Quế Sơn
(VNTB) – Thuyết âm mưu cho rằng một khi ngài Tổng bí thư hết lời ngợi ca nhiệm kỳ của Chính phủ, cũng có nghĩa ngài Thủ tướng sẽ tiếp tục ở lại với ‘ghế cũ’ trong nhiệm kỳ mới.
Giới giang hồ mạng xã hội nói rằng hai quý ông Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc đang so kè nhau trong giành ngôi vương “Tổng bí thư”. Lợi thế rất rõ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “Đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế” (1).
Với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, thì ông đã tròn vai ‘thầy dùi’ trong việc giúp ngài Tổng bí thư có thể thực hiện được ước nguyện “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” (2).
Phát huy thế mạnh cá nhân – nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp kỳ tình của giang hồ mạng, cho thấy khá thuyết phục ‘quần hùng’ trong kỳ ‘luận kiếm Quang Minh đỉnh’, khi võ lâm rất cần một minh chủ tiếp tục biết dung hòa mọi bang phái, với việc không cứ răm rắp theo kiểu ‘quân pháp bất vị thân’, mà là uyển chuyển thu phục quần hùng của ‘nắm đấm kèm của cà rốt’.
Dĩ nhiên vị trí còn lại trên chốn võ lâm, khó ai khác là tái nhiệm của đảng viên Nguyễn Xuân Phúc, bởi ở đây còn là thực hiện đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm” (3).
Thế nhưng đâu đó trên chốn võ lâm cũng nhiều kiếm khách không nể ông “thầy dùi”, lẫn chẳng phục ông thủ tướng đương nhiệm.
Chuyện “không nể” thì dễ hiểu rồi, với người từng đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, song lại chấp nhận cúi mình cho chuyện “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, thì hóa ra ở nước Việt không có ngành tư pháp thực sự độc lập rồi.
Còn với khen tặng hết lời của người đứng đầu Đảng dành cho ông Thủ tướng, thật ra đó là “khen cho chết”.
Dẫn chứng luôn để tránh bị quy chụp là đang kiếm chuyện để phá rối kỳ ‘luận kiếm Quang Minh đỉnh’ (*).
Số là ông Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng có bình luận trong phiên họp Quốc hội, khi thảo luận hôm 2-11-2020 về kinh tế – xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, như thế này: “Với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỉ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải “gánh” hơn 40 triệu đồng nợ công”.
Một ý kiến khác cho rằng khó thể chấp nhận việc, “Chúng ta mất 1/4 tổng thu ngân sách chỉ để trả nợ gốc và lãi hằng năm thì sẽ không còn vốn để phát triển. Vì vậy, quan trọng nhất là cải cách hệ thống ngân sách phải được ưu tiên hàng đầu. Việc đó phải gắn liền với việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy công quyền. Ngoài việc phải mạnh tay và rất quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên, cũng phải cắt giảm các khoản chi đầu tư công theo kiểu dàn trải ở các địa phương” .
Một ý kiến khác không kém gay gắt về cảnh báo nếu vẫn giữ nguyên cung cách quản trị lâu nay: “Ở đây chúng ta phải nói theo luật, rằng mặc dù nợ của doanh nghiệp nhà nước không tính vào nợ công nhưng qua đó để thấy rằng, tình trạng đầu tư không hiệu quả mới là điều đáng ngại hơn cả trong vấn đề nợ công chứ không phải vay được hay không.
Năm 2011, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ 1,8 đồng vốn thì tạo ra 1 đồng doanh thu thuần, thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 2,91 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần.
Nếu so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chẳng hạn, thì khu vực này từ chỗ chỉ cần 1,17 đồng vốn (2011) để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần thì đến năm 2016 họ chỉ còn cần 1,05 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần…”.
Với những gì đồn đoán khen – chê ở trên, thực ra cũng chưa thể nói lên điều gì chắc chắn, vì nói như lời ví von của ngài Tổng bí thư, ‘đến rằm thì trăng mới tròn’… Trước kỳ chung cuộc Đại hội XIII, theo thông báo còn có thêm một hội nghị Đảng lần thứ 15 kia mà.
______________
Chú thích:
(*) Được quần hùng trong Minh giáo tôn làm giáo chủ thứ 34, Trương Vô Kỵ đã giúp cho Minh giáo từ một giáo hội được coi là ma quỷ trong mắt mọi người, trở thành thủ lĩnh của cuộc chiến lật đổ nhà Nguyên, đồng thời đưa Trương Vô Kỵ trở thành một người anh hùng kiệt xuất trong mắt hào kiệt giang hồ qua các trận chiến như Quang Minh đỉnh, giải cứu lục đại môn phái tại Vạn An tự, phá âm mưu “Tiên trừ Thiếu lâm, hậu diệt Võ Đang” của Triều đình nhà Nguyên.