Ghi chép của Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – “Tổ bầu cử nào để cho anh trúng cử thì bí thư chi bộ trên địa bàn đó phải chịu kỷ luật đảng”
Nếu tôi là người dân đi bầu cử, vậy tôi có được gặp các anh/ chị ứng cử viên đại biểu dân cử? Tại tôi năm nay 32 tuổi. Mà tôi nhớ tôi chỉ được đi bầu cử có 1 lần cũng lâu lắm rồi. Và tôi chưa bao giờ được gặp gỡ các đại biểu dân cử trước khi đi bầu. Tôi là công dân Việt Nam mà tôi lại ít được đi bầu cử.
Công dân Nguyễn Hải Vương có thắc mắc như trên.
Cử tri Lê Thiện Hiền, nhận xét kiểu ‘nước đôi’, dĩ hòa vi quý với Đảng – Nhà nước: Ở ta, các ứng viên để có tên trong danh sách bầu cử đã trải qua một quá trình hiệp thương dài trước đó, cho nên việc vận động tranh cử bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử, thường được tổ chức ở mức độ hạn chế, với thành phần được lựa chọn.
Hơn nữa, cơ chế “chọn mặt gửi vàng” ở ta không chỉ được thực hiện theo tiêu chuẩn, mà còn theo cơ cấu. Vấn đề là cử tri sẽ lựa chọn cái gì: chọn tiêu chuẩn thì sẽ giúp cơ quan dân cử có chất lượng cao, chọn cơ cấu sẽ củng cố chức năng đại diện của các cơ quan này.
Bên lề của ‘phát biểu chính thức’ trước máy ghi âm của phóng viên, cử tri Lê Thiện Hiền, nhỏ giọng: “Vận động tranh cử là nhằm thuyết phục càng nhiều cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên càng tốt.
Ở các nước vận động tranh cử là một quy trình bắt buộc, được chuẩn hóa, cực kỳ chuyên nghiệp – có người chuyên lo việc vận động tranh cử cho ứng viên, từ việc chọn thông điệp, tuyển tình nguyện viên, tổ chức các sự kiện… và đặc biệt hấp dẫn.
Thông điệp tranh cử là một trong những nội dung rất được chú ý trong khi vận động tranh cử ở các nước. Đó là một vài điểm nhấn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, ăn sâu vào trí não và con tim người nghe, chứa đựng những tư tưởng chính mà ứng viên muốn chia sẻ với cử tri. Thông điệp đó phải được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhằm tạo và giữ ấn tượng trong cử tri.
Ở Việt Nam, cử tri bỏ phiếu không phải vì họ bị thông điệp của ứng viên thuyết phục, mà đó là mệnh lệnh hành chính của chuyện vì cơ cấu…”.
Nhà báo Võ Đắc Danh kể câu chuyện ‘vì cơ cấu’ ấy mà ông từng sắm vai ‘người trong cuộc’:
“Hai mươi năm trước, tôi tham gia phanh phui hai vụ án tham nhũng nổi đình nổi đám ở Cà Mau, kết quả là hàng chục nhân vật vào tù, bản thân tôi cũng lên bờ xuống ruộng . Từ đó dẫn tới câu chuyện đẩy đưa tôi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội một cách bất đắc dĩ chỉ vì nhậu say, nghe bạn bè xúi giục rồi hứng ẩu.
Hôm ấy, Tòa xử phúc thẩm vụ án công ty Dịch vụ Thương mại Cà Mau, một trong hai vụ án mà tôi tham gia những bài phóng sự điều tra từ đầu đến cuối.
Buổi chiều, sau khi chuyển thông tin về tòa soạn, tôi kéo một nhóm phóng viên của các báo ra nhậu ở nhà hàng Vân Thủy. Trong lúc đang ngà ngà say thì anh Trần Huỳnh Thi phó văn phòng đại diện báo Thanh Niên bất ngờ nói, anh ứng cử Quốc Hội đi anh Danh. Thằng Minh Trường phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng nói đúng rồi, anh ứng cử đi, đắc cử là cái chắc. Rồi cả bàn nhậu xúm nhau đốc vô.
Tôi nổi hứng lên, bấm điện thoại gọi anh Chín Nhỏ, bí thư tỉnh ủy từ Trà Vinh vừa về thay chú Ba Thám nghỉ hưu. Tôi nói kỳ nầy em ứng cử Quốc Hội nghen anh Chín, anh thấy sao ? Anh Chín nói tưởng ai chớ mầy là tao ủng hộ hai tay, mầy cúp máy đi, tí nữa tao gọi lại. Khoảng mười phút sau, anh gọi lại nói nãy giờ tao trao đổi với cô Hồng Thơ Chủ tịch Mặt trận xong rồi, sáng mai cổ cần mầy ghé qua đó ký một số giấy tờ.
Sáng hôm sau đi ăn sáng với mấy anh em trước khi vô phòng xử án, tỉnh rượu, mất hứng, tôi thấy mình vô duyên, định rút lại ý kiến với anh Chín. Nhưng mấy người bạn đồng nghiệp nói không được, đây là câu chuyện nghiêm túc, làm vậy anh Chín nói anh giỡn mặt với ảnh, coi kỳ lắm.
Thôi thì lỡ rồi, chơi luôn.
Tuần sau, họ xếp tôi chung liên danh với anh Nguyễn Đức Triều và anh Bùi Công Bửu. Anh Triều là Ủy viên trung ương đảng, Chủ tịch hội nông dân Việt Nam; anh Bửu là Phó bí thư tỉnh ủy Cà Mau, còn tôi ngoài đảng lại là người tự ứng cử, làm kẻ lót đường cho hai anh kia là cái chắc rồi.
Ra đường thấy áp phích dán đầy chân dung và tiểu sử ứng cử viên Võ Đắc Danh, thật là ái ngại.
Thế nhưng ván bài lật ngược, đi ra mắt cử tri tới đâu bà con bày tỏ sự ủng hộ tôi tới đó. Họ nói ba vị ứng cử viên vị nào cũng xứng đáng, đặc biệt nhà báo Võ Đắc Danh đã dũng cảm chống tham nhũng, chống lại bất công và luôn luôn đứng về phía dân nghèo.
Họ phô tô hàng chục bài báo của tôi rồi chuyền tay nhau đọc. Trong bài phát biểu ra mắt cử tri, anh Triều và anh Bửu bày tỏ rằng nếu tôi đắc cử tôi sẽ làm thế nầy thế khác, sẽ xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, khơi dậy tiềm năng kinh tế, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu v v…
Tôi thì nói với bà con rằng tôi không dám hứa gì cả, bởi cơ chế của nhà nước ta là cơ chế dân chủ tập trung, mọi quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh đều do tập thể quyết định, cá nhân một đại biểu quốc hội chẳng quyết định được gì nên tôi không dám hứa. Chỉ có điều, nếu tôi trở thành đại biểu quốc hội thì những bức xúc của bà con, nếu không chuyển tải được trên diễn đàn báo chí thì tôi có thể chuyển đến diễn đàn quốc hội. Còn nếu tôi không đắc cử thì tôi vẫn là nhà báo như tôi đã từng làm báo.
Đi đến đâu, sau phát biểu của tôi, bà con vỗ tay dồn dập đến đó.
Mấy ngày sau, một cán bộ văn phòng tỉnh ủy cho tôi biết, anh Triều đến than với anh Chín Nhỏ rằng chúng ta đã sai nước cờ, lợi thế thuộc về ‘NÓ’ hết rồi.
Đêm trước bầu cử, tôi nhận được nhiều cú điện thoại của mấy anh bí thư chi bộ khóm ấp. Họ than căng quá anh ơi, tôi vừa nhận được chỉ thị mật rằng tổ bầu cử nào để cho anh trúng cử thì bí thư chi bộ trên địa bàn đó phải chịu kỷ luật đảng.
Tôi gọi điện thoại cho anh Chín Nhỏ nói vui rằng bây giờ sửa nước cờ nầy coi bộ khó quá hả anh Chín, mấy anh bí thư chi bộ khóm ấp giờ đang run như cua nướng trước chỉ thị khẩn cấp và tối mật của anh. Bị lộ tẩy, anh Chín ấp úng nói không có đâu, coi chừng chúng nó tuyên truyền xuyên tạc đó mầy ơi.
Mười giờ đêm ấy, sau kết quả kiểm phiếu, tôi gọi điện cho anh Chín Nhỏ nói em chúc mừng anh. Ảnh hỏi chúc mừng gì mậy, tôi nói chúc mừng anh đã đạt được mục đích dù phải đối phó hơi cực với sự sai lầm của một ván cờ. Nhưng em nghĩ anh cũng nên cân nhắc giữa cái được và cái mất trong câu chuyện nầy, có khi đằng sau cái được lại là cái mất lớn hơn. Anh Chín cười gượng nói, mọi chuyện mầy đã biết hết rồi, chiều mai năm giờ mầy chạy qua tao.
Chiều hôm sau đúng giờ tôi sang nhà công vụ của anh, thấy anh bày sẵn một cái lẩu dê và chai chivas 18. Chỉ có hai anh em. Vừa ngồi xuống bàn, anh vừa rót rượu vừa nói, mầy thông cảm cho tao, anh Triều là ủy viên trung ương Đảng do ở ngoải gởi vô, nếu để ảnh rớt thì tao biết ăn nói sao với Ban Bí thư, còn thằng Bửu là phó bí thư tỉnh ủy, nếu để nó rớt thì còn uy tín đâu để nó lãnh đạo cái đảng bộ nầy. Còn mầy, nếu không vào được Quốc hội thì mầy vẫn là nhà báo như mầy đã tuyên bố khi ra mắt cử tri. Đặc biệt là qua câu chuyện nầy, tao thấy mầy được nhân dân yêu mến, thế là hạnh phúc rồi.
Tôi nói thôi chuyện đó cho qua, giờ nhậu đi anh, chỉ cần anh chịu thiệt như vậy là đủ rồi, em quý anh là ở chỗ anh dám chịu thiệt, chớ anh chối thì kỳ lắm á.
Hai anh em làm hết chai chivas, anh gọi tài xế chở xác tôi về, bỏ chiếc xe gắn máy lại nhà anh…”.
Liệu ở kỳ bầu cử sắp tới đây 23-5-2021, lịch sử có bước sang một chương mới, hay vẫn là nội dung những trang cũ rích như câu chuyện cười ra nước mắt của nhà báo Võ Đắc Danh?