Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tân đại sứ sẽ cứng rắn hơn tiền nhiệm Osius?

Phạm Chí Dũng

VOA 28/7/2017

Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016
Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016

Nhiệm kỳ 3 năm của vị đại sứ “quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ sáng sủa như lúc này” sắp đóng lại, lồng trong bầu không khí đàn áp nhân quyền bị chính quyền và giới công an Việt Nam trùm phủ lên hai bản án 9 năm tù giam đối với nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga cùng 10 năm tù giam giáng xuống đầu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – nhà hoạt động mà vào tháng 3/2017 đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Người phụ nữ can đảm quốc tế”.
Quan điểm nhân quyền của Daniel Kritenbrink?
Nhiều khả năng thay thế Đại sứ Ted Osius sẽ là ông Daniel Kritenbrink. Khác với Ted, Kritenbrink là một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, có bề dày và kinh nghiệm ứng phó với Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên lại là một quốc gia “đồng chí” với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong quá khứ và ngay cả hiện tại. Cùng với lực lượng Hồi giáo IS, chế độ chính trị Bắc Triều Tiên đang bị dư luận quốc tế xem là cực đoan và tàn ác nhất thế giới, đồng thời là một trong những nguy cơ rất tiềm tàng mà có thể dẫn đến chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Daniel Kritenbrink hẳn đã có những triết lý riêng của ông về Bắc Triều Tiên và kinh nghiệm đối phó với chế độ này, bao gồm cả hành vi vi phạm nhân quyền. Những nguyên tắc và kinh nghiệm như thế phác ra hy vọng rằng Daniel Kritenbrink có thể trở thành một vị đại sứ quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền và sẽ cứng rắn hơn trước các vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và ngày càng dày đặc của nhà cầm quyền Việt Nam, kể cả xem xét lại quá trình chính thể này lọt vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ tháng 11 năm 2013 và thường tỏ ra rất tự hào về điều đó.
Vậy Daniel Kritenbrink đã có biểu hiện cụ thể nào về nhân quyền Việt Nam?
Vào tháng 5/2016, khi còn là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink được VOA dẫn lời: “Nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương Mỹ – Việt tiến về phía trước”, và “Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Tháng 5/2016 cũng là thời điểm mà nước Mỹ đã làm một cử chỉ đặc biệt kể từ năm 1995 khi Mỹ – Việt bình thường hóa quan hệ: dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Không biết lời cảnh báo của Daniel Kritenbrink về mua bán vũ khí có “linh” hay không, chỉ biết rằng đã hơn một năm trôi qua kể từ tháng Năm năm 2016, giới quân sự Việt Nam vẫn chưa mua được một thứ vũ khí mang hiệu quả sát thương đáng kể nào từ phía Mỹ.
Chưa nói tới nguồn cơn “tiền đâu” trong cảnh trạng ngân khố Việt Nam đang quẫn cực và phải tìm cách dè sẻn chi phí quốc phòng, chính Quốc hội Mỹ lại đang soi mắt vào từng khoản mục bán vũ khí cho Việt Nam. Một trong những tiêu chí ngặt nghèo để “soi” là nhân quyền.
Còn Ted Osius đã để lại di sản triết lý nào?
“Không có gì là không thể!”
Không chỉ luôn phát ngôn đầy lạc quan “quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ sáng sủa như lúc này”, Ted còn hướng đến triển vọng của mối quan hệ này bằng triết lý “không có gì là không thể!”.
Nhưng quả là “không có gì là không thể” ở chủ thể chính quyền Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 và dù đã mở lòng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, Tổng thống Obama đã phải nhận một cú sốc chưa từng có: Có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Obama bị công an cấm cửa đến gặp ông.
Bảy tháng sau vụ công an Việt Nam thẳng tay chặn khách mời của Tổng thống Obama tại Hà Nội, đến lượt ngoại trưởng của Obama là ông John Kerry cũng lâm vào tình trạng tương tự.
John Kerry đã thực hiện chuyến đi cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình đến đất nước Việt Nam, nơi ông coi là “thân thiện”. Nhưng có lẽ không bao giờ ông quên được ký ức tại đất nước đó ông đã bị “dằn mặt” về giao tiếp xã hội đến thế nào. Nhiều khách mời của ông đã không thể ra khỏi nhà trong vòng vây công an.
Bầu không khí dân chủ mà giới quan chức chính phủ và ngoại giao Hoa Kỳ cảm nhận được ở đất nước họ, lại đã bị biến thái một cách lộn ngược tại quốc gia cựu thù. Những gì mà chính quyền Obama đã hy vọng sẽ làm cho giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi về não trạng nhân quyền lại chỉ nhận được kết quả hầu như công cốc sau hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Thế nhưng trước tình cảnh bị công an trắng trợn xúc phạm, nhà ngoại giao John Kerry vẫn… cười.
Ted Osius cũng thế.
Khá kỳ quặc là trong lúc hàng loạt kỳ đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, dù diễn ra ở Hà Nội hay ngay tại Washington, đã trở nên hình thức một cách đáng sợ và trong thực tế chỉ nhận được lời hứa hẹn bị dư luận xem là quá giả dối từ một viên chức cấp thấp – trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, trong lúc tần suất bắt bớ người bất đồng ở Việt Nam cứ tăng theo mỗi tháng, còn nạn sách nhiễu hành hung của “côn đồ công vụ” đã trở nên phổ cập đến nỗi có dư luận phải cho đó là một “thuộc tính sinh học” của ngành công an…, người ta vẫn chứng kiến vị đại sứ Ted Osius thung dung thưởng ngoạn phong cảnh ở Việt Nam, nhìn thấy nụ cười rất tươi của ông trên báo chí quốc doanh, còn trang facebook của ông không bao giờ tắt niềm hy vọng bằng những lời mô tả triển vọng không thể tốt đẹp hơn của quan hệ Việt – Mỹ…
Sau vụ khách mời của Tổng thống Obama bị công an Việt Nam thẳng tay chặn cửa, từ đó đến nay người viết bài này đã thực hiện một số khảo sát về ý kiến và góc nhìn của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền Việt Nam về mức độ quan tâm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và và Đại sứ Ted Osius đến nhân quyền Việt Nam. Đa số những người được hỏi đều xác nhận đã có một niềm hy vọng không nhỏ kể từ khi ông Ted Osius chính thức nhậm chức đại sứ vào tháng 11/2014. Nhưng những câu từ “tôi quan ngại”, “tôi thất vọng”… của ông Ted trước các vụ nhà hoạt động nhân quyền bị bắt bớ và bị hành hung ở Việt Nam dường như vẫn còn quá “ngoại giao”. Càng về sau này, mối thiện cảm ban đầu của nhiều người đấu tranh dân chủ dành cho ông Ted Osius càng giảm sút, thậm chí giảm sút đáng kể. Nhiều người cho rằng trên cương vị một nhà ngoại giao và với bản tính khôn khéo, lanh lợi cùng tâm thế “an toàn”, ông Ted có thể đã làm tròn phận sự không gây ra căng thẳng giữa Mỹ với chính quyền Việt Nam. Nhưng còn tiến xa hơn nữa thì lại chưa có bằng chứng gì rõ rệt. Cùng với “thành tích nhân quyền” vẫn được nhà cầm quyền Việt Nam tuyên rao không mệt mỏi, uy tín chính khách và hình ảnh nụ cười tươi rói của Ted Osius trong con mắt và trái tim nhiều người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng nhòa nhạt theo thời gian…

Daniel Kritenbrink sẽ làm gì?


Sau vụ khách mời của Obama và Kerry bị công an Việt Nam cấm cửa, Quốc hội Hoa Kỳ hình như không còn cười nổi. Cho đến lúc đó, vấn đề không chỉ là nhân quyền Việt Nam mà đã hóa thân vào thể diện nước Mỹ.

Chẳng phải vô cớ mà sau những vụ việc trên, Nghị viện Liên minh châu Âu đã tung ra một nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam với lời lẽ và văn phong mạnh mẽ chưa từng có.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Luật Nhân quyền Magnisky Toàn Cầu và Tổng thống Obama đã ký chính thức. Không thể khác hơn, luật này nhằm chế tài đối với các quan chức vi phạm nhân quyền ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Những ai vi phạm sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.
Không chỉ Hoa Kỳ, một số quốc khác như Canada, Na Uy… cũng đang có khuynh hướng vận dụng Luật Nhân quyền Magnisky Toàn Cầu vào nước họ.
Không chỉ người Mỹ cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm, mà thế giới dân chủ đang bị thách thức bởi những giá trị hoàn toàn phi dân chủ.
Cũng bởi thế và rất có thể khác với Ted Osius, Daniel Kritenbrink có nhiều việc phải xử lý tại Việt Nam.
Trong những tháng tới, Daniel Kritenbrink cũng có thể là một hình ảnh khác, thậm chí khác hẳn với Ted Osius. Nếu thái độ của Tổng thống Trump là dửng dưng và có phần lạnh nhạt trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017, Daniel Kritenbrink cũng có thể là nhân vật đại sứ tỏ ra dứt khoát hơn trước tư thế ngả ngớn đu dây của Hà Nội giữa Washington và Bắc Kinh.
Daniel Kritenbrink đang có khá nhiều điều kiện để thể hiện thái độ ấy, nhất là sau vụ “bạn vàng” Trung Quốc thẳng tay ép người đồng chí Việt Nam phải rút giàn khoan Repsol tại Bãi Tư Chính – nơi mà vẫn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “vùng lãnh thổ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam” – vào tháng 7/2017.
Và nếu vụ Bãi Tư Chính xứng đáng là một nỗi sợ để Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm trở lại sự hỗ trợ của hải quân và không quân Hoa Kỳ, Daniel Kritenbrink sẽ có cơ hội để không phải nhún nhường thái quá về nhân quyền trước Hà Nội như cái cách của Ted Osius mà đã khiến nhiều người nghĩ vậy.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thăm gia đình Phạm Chí Dũng

Do Van Tien

VNTB- Ai sẽ thay Thăng ‘tiến về Sài Gòn’?

Phan Thanh Hung

VNTB- Mỹ chuyển giao vai trò ‘đối thoại nhân quyền Việt Nam’ cho Nghị viện châu Âu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo