Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vinhomes Cần Giờ: vừa phê duyệt dự án là chào bán ngay…

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Võ Hàn Lam

 

(VNTB) – Tháng 2/2021, ngay khi vừa được phê duyệt dự án quy hoạch, Long Beach Cần Giờ (Vinhomes Cần Giờ) bắt đầu rao bán những dự án… trong tương lai.

 

Các sản phẩm của Dự án sẽ chủ yếu các dòng sản phẩm đô thị của Vinhomes (căn hộ, shop, biệt thự…) và một số dòng sản phẩm nghỉ dưỡng của Vinpearl (condotel).

Mức độ lớn của dự án lấn biển này gấp 6 lần khu Phú Mỹ Hưng, tổng đầu tư tới 10 tỷ đô la Mỹ. Dự án này được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ thành thủ phủ của nghỉ dưỡng, vui chơi bậc nhất Đông Nam Á.

Chính phủ đã quyết

Tại hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP.HCM, thành quả và kinh nghiệm” – tháng 12/2018, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu cần nghiên cứu kỹ dự án lấn biển Cần Giờ, “Nếu chúng ta quyết định sai, 5-10 năm có thể chưa thấy gì, nhưng sau này có thể tàn phá khủng khiếp và con cháu sẽ lên án chúng ta”, ông Nhân nói.

Tháng 6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Cụ thể, Phó thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tên tự án từ “Hệ thống công trình lấn biển và khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”. Quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600ha lên thành 2.870ha.

Có lẽ vì cấp cao nhất đã ‘gật’, nên sau đó tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, duyệt đề án mở rộng dự án là một tin vui, theo đó cần phải tổ chức công bố, dự kiến tiến độ.

“Có thể làm không nhanh được, phải mất nhiều năm, nhưng phải công bố và có dự kiến tiến độ để thấy được những bước đi của đề án. Trong đề án này, tuyến đường Rừng Sác sẽ được nâng cấp, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Giờ thì cờ đến tay Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Ông Nên có thời gian rất dài chuyên chuyện quanh quẩn hết văn phòng Chính phủ, đến văn phòng Trung ương Đảng nên xem ra ông cũng chẳng mấy bận tâm về phản biện của dự án liên quan đến khu dự trữ sinh quyển quốc gia này.

Chính quyền TP.HCM nên chủ động thay đổi

Tháng 11 năm ngoái, trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) về Dự án lấn biển Cần Giờ, tại phiên chất vấn sáng 9/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng dự án này thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển là khoảng 600 hecta, bây giờ nâng lên đô thị hơn 2.800 ha, trong đó có phần diện tích trên bờ.

Vẫn theo lời của ông Trần Hồng Hà, khi phê duyệt dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với UNESCO. Theo đó, các khung pháp lý của UNESCO cho thấy, Cần Giờ phân ba vùng, gồm: vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và vùng bán lân cận.

Phần mà hiện nay dự án nằm là tiếp giáp, kết nối với phần bán lân cận, tức là theo các quy định của UNESCO và đã có văn bản chính thức của UNESCO khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện theo đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý sẽ quyết định. Về pháp luật của UNESCO và pháp luật Việt Nam là phù hợp.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn có ý kiến, với cơ chế đặc thù của TP.HCM hiện nay, thành phố nên chủ động thay đổi, không nên giao Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ đầu tư thực hiện. Thay vào đó, nên áp dụng theo cách làm quốc tế là trong số các chi phí thủ tục để xin phê duyệt dự án, cần phải bao gồm khoản chi phí cần thiết đánh giá tác động môi trường – mà chủ đầu tư cần phải nộp cho thành phố.

Thành phố sẽ dùng kinh phí này để thuê một đơn vị chuyên nghiệp độc lập đánh giá tác động môi trường, tác động đến việc phát sinh cần thiết phải nâng cấp hạ tầng phục vụ cho dự án (bao gồm việc cải thiện giao thông, chống ngập, cấp điện nước,… và các xử lý tác động môi trường khác), làm cơ sở khoa học cho thành phố xem xét dự án có khả thi hay không.

Sau đó là cần tính đến việc thương lượng về tỷ lệ trách nhiệm đóng góp của nhà đầu tư, như là một điều kiện được phê duyệt dự án – trong trường hợp dự án khả thi. “Cơ chế” đánh giá tác động môi trường này, không chỉ áp dụng với Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ mà hoàn toàn có thể áp dụng cho những dự án lớn của thành phố hiện nay.

Thay lời kết

Với những chương trình quảng bá cho dự án Long Beach Cần Giờ, có thể thấy rằng Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thực chất là một dự án địa ốc, với mật độ đất chức năng cho xây dựng công trình, hạ tầng, giao thông chiếm hơn 58%, diện tích dành cho cây xanh chiếm gần 17%, biển hồ nhân tạo chiếm hơn 25%.

Có một lo lắng mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: 137,6 triệu m3 cát san lấp cho dự án Long Beach Cần Giờ dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửi Long, gồm sông Cửa Đại (Bến Tre), sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (Sóc Trăng) – ‘Ai phải trả giá cho số cát san lấp khổng lồ này?’ là câu hỏi được đặt ra và đòi hỏi được trả lời nghiêm túc, trước bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long vốn đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa bị chặn bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vốn FDI bắt đầu rời Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB- Việt Nam trên tiến trình tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để giải quyết hạn mặn ở miền Tây Nam bộ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo