp Việt Nam lãnh đủ.
Vậy thì nếu đúng trình tự phải như thế nào? Câu trả lời khá đơn giản, theo luật pháp hiện hành thì khi nhận được văn bản đề nghị của Thủ tướng, lúc đó Chủ tịch nước sẽ ký lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Sau đó thì các yêu cầu pháp lý có thể được áp dụng sẽ như phần nội dung của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Phía doanh nghiệp sẽ căn cứ trình tự pháp lý đó mà đàm phán lại các hợp đồng kinh tế.
Mọi việc khá đơn giản về pháp lý. Chỉ không đơn giản ở đây, là vì sao Chủ tịch nước lại… chọn im lặng (!?).
________________
Chú thích
Chỉ thị: http://vinanet.vn/Uploaded/hienhoa/2020_04_03/ct16ttg_ZEAM.pdf