Thiền Lâm
Vietnam- Cali Today News – Đời sống chính trị – xã hội ở Việt Nam đang xảy đến một hiện tượng kỳ lạ: chỉ là một nhà báo, một blogger bình thường như bao nhà báo và blogger khác, nhưng Huy Đức đang trở thành “cây bút tín hiệu” lẫn “điềm báo” cho những sự kiện, vụ việc liên quan mật thiết đến những nhân vật chính trị cao cấp và một vài nhóm lợi ích thuộc loại “cá mập” nhất.
Cũng đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về “ai sắp bị bắt” hay “ai sắp chết”…
Ngày 10/8/2017, “cây bút tín hiệu” này phát ra một thông tin mang tính khẳng định trên facebook của ông: “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017” trong bài viết có tựa đề “NGUYÊN THỦ QUỐC GIA & ĐỊNH CHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC”.
Ngày 8/8/2017, báo chí Việt Nam còn đưa tin “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư mừng đến Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Toni Tan Keng Yam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 52 Quốc khánh nước Cộng hòa Singapore (9/8/1965- 9/8/2017)”
Không phải mọi lần Huy Đức đều viết theo thể khẳng định, thậm chí thể khẳng định chỉ được nhà báo này dùng trong những bài có lẽ là “đặc biệt”, về những “ca” đặc biệt.
Thể khẳng định của Huy Đức về “Đại tướng Trần Đại Quang” (chứ không phải Chủ tịch nước Trần Đại Quang) đi chữa bệnh, thậm chí nơi chữa bệnh là Nhật, nếu chính xác, sẽ có tác dụng xóa nhòa những tin đồn đoán nổi dậy trong thời gian gần đây về ông Quang, nhất là về tình trạng an toàn cá nhân không liên quan đến vấn đề sức khỏe của ông.
Liệu có thể tin được tin tức của Huy Đức?
Chỉ biết rằng, trong một status cũng trên facebook gần đây, Huy Đức đề cập đến vấn đề sức khỏe của ông Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban bí thư. Tin tức này, dù chỉ đưa ra một cách chung chung cùng yêu cầu đảng cần minh bạch về sức khỏe lãnh đạo, nhưng vài ngày sau đã xuất hiện thông tin chính thức của Bộ Chính trị trên mặt báo nhà nước về việc ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên bộ chính trị và hiện thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương – “tham gia vào Thường trực Ban bí thư”. Có nghĩa là tạm thời thay thế hoặc thay thế luôn ông Đinh Thế Huynh.
Vào ngày 30/7/2017, Huy Đức đã bất thần trở thành nguồn tin không chính thống đầu tiên thông báo về việc nhân vật gây bão Trịnh Xuân Thanh đã trở về Việt Nam.
Cùng ngày 30/7, Bộ trưởng công an Tô Lâm còn nói như phân bua: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì” khi phóng viên Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã tóm Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi. Nhưng sang ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh bất thần “về chẳng ai hay” khi hiện ra tại phòng trực ban hình sự của Bộ Công an để “đầu thú”.
Và sau đó như mọi người đều biết, đã bùng nổ một cơn khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt với cáo buộc “trên cả nghiêm trọng” của người Đức về việc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào ngày 23/7/2017.
Sau khi Huy Đức viết bài về “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh”, có người tỏ ra ngạc nhiên: Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc vào ngày 23/7, còn ông Quang lại đi chữa bệnh vào ngày 25/7…
Nhưng nội dung đáng chú ý nhất trong bài viết trên của “cây bút tín hiệu” có lẽ là:
“Theo Điều 93 của Hiến pháp 2013 thì, “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước”. Chắc chắn là khi Đại tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ vào năm 1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải bố trí người đảm nhận trách nhiệm của ông; và có thể, khi Đại tướng Trần Đại Quang đi Nhật, ông cũng đã bàn giao công việc cho người thay thế.
Tuy nhiên, dân chúng phải được biết những quy trình ấy; đừng để dân chúng có cảm giác có những vị trí trong bộ máy nhà nước hiện nay chỉ tồn tại trên danh nghĩa. “Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Mặt khác, quyền lực của nguyên thủ quốc gia còn có giá trị biểu tượng. Dân chúng sẽ cảm thấy họ được tôn trọng khi được thông báo người thay thế dù Chủ tịch nước chỉ “không làm việc” trong một thời gian không dài. Tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi thiên tai địch họa. Và, nhỡ có điều gì đến với quốc gia, dân chúng sẽ rất hoang mang nếu họ thấy người phát đi các mệnh lệnh không phải là nguyên thủ được Quốc hội bầu lên mà từ một người họ chưa hề được thông báo thủ tục tạm trao quyền theo Hiến pháp”.
Lẽ đương nhiên, mỗi độc giả đều có quyền thụ hưởng, phân tích và suy đoán nội dung trên theo cách của mình.
Nhưng nội dung trên, cũng là đoạn kết trong bài viết của Huy Đức, hẳn phải là ý quan trọng nhất được diễn giải: đã đến lúc ông Trần Đại Quang cần bàn giao quyền lực của mình cho người khác. Sau đó, nếu có thể và nếu muốn, đảng thông báo cho dân biết.
Chính trị luôn ẩn chứa sự tàn nhẫn. Trong một nền chính trị nửa dơi nửa chuột của chủ nghĩa tư bản dã man, tính chất tàn nhẫn còn có thể trở thành tàn bạo. Tự sinh và tự diệt của các “chính khách” cũng từ đó mà ra…
Nguồn tham khảo: