Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ tự do tín ngưỡng đến hoà hợp hoà giải dân tộc

Nguyễn Nam

(VNTB) – Nếu thực sự lời kêu gọi lâu nay về hòa hợp, hòa giải dân tộc không phải là mỹ từ trang sức cho đảng cầm quyền, thì cần có những hành động thiết thực hơn.

 

“Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Chính phủ luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật”.

Đó là đoạn mở đầu của bài báo trên tờ Thanh Niên, “Đảng và Chính phủ luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng”, số phát hành ngày 27-4 (1).

Theo bài báo thì câu phát biểu mang tính cam kết ở trên của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, là ông nói lúc đến thăm, chúc mừng chư tăng, phật tử Nam tông Khmer tại chùa Candaransi, quận 3, Sài Gòn, nhân Tết cổ truyền Khmer Chol Chnam Thmay và Đại lễ Phật đản.

Chùa Candaransi, Viện Đại học Vạn Hạnh và ông Trương Hòa Bình

Chùa Candaransi có 2 cổng vào, một trên đường Trần Quốc Thảo, và cổng mới mở sau này trên đường Hoàng Sa.

Rất gần với ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khmer kể trên là một nơi từng rất nổi tiếng: Viện Đại học Vạn Hạnh – viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964, dưới chính thể Việt Nam Cộng hoà. Đây là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể. Một thành phần sau tổ chức lại thành Thiền viện Vạn Hạnh.

Năm 1981 khi một số tổ chức Phật giáo hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không lâu sau đó, Giáo hội chỉ còn quản lý Thiền viện Vạn Hạnh; các khoa còn lại chuyển giao cho trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thiền viện Vạn Hạnh và Thiền viện Quảng Đức hiện nay là hai cơ sở giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại miền Nam.

Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã từ chối không tham gia vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 tại Long An, có thời gian sinh sống tại Sài Gòn và sau năm 1973 ông được đưa ra miền Bắc học trường Đào tạo cán bộ An ninh miền Nam (Trường E1171, tiền thân của Học viện Chính trị Công an nhân dân) tại xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc.

Như vậy, tin rằng lúc đến thăm, chúc mừng chư tăng, phật tử Nam tông Khmer tại chùa Candaransi, quận 3, Sài Gòn nhân Tết cổ truyền Khmer Chol Chnam Thmay và Đại lễ Phật đản, ông sẽ nhớ đến Viện Đại học Vạn Hạnh có trụ sở bề thế đóng phía bên kia cây cầu Trương Minh Giảng, tức bên này bờ kênh Nhiêu Lộc của ngôi chùa Khmer Nam tông. Hơn nữa, ông Trương Hòa Bình có thời gian dài sau năm 1975 đã làm quan chức ở TP.HCM.

Khi ông Phó thủ tướng thường trực nói rằng “Đảng và Chính phủ luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật”, thì lẽ ra bằng chức trách của mình, ông Trương Hòa Bình có thể chủ động tìm đến thăm viếng một vài ngôi chùa nào đó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – ví dụ như Hòa thượng Thích Không Tánh đang trú ở chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh – để với tâm thế luôn tôn trọng cho tự do tín ngưỡng, ông sẽ hướng dẫn những bước thủ tục hành chánh theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Cùng với đó, có thể là cả việc trả lại cho tổ chức này những tài sản tôn giáo mà nhà nước đang sử dụng, hoặc giao cho tổ chức tôn giáo khác khai thác.

Luật đã có, Hiến pháp đã bảo hộ, và chính sách ‘hòa hợp, hòa giải dân tộc’ vẫn đang chờ đợi

Đề xuất ở trên của người viết không cảm tính, mà được căn cứ vào “Điều 18. Điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo”, Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2).

Điều 18 cho biết tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

“1. Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; 2. Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật; 3. Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;

4. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 5. Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở; 6. Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nội dung như sau:

“Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Chi tiết hơn, nội dung ở Chương V “Tổ chức tôn giáo”, Mục 1. “Công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc”, thuộc các điều từ 21 đến 31 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cho thấy tất cả yêu cầu kể trên về thủ tục hành chánh, hoàn toàn được đáp ứng đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Trên hết, với Hiến định tại điều 24, rằng “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, cho thấy tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cần được Chính phủ Việt Nam thực hiện các bảo hộ về quyền hành chánh theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây cũng là vấn đề của đáp ứng chính sách kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà chính đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra (3). Thậm chí cần cả sự cầu thị, cũng như đáp ứng đòi hỏi thực tế của thời cuộc, Quốc hội có thể nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung cả những nội dung ở Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Tự do tư tưởng và sự chung sức của cộng đồng: bài học từ đại dịch corona

Những nhà quản lý cần có sự nhìn nhận biện chứng về tính đa dạng, sinh động của đời sống xã hội.

Tổ chức tôn giáo là những thực thể khác nhau, có tố chất khác nhau; có hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau; có đời sống vật chất và tinh thần khác nhau… thì tất yếu mỗi tổ chức tôn giáo sẽ có tư duy, nhận thức, quan niệm…, tạo nên sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của xã hội.

Điều đó cũng tương tự trong đời sống tự nhiên, muôn loài luôn tồn tại và phát triển nhờ chi phối, ràng buộc lẫn nhau để tạo nên sự đa dạng sinh học. Nếu mất cân bằng sinh thái thì sự sống của tất cả các loài đều bị đe doạ.

Trong đời sống xã hội, cái riêng của mỗi cá thể, của mỗi cộng đồng là nền tảng cho sự tồn tại của cái chung, của cả cộng đồng, của cả dân tộc. Giữa cái chung và cái riêng luôn đảm bảo sự hài hoà, tôn trọng lẫn nhau, tạo môi trường ổn định cho phát triển.

Có thể nhiều người không thích hệ tư tưởng của đảng chính trị ở Việt Nam hiện tại, thế nhưng thời gian chống dịch bệnh corona, cho thấy cộng đồng đã chung sức, chung lòng, không còn phân biệt các chính kiến về cộng sản hay không cộng sản.

Điều đó cho thấy nếu thực sự lời kêu gọi lâu nay về hòa hợp, hòa giải dân tộc không phải là mỹ từ trang sức cho đảng cầm quyền, thì cần có những hành động thiết thực hơn; trong đó riêng việc tự do tôn giáo không chỉ với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất như nói ở trên, mà còn cả với tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài… (4).

________________

Chú thích:

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/dang-va-chinh-phu-luon-ton-trong-bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-1216377.html

(2) https://vbgh.vn/laws/detail/Luat-Tin-Nguong-Ton-Giao-3/

(3) https://tuoitre.vn/dot-pha-xuc-dong-trong-hoa-giai-dan-toc-601689.htm

(4) https://vietnamthoibao.org/vntb-cai-gia-ngay-cang-tang-cua-tu-do-ton-giao-o-viet-nam/

Tin bài liên quan:

VNTB – Chính quyền cấp quận có phải được dân bầu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Các đồn đoán chính thức thành sự thật

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt vì 17 bài báo từ năm 2017

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo