Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sau nhà tù, đến lượt trung tâm cai nghiện ma túy là ổ dịch Covid

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Trong khi tin tức về ổ dịch Covid ở khám Chí Hòa tiếp tục được bịt kín, thì giờ đến lượt trung tâm cai nghiện Bố Lá thành ổ dịch Covid.

 

Luật sư La Kim hôm 17-7 đã chia sẻ với đồng nghiệp tin tức việc nhiều gia đình quan tâm tới người thân của mình đang bị tạm giam tại Chí Hòa… “Sáng nay vừa nhận được tin một thân chủ đột tử lúc khuya. R.I.P” – luật sư La Kim nói thêm rằng thân chủ này của ông có kết quả dương tính với con virus cúm Tàu.

Ngày 7-7, báo chí đồng loạt đưa tin “TP.HCM phát hiện 81 ca mắc COVID-19 ở trại giam Chí Hòa”. Sau đó thì không thấy các tin tức tiếp theo về lây lan, F0 chuyển nặng, và trong con số thương vong vì Covid của TP.HCM, có bao nhiêu là từ những F0 của khám Chí Hòa.

Trong buổi họp báo về phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM vào chiều ngày 21-7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin về một số nội dung liên quan đến 506 ca nghi nhiễm tại cơ sở cai nghiện Bố Lá đóng tại tỉnh Bình Dương.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM – ông Lê Minh Tấn thông tin, đến chiều 20-7, đã thực hiện xét nghiệm cho 689 người tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (gọi tắt cơ sở Bố Lá, trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) và có 506/689 người cho kết quả dương tính Covid-19. Trong 506 người dương tính với Covid-19, có 450 học viên và 56 viên chức, người lao động.

Ông Lê Minh Tấn cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin, sở đã phối hợp Sở Y tế Bình Dương trong công tác phòng chống dịch nhưng do Sở Y tế Bình Dương không đủ sức nên đề nghị Sở Y tế TP.HCM đảm trách. Theo ông Tấn, trong đêm 21-7, Sở Y tế TP.HCM cử một tổ bác sĩ xuống cơ sở Bố Lá để sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc 506 học viên và viên chức nhiễm bệnh.

Trường hợp học viên bệnh nặng thì chuyển lên bệnh viện Nhân Ái ở Bình Phước; nhân viên bệnh nặng thì chuyển về bệnh viện ở Bình Dương hoặc Củ Chi.

“Mong rằng tất cả những thân nhân, gia đình của những người cai nghiện nghi mắc Covid-19 an tâm, ngành y tế sẽ chăm sóc cho người bệnh và đang đề xuất tăng thêm suất ăn 80.000 đồng/ngày cho người bệnh”, ông Tấn nói. “Hy vọng thân nhân của 450 học viên an tâm”, ông Lê Minh Tấn nói.

Về nguyên nhân nhiễm bệnh, ông Tấn cho hay đối với cơ sở Bố Lá, do công việc đặc thù nên nhân nhân viên chăm sóc, phục vụ học viên sau khi làm hết ca rồi ra về, hôm sau đi làm lại, vì vậy mầm bệnh có thể từ cộng đồng vào.

Về quản lý chung, từ vụ việc cơ sở cai nghiện Bố Lá, ông Lê Minh Tấn cho biết đã thiết lập 10 phòng cách ly tại Cơ sở tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu làm nơi tiếp nhận, điều trị cho ca dương tính chuyển biến nặng tại các đơn vị: Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá; Cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình; Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2; Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu.

Sở cũng thiết lập 10 phòng cách ly tại Trung tâm bảo trợ xã hội Hiệp Bình Chánh đề điều trị ca dương tính chuyển nặng tại các đơn vị: Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ Người bại liệt Thạnh Lộc; Làng Thiếu niên Thủ Đức; Trung tâm Bảo trợ xã hội Linh Xuân.

Với học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá, sở lập 3 phòng cách ly tạm thời để chăm sóc, theo dõi ca chuyển biến nặng và điều chuyển về Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu để điều trị. Viên chức và người lao động được cách ly tạm thời tại 2 phòng để chuyển trường hợp nặng đến cơ sở y tế địa phương.

Mặc dù mang tên gọi là “Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá” là đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, đóng trên địa bàn ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, song mức độ đe dọa trật tự trị an khi nơi đây là ổ dịch Covid được đánh giá lá không thua kém khám Chí Hòa.

Đơn vị này có chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục học viên cai nghiện ma túy có tiền án đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt tù trên 5 năm; đối tượng thường xuyên gây mất an ninh trật tự tại địa phương và người đang cai nghiện vi phạm kỷ luật nghiêm trọng từ các cơ sở cai nghiện khác của thành phố chuyển về.

Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá có 5 phòng chuyên môn; 89 viên chức, người lao động (hiện tại có 7 người đang ở nhà làm việc, không vào cơ quan) và quản lý 635 học viên.

Hồi năm ngoái, trong Tuyên bố chung về Các trung tâm cai nghiện ma tuý và phục hồi bắt buộc tại châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh dịch COVID-19, các cơ quan Liên Hiệp Quốc nhắc lại lời kêu gọi tới các quốc gia thành viên hiện vẫn duy trì các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc cần đóng cửa vĩnh viễn, không trì hoãn, các cơ sở này, cần giải phóng các cá nhân bị giam giữ, coi đây là một biện pháp bổ sung quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và kiềm chế, không sử dụng bất kỳ hình thức giam giữ nào khác.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên khi họ thực hiện các bước nhằm đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc này và chuyển sang một hệ thống các dịch vụ và điều trị dựa vào cộng đồng, mang tính tự nguyện và có bằng chứng phù hợp với các hướng dẫn và nguyên tắc quốc tế về điều trị lệ thuộc ma túy, sử dụng ma túy và quyền con người.


Tin bài liên quan:

BBC – Việt Nam: Bác sĩ giữa lằn ranh sinh tử nơi bệnh viện dã chiến

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự thành công của Việt Nam trong đối phó với đại dịch coronavirus được xây dựng trên sự đàn áp

Phan Thanh Hung

VNTB – Trước năm 2022: Điều gì sẽ xảy ra trong đại dịch năm thứ ba

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo