Hiền Lương
(VNTB) – Thường thì mỗi khi sắp có sự kiện được gọi là nhạy cảm chính trị gì đó ở Việt Nam, thì ‘tình cờ’ đường truyền internet tuyến quốc tế bất ngờ ‘bị chậm’, khó truy cập vào một số trang web. Cá mập cắn cáp, là lý do quen thuộc.
Vào trưa ngày 9/1/2021, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, vào 6g45 sáng 9/1, tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway – APG đã gặp sự cố trên hướng cáp kết nối tới HongKong và Nhật Bản. Hiện tại, nguyên nhân xảy ra sự cố trên tuyến cáp biển APG chưa được thông báo đến các ISP tại Việt Nam.
Trong khi đó, vào ngày đầu tiên của năm 2021, tuyến cáp quang biển Liên Á (Intra Asia – IA) cũng đã gặp sự cố. Được các hệ thống kỹ thuật ghi nhận vào 12g52 ngày 1/1/2021, sự cố trên tuyến cáp biển IA đã được xác định là do lỗi cáp trên phân đoạn 1, cách khoảng 49 km từ trạm cập bờ tại Singapore của tuyến cáp. Sự cố này gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng kết nối hướng Singapore.
Hiện các ISP tại Việt Nam cũng chưa nhận được kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên hai tuyến cáp biển IA và APG.
IA và APG là hai trong năm tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với ba tuyến cáp biển khác là AAG, AAE-1 và SMW3. Với tuyến IA, đây là tuyến cáp biển có tổng chiều dài 6.800 km và được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Tuyến cáp biển này kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Cáp IA được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, APG có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp biển này có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Đại diện nhà mạng Viettel khẳng định, các sự cố trên cáp quang biển quốc tế không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng các nền tảng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ (Server) đặt tại Việt Nam. Bởi lẽ, các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào đường cáp quang biển quốc tế.
Trở lại với chuyện nghi vấn cá mập. Ở đây có thể là sự trùng hợp khi nhiều người nhận thấy cứ mỗi lần “cá mập cắn cáp quang” là mỗi lần Việt Nam đang diễn ra những cuộc họp quan trọng của Đảng.
Về mặt khoa học, có giả thuyết cho rằng, sóng điện từ của cáp quang khiến cá mập nhầm lẫn với điện trường sinh học của những đàn cá nên mới tấn công. Dù vậy, lập luận này hoàn toàn không được dư luận người Việt ủng hộ, và còn bị cho là khá buồn cười.
Và cũng chính từ đó, hàng loạt ảnh chế liên quan đến sự kiện đứt cáp cùng câu phỏng đoán kia cứ thế mà đi chung với nhau, cứ hễ đứt cáp thì chỉ cần đổ lỗi cho cá mập là xong.
Tin tức thời sự công khai trên báo chí cho biết: sẽ có một Hội nghị Trung ương 15 diễn ra trước khi có phiên họp trù bị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Ban Tuyên giáo Trung ương công bố là sẽ diễn ra phiên chính thức từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.