Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đón “đại bàng” thời Covid: Bằng đất hay bằng người?

Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần từ bỏ nhanh hơn tư duy “tiểu chủ” – cho thuê đất và thuê nhân công rẻ! Hãy từ bỏ những dự án địa ốc mỹ miều hay những trung tâm dịch vụ cao vọng, mang trong đó nỗi ám ảnh truyền kiếp “tay không bắt giặc”!

 

Vào thời điểm “ai oán” – thần chết Corona tung lưỡi hái, các nước bắt đầu tranh luận và tranh đấu dữ dội về bản quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Vậy mà, lẳng lặng – chưa biết đàm phán từ lúc nào, ngày 9.5.2021, Singapore công bố đã ký được với BioNtech và Pfizer – hai tập đoàn sinh học hàng đầu ở Đức về việc mở “tổng hành dinh” sản xuất và điều hành phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho cả Đông Nam Á. Trước đó, vào tháng Tư,  Sanofi – một tập đoàn dược phẩm ở Pháp đã thông báo sẽ đầu tư 400 triệu euro để làm nhà máy vaccine tương tự ở đảo quốc này. 

Chưa rõ trong các dự án rất nóng bỏng trên, Singapore cùng bỏ vốn sản xuất hay chỉ cho thuê đất làm nhà máy và cung ứng các dịch vụ thiết yếu kèm theo. Tuy nhiên, với cách làm nào đi nữa, Singapore đã “lót ổ” thành công cho ba chú “đại bàng” hi-tech lẫy lừng mà nhiều nước đang muốn “chiêu mộ”! Nhờ đâu Singapore thuyết phục được những “đại gia sinh học” – những người về mặt khoa học phần nào đấy đang nắm giữ sinh mạng và tương lai của nhiều quốc gia trong cơn nguy khốn đại dịch, chứ không phải các chính khách địa phương hay quốc tế?

Mũi nhọn y – sinh bắt đầu từ đại học

Thế nhưng, trong thời kỳ COVID-19, Singapore không chỉ nỗ lực thu hút đầu tư vào sản xuất vaccine. Cần nhớ lại tháng 12 năm ngoái, chính đảo quốc bé hạt tiêu bất ngờ tuyên bố sẵn sàng là “trung tâm chuyển vận hàng không và phân phối vaccine” từ châu Âu đến châu Á và cả vùng Tây Nam Thái Bình Dương! Đây không phải là tuyên bố suông bởi Singapore “khoe” ngay sân bay Changi tối tân, đảm bảo thông suốt đường bay chở hàng đến 80 đô thị lớn trên thế giới. Song, đặc biệt và quan trọng hơn cả, Changi đang có hệ thống kho lạnh tuyệt hảo, đủ tiêu chuẩn bảo quản các loại vaccine. 

Theo Tập đoàn sân bay Changi (CAG) những năm gần đây, họ đã tập trung nỗ lực thiết lập ngành vận chuyển dược phẩm – một mũi nhọn kinh doanh mới. Chuẩn bị cho việc này, khoảng 12 công ty hoạt động ở Changi đã lấy được các chứng chỉ quốc tế về dược phẩm.

Ngoài ra, từ năm 2020, Cục Hàng không Singapore thành lập một nhóm công tác chuyên đề (task force) gồm 18 thành viên, trong đó có CAG và đại diện các cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp để triển khai hoạt động rất hi-tech và rất khẩn trương. Có thể thấy việc tiên phong lôi kéo “đại bàng” lập nhà máy vaccine và xây dựng trung tâm chuyển vận hàng không dược phẩm nói trên, chính là bước tiến và là một phần quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế y – sinh học của Singapore!

Đó là kế hoạch đã khởi động từ hơn 20 năm trước với hai “đội quân chủ lực” là giáo dục và công nghiệp chế tạo. Theo quan sát của người viết, từ năm 2001, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), hai đại học công lập nhất nhì của đảo quốc, bắt đầu thành lập ngành học mới mang tên Bio Medical Enginering (BME). Đây là “binh chủng” liên ngành tập hợp các chuyên gia từ y dược, sinh học, hóa học đến toán học, vật lý, tin học, cơ khí, điện tử, tự động hóa… Sinh viên theo học BME được huấn luyện để trở thành người nghiên cứu, giảng dạy và chế tạo nhiều sản phẩm đa dạng. Chúng bao gồm thuốc men, vaccine, “phụ tùng” thay thế bộ phận con người, phần mềm, công nghệ, kể cả robot và các thiết bị điều khiển từ xa, dùng trong chữa bệnh và nghiên cứu bảo vệ sức khỏe con người. 

Không dừng ở đào tạo BME, năm 2005, Chính phủ Singapore hỗ trợ cho NUS liên kết với Đại học Y khoa Duke nổi tiếng của Mỹ để thành lập một trường y khoa thứ hai đào tạo hoàn toàn theo lối Mỹ (muốn học phải có bằng cử nhân sinh học hay hóa học). Đây là trường chuyên đào tạo bác sĩ làm việc trong bệnh viện và cả bác sĩ chuyên làm trong phòng thí nghiệm với những đề tài nghiên cứu hợp tác với Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có cả vaccine ngừa COVID-19.

Thành phố sinh học trong vườn

Ngay khi BME ra đời, cùng năm 2000 Chính phủ Singapore khởi động xây dựng một khu vực đặc biệt mang tên BIOPOLIS – “Thành phố Sinh học” với diện tích khoảng 180ha. Tên gọi như thế nhưng đây không phải là khu phố dân cư mà là khu công nghệ cao chuyên về y – sinh học.

Nơi đây có một loạt nhà cao tầng được thiết kế nhìn bên ngoài như những khách sạn 5 sao nhưng bên trong lại là nơi đặt văn phòng, các phòng thí nghiệm và cơ xưởng. Tất cả các tòa nhà đều đặt trong vùng đất cao ráo, chung quanh là cây rừng và các công viên xanh tươi. Tại đây còn có các cư xá, quy tụ biệt thự theo kiểu Anh và các căn hộ thấp tầng cho chuyên gia và các trường phổ thông quốc tế cho con em chuyên gia.

Điều độc đáo khác, “Thành phố Sinh học” nằm trong khoảng cách rất gần và kết nối dễ dàng với NUS và NTU, Cao đẳng Singapore Poly, Trường Kinh doanh quốc tế ISEAD (Pháp), các viện nghiên cứu trong Khu Khoa học quốc gia và Khu Công nghệ điện tử. Một lối vào của BIOPOLIS nằm đối diện với tòa cao ốc trụ sở của Bộ Giáo dục Singapore. Tất cả các thiết kế ấy chứng tỏ BIOPOLIS được đặt trong một khu được quy hoạch rất thông minh và lý tưởng, từ nhiều thập niên trước.

Hiện tại, BIOPOLIS là nơi đặt bản doanh của hơn 50 công ty y – sinh tên tuổi bậc nhất của thế giới và Singapore như: Glaxo Smith Kline,  Novartis,  CombinatoRx, Austrianova, Sinvax A*STAR Bio processing. “Thành phố sinh học” này đang có hơn 4.000 cư dân là các nhà khoa học chuyên môn cao, thuộc nhiều quốc tịch. Kế hoạch xây dựng và mở rộng BIOPOLIS chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu thực hiện nhanh trong 3 năm 2000 – 2003, với tổng vốn đầu tư ban đầu của nhà nước là 500 triệu đôla Singapore (giá vào năm 2000, không tính đất đai). Sắp tới, vào giữa năm 2022, BIOPOLIS sẽ bắt đầu giai đoạn 6, với mục tiêu tạo thêm không gian làm việc cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực y  – sinh. Công ty khởi nghiệp hiện là trào lưu thúc đẩy sáng tạo với chi phí thấp trong nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là từ thời kỳ thế giới sống chung với Covid-19.

Kinh tế y – sinh của Singapore với hai chân trụ là BME tại các đại học và BIOPOLIS đã góp phần rất lớn vào GDP của Singapore. Theo khảo sát của Đại học Cambrigde, doanh thu công nghiệp y – sinh của Singapore trong năm 2019 đạt 11,2 tỷ bảng Anh (khoảng 15,8 tỷ USD), bằng khoảng 20% doanh thu của toàn ngành công nghiệp chế tạo. Tỷ lệ đóng góp của công nghiệp y – sinh vào GDP của Singapore là khoảng 5%. Mặt khác, nó tạo ra gần 25.000 việc làm kỹ thuật cao (tốc độ tăng trưởng việc làm là 7%, lớn nhất trong các ngành công nghiệp).

Singapore trong những năm gần đây đã đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm y – sinh học của châu Á vào năm 2030 và xem đó là một mũi nhọn hàng đầu để thu hút đầu tư nước ngoài. Sinh viên NUS và NTU ngành y – sinh còn được gởi đi học và làm việc tại các “thung lũng sinh học” như Pennsylvania (Mỹ), Lausanne (Thụy Sĩ)…

Lập “căn cứ tài năng”, từ bỏ “tay không bắt giặc”!

Không chỉ BioNtech và Sanofi quyết định tăng cường đầu tư tại Singapore vào lĩnh vực y – sinh ngay trong thời kỳ COVID-19. Theo FDI Intelligence – một thành viên của báo Financial Times, trong năm “vỡ trận COVID-19” đầu tiên 2020, Singapore đã thu hút được 12 dự án đầu tư nước ngoài vào y – sinh, trị giá 358 triệu USD. Tính từ 2015 – 2020, Singapore đã giành được 95 dự án đầu tư FDI vào y –  sinh, chỉ xếp sau London và vượt qua Thượng Hải, Dubai, Boston, Paris, Tokyo, New York. Vào thời điểm đầu năm 2021, khi cơn “sóng thần” COVID-19 thảm khốc ập xuống Ấn Độ, giới đầu tư càng thấy quyết định đặt nhà máy vaccine ở Singapore  – chứ không phải Ấn Độ, là một quyết định nhìn xa “khôn ngoan”. 

Như vậy, trong lúc nhiều nước trên thế giới đang chật vật đương đầu với “trận giặc” COVID-19, Singapore vẫn nhanh chóng tìm ra và “chớp cơ hội” kinh doanh “ngàn vàng” bằng kinh tế y – sinh mà họ đã chuẩn bị nền móng từ lâu. Tiến sĩ Ugur Sahin, Tổng giám đốc BioNtech cho biết lý do chọn Singapore để mở tổng hành dinh vaccine ở Đông Nam Á là vì nơi đây có “khí hậu kinh doanh” tuyệt vời, có công nghiệp BME đang tăng trưởng. Đặc biệt, ông nói Singapore là “rich talent base” – căn cứ tài năng hùng hậu! 

Nhận xét này càng làm người viết nhớ đến câu chuyện người thiết lập ngành đào tạo BME ở Đại học NUS năm 2001. Đó là một công dân nước ngoài chứ không phải là người Singapore, từng là giáo sư Đại học New Castle và Đại học Sydney trước khi chuyển sang làm Trưởng ngành BME tại NUS từ năm 2001 – 2004. Ông còn là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Úc và nhiều cơ quan khoa học uy tín trong nhiều ngành liên quan cơ khí, vật lý và  y – sinh. Hiện tại, ông vẫn đang là giáo sư ngành cơ khí tại NUS. Ngoài ra, ông từng giảng dạy và nghiên cứu ở Mỹ, Trung Quốc và Úc. Càng ngưỡng mộ hơn nữa, vị giáo sư kỳ cựu ấy là người gốc Việt, tên ông là Phan Thiện Nhân. 

Để có được những chuyên gia giỏi như GS. Nhân, trong Tổng cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), từ lâu đã có một đơn vị Contact Singapore, chuyên tiếp thị và săn lùng tài năng các loại cho các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu. Mặt khác, cơ quan A*STAR (một dạng bộ khoa học và công nghệ) có chương trình học bổng lớn lao cho các tài năng khoa học trong và ngoài nước ngay từ bậc trung học. Rất tiếc, người viết chưa rõ, các Bộ Khoa học – Công nghệ , Bộ Y tế hay Bộ Giáo dục – Đào tạo và các trường đại học của Việt Nam trong 20 năm qua có mời những tài năng như GS. Phan Thiện Nhân tham gia kích hoạt phát triển các mũi nhọn công nghệ và kinh tế hay chưa? Hoặc đã có những học bổng xứng tầm nuôi dưỡng tài năng khoa học – công nghệ ở hệ thống phổ thông thay cho những chương trình chỉ nhằm đào tạo học sinh giỏi đi thi Olympic các loại? 

Ngày nay, mọi người đều rõ Singapore – một nước nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có nhân lực và vị trí giao thông thuận lợi nhưng lập được nhiều kỳ tích trí tuệ. Singapore không chỉ có các chính sách kinh tế đúng đắn và quyết liệt mà còn có chính sách phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ rất thông minh, táo bạo. Nhờ vậy, từ thế giới thứ ba nghèo đói và bị “ăn hiếp” triền miên, Singapore đường hoàng bước vào thế giới thứ nhất đầy thế lực. Việt Nam và Singapore đều trong khối ASEAN, do vậy càng nên “học thầy không tày học bạn”! Phải chăng đã đến lúc, không riêng một tỉnh, thành, về kinh tế và thu hút đầu tư, chúng ta cần từ bỏ nhanh hơn tư duy “tiểu chủ” – cho thuê đất và thuê nhân công rẻ! Hãy từ bỏ những dự án địa ốc mỹ miều hay những trung tâm dịch vụ cao vọng, mang trong đó nỗi ám ảnh truyền kiếp “tay không bắt giặc”! 

Trong giáo dục và đào tạo cũng vậy, phải dứt khoát vứt bỏ những cuộc “cải cách” lạ lùng mà phần lớn chỉ loay hoay đối phó trong chuyện sách giáo khoa, thi cử, chạy trường, chạy lớp, bằng cấp và học vị “ma mãnh”. Đã đến lúc Chính phủ nhiệm kỳ mới phải thiết kế lại giáo dục sao cho đủ sức tạo ra “căn cứ nhân lực” hùng hậu cho cả “đại bàng” trong nước và nước ngoài, cho tất cả các ngành kinh tế từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt là trong thời kỳ thế giới sống cùng COVID-19, các mũi nhọn kinh tế có khả năng cạnh tranh cao của Việt Nam như nông nghiệp và chế biến thực phẩm hay kinh tế biển rất cần đầu tư và xây dựng mạnh mẽ, bắt đầu từ đào tạo và khoa học chứ không phải từ việc ồ ạt đô thị hóa, xây dựng khu công nghiệp, trung tâm nghỉ dưỡng hay tài chính, dịch vụ! 

Phúc Tiến

Nguồn: Người Đô Thị


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thủ đô Vientiane bị phong tỏa: thêm mối lo cho miền Trung Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: COVID-19 đang ở mọi nơi

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổ chức y tế Trung Quốc – CHO?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.