Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tố tụng tranh tụng và giấc mơ tư pháp độc lập

Lynn Huỳnh (ghi)

(VNTB) – Với cách sử dụng ngôn từ hết sức dè dặt, một luật sư chia sẻ với biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo, rằng ông luôn mơ ước có được sự tranh tụng tử tế tại những phiên tòa liên quan đến cáo buộc về nhóm tội danh “An ninh quốc gia”.

 

Dưới đây là lược ghi ý kiến của vị luật sư ‘hết sức dè dặt’ đó, với ẩn tình liên quan đến yêu cầu phân quyền rạch ròi giữa lập pháp – hành pháp – tư pháp.

So với các nước phát triển, ở Việt Nam, người dân ít được hưởng những thành quả của một nền tư pháp độc lập, vì vậy, việc bảo đảm sự độc lập của Tòa án, đặc biệt là sự độc lập của Thẩm phán là chưa hiệu quả.

Bởi lẽ, sự độc lập thực sự của Tòa án về nguyên tắc chỉ có thể trong bối cảnh có sự phân quyền rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Về hình thức, tính độc lập của Tòa án, của các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cũng đã được quy định trong các bản Hiến pháp, trong hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án và trong các văn bản pháp luật về tố tụng từ trước tới nay, tuy nhiên, trên thực tế, tính độc lập của hệ thống Tòa án và các Thẩm phán ở Việt Nam chưa được bảo đảm đúng như các tiêu chuẩn chung trên thế giới.

Nhìn lại thực trạng hoạt động của hệ thống Tòa án và các cơ quan tư pháp của Việt Nam nói chung, mặc dù đã có những thành tựu rất đáng kể, góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhưng thực tiễn cuộc sống cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.

Hoạt động tư pháp của Việt Nam không chỉ bao gồm hoạt động của các cơ quan xét xử, mà còn cả hoạt động của các cơ quan điều tra, công tố và những cơ quan hoạt động hỗ trợ tư pháp khác như: Công chứng, giám định, luật sư… Điều này chứng tỏ chúng ta chưa có sự phân quyền rạch ròi giữa hành pháp và tư pháp.

Trên thực tế, mặc dù nguyên tắc về tính độc lập của Toà án và các Thẩm phán đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác, song nó chưa được thực sự tôn trọng và tuân thủ,bởi lẽ, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam vẫn phải theo theo nguyên tắc tập quyền.

Nguyên tắc tập quyền này khó có thể là cơ sở cho sự độc lập của Tòa án và các Thẩm phán bởi nó dẫn đến việc xét xử và ra các bản án, quyết định của Tòa án khó tránh khỏi phụ thuộc vào sự chỉ dẫn và can thiệp của các cơ quan nhà nước khác.

Hơn thế nữa, quá trình xét xử của các Tòa án ở Việt Nam chưa thực sự theo nguyên tắc tranh tụng mà vẫn nặng theo nguyên tắc thẩm vấn, xét hỏi, luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Thực tế cho thấy, không hẳn là việc chuyển hoàn toàn sang mô hình tố tụng tranh tụng là phù hợp với điều kiện ở nước ta, song việc duy trì quá lâu mô hình tố tụng buộc tội đang tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các bên tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử.

Kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án ở nước ta hiện vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào các cơ quan nhà nước khác, đồng thời phụ thuộc vào các Tòa án cấp trên. Tình trạng này khiến cho các Tòa án khó tránh khỏi sự tác động của các cơ quan nhà nước khác, cũng như khiến cho các Tòa án cấp dưới khó duy trì sự độc lập xét xử với Tòa án cấp trên.

Việc bổ nhiệm Thẩm phán ở nước ta hiện dựa rất nhiều vào các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, trong khi lẽ ra cần nhấn mạnh các tiêu chuẩn về chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Nước ta hiện vẫn áp dụng chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo định kỳ. Các Thẩm phán, mặc dù mức lương có cao hơn so với mức lương chung của các ngành khác, song vẫn thấp so với nhu cầu bảo đảm đời sống và tích lũy cho họ và gia đình. Đây cũng là những yếu tố mà theo kinh nghiệm quốc tế thường có ảnh hưởng lớn đến tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán.

Mặc dù ở nước ta, việc phân công Thẩm phán xét xử các vụ việc về nguyên tắc là vấn đề nội bộ quản lý của các Tòa án, tuy nhiên, trong thực tế nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được tôn trọng.

Trong hoạt động của các Tòa án, một số quy tắc “bất thành văn” như báo cáo án, thỉnh thị án, duyệt án… vẫn được áp dụng một cách phổ biến, rõ ràng mâu thuẫn với những nguyên tắc và yêu cầu về tính độc lập của Tòa án và của Thẩm phán.

Pháp luật nước ta chưa có những quy định cụ thể về việc giữ bí mật nghề nghiệp và quyền miễn trừ của Thẩm phán. Điều này có thể gây rủi ro cho các Thẩm phán trong hoạt động nghề nghiệp và ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của họ.

Đây cũng là sự bất cập của pháp luật nước ta so với các quy định có liên quan của pháp luật quốc tế. Bởi vậy, muốn cho Tòa án và các Thẩm phán được độc lập trong quá trình xét xử, thì một mặt, cần cụ thể hóa các nguyên tắc đã hiến định trong Hiến pháp năm 2013, mặt khác, cần cụ thể hóa và tôn trọng thực hiện nguyên tắc này trong thực tiễn bằng cách đánh giá đúng vai trò của Tòa án, tạo điều kiện để Tòa án và các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình một cách độc lập và khách quan và không bị bất kỳ sự can thiệp nào.

Với điều kiện nước ta hiện nay, có lẽ trước hết, cần phải nghiên cứu để cụ thể hóa các nguyên tắc về Tòa án và Thẩm phán độc lập trong quá trình xét xử, đồng thời, tìm ra những biện pháp bảo đảm cho nguyên tắc độc lập được thực hiện trên thực tế. Nghiên cứu và thay đổi các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, quan hệ với các cơ quan nhà nước khác… của hệ thống Tòa án để giảm thiểu sự can thiệp, tác động, cả trực tiếp và gián tiếp, của các chủ thể bên ngoài, qua đó bảo đảm tính độc lập thực sự của Tòa án.

Cần có những giải pháp hiệu quả về kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án không phụ thuộc vào bất cứ cơ quan nào, kể cả vào các Tòa án cấp trên, về kinh phí hoạt động.

Ở nhiều quốc gia, pháp luật quy định một tỷ lệ phần trăm nhất định ngân sách nhà nước hay ngân sách địa phương đương nhiên phải phân bổ cho hoạt động của Tòa án; điều này giúp các Tòa án không bị ràng buộc bởi cơ chế “xin-cho” kinh phí, từ đó không phải phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước khác hay vào Tòa án cấp trên. Đây có thể là một kinh nghiệm tốt với nước ta.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sẽ soạn thảo lại văn kiện đảng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cơ cấu lại bộ sậu?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thế giới sẽ thiếu lúa mì?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo