Võ Hàn Lam
(VNTB) – Chống dịch hiệu quả và việc tiếp cận sớm vắc xin đã giúp Singapore giữ được tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp so với trung bình thế giới, bất chấp việc ca nhiễm những ngày qua đều tăng 4 con số.
Việt Nam đã không thể như Singapore khi cho đến nay Hà Nội mới chỉ có thể ‘tiếp cận’ vắc xin do Trung Quốc sản xuất, trong đó có cả loại vắc xin chưa được sự phê chuẩn về sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Học gì từ Singapore?
Theo Đài Channel News Asia, Singapore báo cáo thêm 2.356 ca Covid-19 trong ngày 2-10, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch vượt qua mốc 100.000 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên ca nhiễm giảm sau 4 ngày tăng liên tục. Bộ Y tế Singapore cho biết có 4 ca tử vong trong cùng ngày, gồm 3 phụ nữ và 1 người đàn ông tuổi từ 55 – 80. Cả 4 người đều chưa tiêm ngừa và có nhiều bệnh nền.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong – đồng chỉ huy lực lượng đặc trách liên bộ chống Covid của Singapore – kêu gọi người dân không nên quá lo sợ về số ca nhiễm hằng ngày và hãy kiên nhẫn.
“Như chúng tôi đã nói, do tỉ lệ chích ngừa của chúng ta cao nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca nhiễm. Chúng tôi đang dồn lực cho những người bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Các quy trình và giao thức cần phải thay đổi, cần bổ sung thêm công suất cho bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng” – ông Wong cho biết.
Theo một bản tin đăng trên BBC ngày 2-6-2021, “Tháng 12/2020, tức là 11 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm covid19 đầu tiên, Singapore lấy được vaccine Pfizer về nước. Sớm nhất Châu Á.
Tôi thấy vụ việc bỏ hơn 1 tỷ đô la đầu tư sớm cho vaccine của Singapore thể hiện đúng bản chất Kiasu (sợ mất) và Kiasee (sợ chết) của quan dân nước này. Xin mở ngoặc một chút, Kiasu hay Kiasee là ngôn ngữ địa phương Singapore, dân chúng hay sử dụng để chê bai chế nhạo lẫn nhau, nhưng về chính sách thì hóa ra lại đúng là Quân tử sớm tối nên phòng thân” – trích phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt với ông Michael Nguyễn, doanh nhân quốc tịch Singapore về quá trình hình thành chiến lược chống dịch Covid-19 của chính phủ Lý Hiển Long.
Đến ngày 5-6-2021, BBC có bài “Singapore có cho dùng vaccine Trung Quốc không, theo cách nào?”. Ngay đoạn mở đầu, tác giả viết: “Cho đến ngày 5/6 này, Bộ y tế Singapore chỉ cấp phép cho vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna để sử dụng trong chương trình tiêm vaccine chống Covid-19 tại Singapore”.
Bài báo có những thông tin khác rất đáng quan tâm cho việc liên quan đến hô hào của Hà Nội, “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất!” Theo đó, có khoảng 20 trung tâm y tế tư nhân của đảo quốc này được lựa chọn để cung cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc. Bởi Singapore, từ tháng Hai, đã tiếp nhận khoảng 200.000 liều Sinovac.
Các nhà cung cấp sẽ được thu phí cho bệnh nhân chích Sinovac, nhưng chính phủ sẽ hoàn trả khoản phí đó cho người chích.
Trước câu hỏi vì sao WHO đã phê duyệt cho Sinovac mà Singapore không đưa vắc xin này vào chương trình vắc xin quốc gia, Bộ Y tế Singapore giải thích danh sách vắc xin của WHO tập trung vào nhu cầu vắc xin của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Hà Nội chậm chạp ‘trở tay’ vì không dũng cảm ‘nhận sai’?
Trở lại với Việt Nam lúc này ra sao về tình hình chích ngừa phòng Covid?
Tính đến ngày 3-10-2021, người dân từ 18 tuổi ở TP.HCM được thông báo là đều đã chích mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19, tùy quận/ huyện, đạt tỉ lệ từ 43% đến 99%, trong khi đó hiện vẫn còn khoảng 4% người dân từ 18 tuổi trở lên chưa chích mũi 1.
Thế nhưng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trừ Long An, các địa phương còn lại đều có tỷ lệ chích vắc xin phòng Covid-19 rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết thời gian qua, Cà Mau đã nhận được tổng số 202.450 liều vắc xin từ Bộ Y tế, thực hiện chích cho 216.059 người, chiếm khoảng 13,9% dân số trong toàn tỉnh.
Ông Dũng cho biết thêm rằng hồi tháng 7-2021, Bộ Y tế phân bổ 33.600 liều vắc xin Moderna và 1.728 liều Moderna cấp cho lực lượng công an. Theo đó, tỉnh đã chích cho 35.280 người. Thời gian gần đây, Bộ Y tế phân bổ cho Cà Mau 11.700 liều vắc xin Pfizer để chích mũi 2 cho người đã chích mũi 1 Moderna. Như vậy, tỉnh còn 21.580 người chích Moderna đã qua 8 tuần nhưng chưa chích mũi 2.
Số liệu trên cho thấy rất có thể các quan chức trong bộ máy chính quyền và lực lượng công an ở tỉnh Cà Mau, cho đến nay vẫn chưa được chích đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 như quy định. Mà khi ‘quan trên’ đã vậy, thì nói chi đến ‘dân đen’.
Tại thành phố Cần Thơ, theo báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ thì địa phương đã được Bộ Y tế phân bổ 341.440 liều vắc xin phòng Covid-19 các loại. Tính đến chiều 2-10, các quận huyện đã chích được tổng cộng 356.263 liều, đạt tỷ lệ chích là 23,8% nhu cầu. Trong đó, có 61.004 người đã được chích đủ mũi 2, đạt tỷ lệ 4,9%.
Số liệu của tỉnh Đồng Tháp, ở đợt 14, trong ngày 3-10, chích được 28.390/ 200.000 liều vắc xin Vero Cell, đạt 14,2%. Tính đến ngày 03-10-2021, toàn tỉnh đã chích được 451.196 liều, gồm chích mũi 1 là 354.954 liều, đạt 30,04% dân số tỉnh; chích mũi 2 là 96.242 liều, đạt 8,15% dân số tỉnh.