Ngọc Lan
(VNTB) – Theo đề án tuyển sinh của các trường đại học tại TP.HCM, từ năm học 2021 – 2022, hầu hết các trường đều tăng học phí, có trường tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích trong kỳ tuyển sinh năm học 2020-2021, lộ trình tăng học phí của một số trường đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản đều đã được công bố, thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng trước kỳ tuyển sinh để xã hội, phụ huynh và thí sinh biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi, khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.
Dù vậy, việc tăng học phí cao hơn so với các năm học trước cũng đã làm cho một số gia đình có con em có nguyện vọng học đại học tại các trường này gặp khó khăn.
Thắc mắc: tự chủ về tài chính có tương đồng với quyền tự do học thuật? Bởi, tự do học thuật được quan niệm rộng rãi là một phần của quyền tự do ngôn luận, vốn đã được luật nhân quyền quốc tế và các Hiến pháp Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề này còn ít được quan tâm nghiên cứu và chú trọng đảm bảo trong thực tiễn ở Việt Nam.
Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng Hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục. Tự do học thuật giúp giải phóng con người. Tạo ra những con người tự do chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.
Công cuộc cải cách giáo dục đại học chỉ có thể thành công và các đại học Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, đó không phải là câu chuyện của tiền ít hay tiền nhiều đến đâu, mà là khi quyền tự do học thuật được đảm bảo theo những chuẩn mực chung của những nơi đã sản sinh các đại học hàng đầu thế giới.
Tự do học thuật cần được đảm bảo mạnh mẽ nhất ở giáo dục đại học.
Các trường đại học, dù là công hay tư, chỉ có thể đạt được đẳng cấp quốc tế nếu được tự chủ thực sự. Mà một trong những yếu tố quan trọng của tự chủ đại học, là sự tự chủ trong việc dạy và học, nghiên cứu và truyền bá tri thức.
Đối với giảng viên, họ cần được đảm bảo bằng chế độ làm việc ổn định như hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, họ có thể nghiên cứu và thảo luận những vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi mà không bị phân biệt đối xử hay trù dập. Cơ chế này đảm bảo cho giảng viên sự chuyên tâm cũng như tự do giảng dạy, nghiên cứu mà không sợ bị mất việc. Ngoài ra, hệ thống thư viện, tài liệu, thiết bị nghiên cứu – giảng dạy phải tạo sự thuận tiện cho giảng viên, sinh viên, thậm chí cả công chúng, tiếp cận và sử dụng. Sinh viên được linh hoạt lựa chọn khóa học, môn học, giảng viên.
Một đơn cử – theo lời kể của luật sư T. khi ông được mời thỉnh giảng tại một phân hiệu đại học luật tại tỉnh, thì có sinh viên thắc mắc vì sao lại có môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong khi nền tảng triết học lại không ghi nhận đóng góp gì của Hồ Chí Minh vào đó?
“Không ai trả lời thắc mắc của anh sinh viên này, kể cả giảng viên. Không trả lời không phải vì kiến thức giới hạn, mà là không có ai dám cả. Hồ Chí Minh và tư tưởng của ông ta là mặc định luôn luôn đúng, bất chấp nguyên tắc của khoa học là phải luôn hoài nghi tất cả!” – luật sư T., nhớ lại.
Điều 25 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo góc độ giải thích Hiến pháp, quyền tự do học thuật hàm chứa trong quyền tự do ngôn luận vốn được hiến định từ lâu.
Và cho đến nay, “tự do học thuật” là một thuật ngữ không phổ biến trong pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ khiến đại học tự chủ tài chính vẫn tiếp tục chịu sự kìm hãm của chiếc ‘vòng kim cô’ định hướng tư tưởng học thuật xã hội chủ nghĩa.