Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhớ… Tin Sáng

Nguyễn Thông

 

(VNTB)  – Tin Sáng giờ chỉ còn trong hoài niệm bởi nó đã bị bức tử cách nay 40 năm, năm 1981, sau khi nhà cai trị buộc nó tự tuyên bố đã “hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Xin nhớ là Tin Sáng chứ không phải Tia Sáng – phụ bản của báo “Khoa học và Phát triển” thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ bây giờ.

Nói đến tờ Tin Sáng, lớp trẻ hiện nay gần như hoàn toàn không biết, không có ý niệm gì về nó, nhưng với thế hệ đã trưởng thành trước thập niên 80 sống ở miền Nam, nhất là Sài Gòn – mảnh đất màu mỡ nhất cho báo chí cả xưa lẫn nay, thì ký ức về nó khó phai nhòa.

Tin Sáng giờ chỉ còn trong hoài niệm bởi nó đã bị bức tử cách nay 40 năm, năm 1981, sau khi nhà cai trị buộc nó tự tuyên bố đã “hoàn thành nhiệm vụ”.

Phải nói thế này, trong một xã hội dân chủ và văn minh, không thể thiếu báo chí, các cơ quan ngôn luận. Báo chí thậm chí còn được ngầm xem như quyền lực thứ 4, sau lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhờ có báo chí, bộ mặt xã hội mới được phơi bày, những ẩn khuất che giấu mới được phát lộ, quyền của con người mới được bảo vệ. Ấy là đang nói tới thứ báo chí tự do, chứ báo chí mậu dịch, báo quốc doanh, báo định hướng thì chả kể.

Thời nay, báo nhiều thì nhiều thật nhưng cũng chỉ như con khỉ Tôn Ngộ Không múa may với cái vòng kim cô trên đầu.

Thiên hạ cười bảo nhau, cả gần nghìn cơ quan báo chí truyền thông cũng chỉ có chung một tổng biên tập là trưởng ban tuyên giáo. Nếu “tổng biên tập” là người hiểu biết, tử tế, cởi mở, khoáng đạt thì còn may, ít nhất cũng như các ông Trần Độ, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn, Hữu Thọ, chứ “ngoan” như chú Thưởng, hoặc ông thượng tướng thủ lĩnh đội AK47 thì báo chí chỉ còn biết ngậm ngùi, ngoài việc tung hô, tán tụng.

Trong chế độ cộng sản, để giữ uy tín, và cũng là cách chứng minh có tự do báo chí, nhà cai trị ít khi ban lệnh đóng cửa tờ báo, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt.

Báo “Trăm Hoa” của nhóm nhà thơ Nguyễn Bính hồi cuối thập niên 50 chỉ ra được vài chục số là chết đứ đự, có người bảo do lỗ vốn, hết tiền, nhưng cũng nhiều người khẳng định do nó đi ngược lại chỉ đạo của đảng nên sự thổi kèn đám ma là không tránh khỏi.

Những “báo” như tạp chí “Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông” và báo Nhân văn cùng của nhóm Nhân văn (còn được gọi là Nhân văn – Giai phẩm) thoi thóp được vài số cũng bị lên đoạn đầu đài.

Súng đẻ ra chính quyền, nên báo chí chả là cái đinh gì trong bàn tay sắt chuyên chính vô sản.

Đầu thập niên 60, khi tôi bắt đầu đi học lớp vỡ lòng, thấy thày tôi còn cất giữ mấy tờ Giai phẩm và Trăm hoa trong tủ bán hàng, tít ngăn dưới cùng, lẫn vào đám sách chữ nho và chữ Pháp.

Không hiểu sao sống ở nông thôn mà thày tôi lại có được thứ ấy, có thể do anh họ tôi làm việc ngoài Phòng đem về cho chú đọc, về sau chả biết chúng bị lạc đi đâu, thật tiếc. Nhiều tờ báo bị đóng cửa một cách khéo léo, như tờ “Độc lập” của đảng Dân chủ, tờ “Tổ quốc” của đảng Xã hội, vào năm 1988 khi 2 đảng bị giải tán do tự nguyện “hoàn thành nhiệm vụ” thì đương nhiên rắn mất đầu, không thể tồn tại.

Tôi có chút kỷ niệm với 2 báo này. Hồi năm 1975, tập tọng làm thơ, tôi được đàn anh sừng sỏ có nhiều thơ đăng báo, kể cả báo Nhân Dân, báo Văn nghệ, là anh Bùi Trọng Cường vốn chơi thân với đám thi nhân Trần Hòa Bình, Bùi Quang Thanh, Đỗ Minh Tuấn…, dắt tới báo Độc lập (hình như trên đường Tràng Thi) và báo Tổ quốc gửi bài.

Không biết trời đi vắng thế nào, được đăng 2 bài trên 2 báo, một bài về… bác Hồ, hì hì, một bài về bãi biển Đồng Châu, Thái Bình (thu hoạch sau chuyến đi thực tế), nhuận bút 18 đồng/bài, bằng cả tháng học bổng.

Gần chục năm trước, tờ báo in “Sài Gòn tiếp thị” đang hồi tràn đầy sinh lực nhưng sau một số bài gây khó chịu cho chế độ, nó được đưa vào tầm tiêu diệt và chẳng bao lâu đã phải sáp nhập với báo khác, nói cho vuông là đội ngũ tan tác, danh tiếng chìm nghỉm, “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”.

Đó cũng là cách đình bản, cấm cửa, bắt hoàn thành nhiệm vụ, diệt một tờ báo.

Gần nhất, hồi tháng 11 năm ngoái (2020), tạp chí “Văn hóa Nghệ An”, tờ “báo” tỉnh lẻ nhưng cực kỳ chất lượng đã phải nói lời từ biệt bạn đọc sau 15 năm vang bóng; cả tờ báo kinh tế lừng lẫy “Thời báo kinh tế Việt Nam” cũng vậy, lý do chính là bị quy hoạch, không cho tồn tại như nó từng phục vụ bạn đọc.

Nếu người ta nói tới tự do báo chí ở xứ này, xin các vị đừng vội tin, đừng thấy gần 1.000 cơ quan báo chí truyền thông đang hoạt động mà ngây thơ cho rằng tự do là sự thật. So với thời Pháp thuộc, với thời chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam trước năm 1975, tự do báo chí thời nay chỉ là con số 0, chỉ tự do dưới cái vỏ mỹ miều, giả tạo.

Lại nói về báo Tin Sáng.

Nó đã tung hoành trước năm 1975, và sau tháng 7-1975, là nhật báo tư nhân duy nhất được cho phép hoạt động trở lại. Đến 6 năm sau, ngày 29-6-1981, Tin Sáng được cho là “hoàn thành nhiệm vụ”, bị đóng cửa.

Cả một chế độ còn bị khai tử bởi súng và xe tăng, huống chi tờ báo mỏng manh. Nhà nước xã hội chủ nghĩa không cho phép báo tư nhân tồn tại, sau khi tờ “Trăm hoa” của thi sĩ Nguyễn Bính, tờ báo tư nhân cuối cùng trong chế độ mới, bị diệt. Mấy chủ báo, chủ bút ở Sài Gòn thậm chí nhiều anh còn được đặc cách đi… cải tạo, một kiểu nói văn vẻ, giảm nhẹ về việc đi tù.

Nhưng mấy anh cộng sản vốn rất mưu mẹo, khôn lỏi. Chuyện lớn ích quốc lợi dân thì họ mù mờ chứ việc “tiểu nhân” thì cực thạo.

Miền Nam mới được “giải phóng”, cần lợi dụng sự ngây thơ của dân chúng để tô điểm cho bộ mặt, họ bàn bạc cho phép ra đời vài tờ báo tư nhân. Tờ Tin Sáng của nhóm nhân sĩ trí thức (được lòng dân) Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Ngọc Lan… tái sinh là vậy. Đó là những người làm báo giỏi. Nói chung, giới làm báo miền Nam giỏi hơn giới báo bắc, người làm báo chế độ cũ (Việt Nam cộng hòa) giỏi hơn đội ngũ báo cách mạng. Ai đã sống ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 70, và 80 sẽ nhận ra điều này.

Thời tờ Tin Sáng còn sống, tôi đã nhiều lần mò mẫm tới trụ sở báo.

Làm nghề dạy học nhưng tôi thích viết. Còng lưng đạp xe từ Chợ Lớn tới đường Bùi Thị Xuân quận 1, tòa soạn Tin Sáng nằm trong tòa nhà góc đường Bùi Thị Xuân – Tôn Thất Tùng. Chỗ này vốn là cơ sở trường học do nhà thờ Huyện Sĩ quản lý, gồm cả khu nhà rộng lớn là trường Bùi Thị Xuân bây giờ, còn tòa soạn báo Tin Sáng là chỗ Bệnh viện Phụ sản quốc tế hiện nay.

Tôi rụt rè nộp bài, được các ông phụ trách báo đón tiếp niềm nở, vài lần nhìn thấy cả ông Ngô Công Đức, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Nguyễn Ngọc Lan. Các ông mặc lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ, khác hẳn bên thắng cuộc đôi khi tôi thấy bên tờ “Sài Gòn giải phóng” rất hách dịch.

Tôi cũng được đăng vài ba bài trên Tin Sáng, về nhà thơ Maiakovski, về mùa xuân tươi đẹp ở miền Bắc, về thơ Tố Hữu, về chiến tranh cách mạng…, nghĩa là những thứ bây giờ có cho kẹo cũng không dám viết bởi chả ai đọc. Nhưng Tin Sáng lại cần thứ đó, ít nhất cũng giúp nó chứng tỏ đang đi đúng hướng chỉ đạo của các anh từ trong rừng (R) ra.

Có lần tôi được gặp ông Nhuận tại nhà anh ông, ông Hồ Ngọc Chiếu, trên đường Huỳnh Khương Ninh quận 1. Con ông Chiếu là cô Hồ Ngọc Thúy học lớp do tôi chủ nhiệm, vì lý do chi đó định nghỉ học, tôi và thầy hiệu trưởng bạn của ông Chiếu tới nói ông bố thuyết phục con đừng nghỉ. Cuối cùng thì cô vẫn học dự bị đại học và vào đại học chính thức.

Trong nhà ông Chiếu, tôi nhớ bên dãy số chẵn, đối diện với trường Huỳnh Khương Ninh hiện tại, nghe nói cũng gần căn nhà ông Lê Duẩn từng ở khi lén ở lại miền Nam sau hiệp định Geneve, tôi đã gặp cả mấy anh em họ Hồ Ngọc nổi tiếng: ông Chiếu, ông Nhuận, ông Cứ (Hồ Ngọc Cứ). Nghe họ nói chuyện, ngắm phong cách của họ, tôi hiểu rằng những nhân sĩ, trí thức Sài Gòn làm việc cho chính quyền cũ không phải là “ngụy”, không giống như những gì mà cộng sản đã tuyên truyền.

Tôi cũng từng làm chung cơ quan với cô Nguyễn Ngọc Lan Chi, con cụ nhà báo – linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Cha thế nào thì con thế ấy, thông minh, nhỏ nhẹ, khiêm tốn, dịu dàng. Sài Gòn cũ đã tạo ra tầng lớp trí thức giỏi và tử tế, như thời trước người Pháp cũng sinh ra những con người như vậy.

Tin Sáng là tờ báo bán rất chạy. Nó chỉ bị cạnh tranh khốc liệt khi báo Tuổi Trẻ đã trở nên cứng cáp.

Hầu như dân không mấy ai đọc báo “Sài Gòn giải phóng” (báo này chỉ dành chủ yếu cho cán bộ, đảng viên), họ chỉ mua báo Tin Sáng.

Sự đời, nhiều khi con ếch chết bởi tiếng kêu quá vang. Nổi tiếng quá, lại của tư nhân, lại thỉnh thoảng bóng gió này nọ, lại nhất là sinh bất phùng thời, khi đang diễn ra cuộc “ai thắng ai” rất nguy hiểm cho cộng sản, nên tới giữa năm 1981, nhà cai trị sau khi đã bọc bông vào nắm tay, thụi cho Tin Sáng một quả chí tử, bắt nó phải công khai lên tiếng tự nhận đã “hoàn thành nhiệm vụ” trước bàn dân thiên hạ.

Hồi đó, dư luận thắc mắc xôn xao ghê lắm, nhưng Tin Sáng đã tắc tử, tử bất cập ngáp. Những ông làm báo có sạn trong đầu như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung… được phen vỡ mộng. Vỡ thì vỡ, làm gì được nhau. Làm báo cộng sản chỉ thế thôi.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao nên khuyến khích báo chí phát triển?

Phan Thanh Hung

VNTB – Luật phòng, chống tham nhũng dùng để làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Uỷ ban Bảo vệ Ký CPJ giả kêu gọi duy trì tự do báo chí ở Myamar

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo