Phú Nhuận
(VNTB) – “Phải tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng”.
Trung tuần tháng 8-2021, tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có yêu cầu: “Phải tiếp xúc với dân chân thực, đừng tiếp xúc hình thức, không được mị dân, theo đuôi quần chúng. Phải tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng”.
Nếu phát biểu trên là thật lòng, thì mong rằng Đảng và Nhà nước hãy cầu thị lắng nghe ý kiến của dân chúng, doanh nghiệp về việc ‘sống chung với số ca nhiễm Covid’.
Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay trở lại Việt Nam
Báo cáo tổng hợp phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số hơn 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát trong tháng 8-2021, tỷ lệ tạm ngừng do dịch chiếm 69%; số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng là 16%; số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể là 15%.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm thời đóng cửa nhiều nhất là bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.
Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) vừa đồng loạt ký tên kiến nghị gởi Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
“Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”, kiến nghị được mở đầu bằng nhận xét hết sức thẳng thắn khi tình hình giãn cách càng trở nên mở rộng, kéo dài.
Các hiệp hội nước ngoài cho rằng doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.
Đưa dữ liệu khảo sát mà các hiệp hội đã thực hiện cho thấy “ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác”, nhiều thành viên của các hiệp hội cho hay nhà đặt hàng thay đổi phương thức sản xuất sẽ rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Nêu quan điểm “Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại”, các hiệp hội nhận định đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.
Chính vì vậy, không chỉ khẩn thiết đề nghị sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái “bình thường mới” ngay bây giờ, các hiệp hội đề xuất những doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được “kích hoạt” để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động, mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.
Đeo đuổi xét nghiệm toàn dân sẽ đẩy kinh tế vào kiệt quệ
Xét nghiệm là cần thiết trong chiến lược kiểm soát dịch, nhưng xét nghiệm đại trà thì không phải là phương án tối ưu. Lý do là xét nghiệm giống như chụp hình tại 1 thời điểm, mà dịch thì diễn biến liên tục. Người ta có thể không bị nhiễm ngày 1, nhưng bị nhiễm vào ngày thứ 5, và trong trường hợp này thì nếu xét nghiệm ngày 1 sẽ không phát hiện.
Vấn đề ở đây còn là tiền bạc hao tốn.
Nếu mọi người đều test nhanh 3 ngày/ lần, với mỗi lần chi phí 300.000 đồng x 10 lần tháng = 3.000.000 đồng/ tháng. Nếu tính cả nước chỉ cần test 70% dân số thôi, thì số tiền test một năm cả nước sẽ tương đương 2,5 triệu tỷ đồng.
Con số tạm tính ở trên cho thấy quá tốn kém, ngân sách sẽ cạn kiệt, doanh nghiệp và người dân sẽ kiệt quệ, dịch bệnh còn kéo dài thì không có ngân sách nào chịu nổi. Vậy tính toán nơi nào có nguy cơ cao, hay những người có triệu chứng thì test, nơi nào phòng chống dịch tốt, thì xem lại.
Xét nghiệm diện rộng chỉ áp dụng khi chưa đánh giá được mức độ lây nhiễm ở một khu vực. Khi xác định vùng đỏ rồi không cần phải xét nghiệm diện rộng, giải pháp là phải đẩy mạnh chích vắc xin để bảo vệ nhóm nguy cơ. Chỉ nên xét nghiệm với người có triệu chứng, có mật độ di chuyển nhiều để tách và bảo vệ người xung quanh, đặc biệt cao tuổi, nhiều bệnh lý nền.
Bởi, mục đích chính của xét nghiệm là đi tìm bệnh, không phải tìm ca dương tính.
Quan sát ở nhiều địa phương cho thấy đang có hiện tượng “áp đặt” chiến lược xét nghiệm diện rộng với tất cả mọi tình huống, mọi địa phương. Ở góc độ quản lý chưa được nhìn nhận và điều chỉnh kịp thời, dẫn đến tình trạng áp dụng một cách máy móc về xét nghiệm diện rộng, gây lãng phí tiền bạc, thời gian và không mang lại hiệu quả.
Một dẫn chứng: Ngày 18-9-2021, Hà Nội có phát hiện một chùm bệnh nhân tại vùng xanh, và là chùm ca bệnh cộng đồng, tuy nhiên ca bệnh đầu tiên trong chùm ca (ca chỉ điểm) có dấu hiệu ho sốt từ 12-9, gia đình tự mua thuốc điều trị không đỡ. Đến 17-9 bệnh nhân khó thở, chuyển vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang và xét nghiệm dương tính.
Tính tổng số trên 4,12 triệu mẫu xét nghiệm tính đến 16-9, chi phí tìm ra một ca dương tính thông qua xét nghiệm – theo thông báo của nhà chức trách, là khoảng 20 tỷ đồng, thấp hơn 10 tỷ đồng so với tính toán của một số bài báo. Trong đó, nhóm vùng xanh không ghi nhận ca bệnh nào ngoại trừ trường hợp kể trên, nhưng đây lại là ca có dấu hiệu ho, sốt và thuộc nhóm nguy cơ cao, bắt buộc xét nghiệm 100%.
Như vậy, mức phí cho “vùng xanh” là quá cao, và hoàn toàn có thể tiết kiệm được nếu có chiến lược xét nghiệm hiệu quả.
Cho đến hiện tại, Bộ Y tế vẫn xác định “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt”, yêu cầu các địa phương trực thuộc trung ương khẩn trương xét nghiệm cho toàn bộ người dân nhằm phát hiện sớm nguồn lây.
Tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ; huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu.
Thay lời kết
Ghi nhận tại Sài Gòn. ‘Vùng xanh’ được ‘vùng đỏ’ gởi rau cứu trợ, chuyện lạ nhưng không lạ, vì ,vùng đỏ, được mạnh thường quân tặng quà, còn ‘vùng xanh’ thì không được đi ra ngoài đường, mà cũng không có chợ để mua.
Ngay từ năm ngoái khi dịch bùng phát ở Anh, các giới chức y tế đã đi đến kết luận rằng xét nghiệm đại trà không phải là cách chính xác để truy tìm các ca covid trong dân số. Trong lá thư gởi Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Anh viết rằng xét nghiệm trên những người không có triệu chứng bằng que là không chính xác và có thể cho ra kết quả làm cho người bị nhiễm tưởng rằng mình không bị nhiễm (do sai sót trong xét nghiệm).
1 comment
Cứ giao cho phường,xã xét nghiệm(phường,xã nào cũng có trạm y tế) theo hình thức cuốn chiếu,vừa xét nghiệm vừa tiêm ngừa,nếu trong giai đoạn xét nghiêm,phát hiện dương tính,nhẹ bố trí điều trị tại nhà(có kiểm soát địa phương cũng đầy đủ nhân lực),còn nếu trở nặng đưa vào bệnh viện,số còn lại âm tính tiêm ngừa luôn.Chia nhỏ như vậy(theo kiểu du kích)vừa dễ quản lý,ít tốn kém tiền bạc,lại tiết kiệm nguồn lực y tế cho tuyến trên,quận,huyện,tỉnh,thành hỗ trợ phía sau khi phường,xã thiếu,có yêu cầu thì bỗ sung.dành cho y tế tuyến trên có nhiều nhân lực,thời gian hơn, chữa trị cho bệnh nặng hơn hạn chế tử vong.Bảo đảm trong vòng mười đến mười lăm ngày,(tùy theo tốc độ xét nghiệm,tiêm ngừa)là im ru,thử đi rồi sẽ thấy hiệu quả.