Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai là kẻ tội đồ?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Sau mấy tháng trời hơn hai mươi ngàn sinh linh thương vong; riêng ở Sài Gòn có trên 1.500 trẻ em mồ côi

 

Những câu hỏi sẽ không ai trả lời

Trong 4 tháng giãn cách xã hội từ tháng 6, 7, 8, 9 lại là mùa mưa, không khí âm u tối tăm, nhếch nhác, ẩm ướt muỗi mòng. Không ai đi làm việc, không ai được phép ra khỏi nhà, tất cả hàng ngày mặt đụng mặt, chật chội,… thử hỏi có áp dụng 5K được không?

Thử đặt câu hỏi trong 4 tháng qua, có ai chăm lo cho họ không: Liệu chính quyền, phường xã có lo cho họ vì họ chỉ là tạm trú? Liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có lo cho họ không – vì giới chủ doanh nghiệp nơi họ làm việc, vẫn đều đặn trích đóng các quỹ này kia mà.

Liệu các ông chủ doanh nghiệp có thể nào lo cho họ các chế độ chính sách thay cho ông chủ nhà nước, khi mà ngay cả ông chủ doanh nghiệp cũng đang khốn khổ vì nguy cơ phá sản?

Vậy là họ đành phải về, về vì quá sợ hãi những ngày qua ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Họ sẽ quay trở lại nếu tình hình Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai sáng sủa hơn.

Thế nhưng thế nào mới gọi là ‘sáng sủa hơn’?

Tháo chạy vì kiệt quệ niềm tin mất rồi…

Người dân tháo chạy vì họ đã cạn kiệt, họ không còn tin, họ đi tìm nơi yên thân. Đó chỉ còn là quê và nhà. Nên để người dân, lao động trở lại thì cũng chỉ có cách xóa dần đi những điều khiến họ phải rời đi ấy.

Các chính khách salon than phiền rằng cuộc trở về của đoàn người di cư đang làm dấy lên nỗi lo về việc thiếu hụt lực lượng lao động. Xin lỗi, đó là chuyện của doanh nghiệp, của chính quyền, không phải chuyện của đoàn người di cư. Những tập đoàn như Nike, Adidas sụt giảm sản lượng, nhiều tập đoàn tính đến phương án rời đi. Đó cũng lại là chuyện của doanh nghiệp, của chính quyền.

Riêng tôi – người viết bài này, chỉ thấy đau đáu với những bước chân – những bước chân mở cõi, những bước chân tha hương tìm sinh kế, những bước chân hoảng hốt trở về… Cả ngàn năm rồi, dường như họ vẫn đi, mà đâu chỉ họ, cả dân tộc này vẫn mải miết đi, giống như lãnh tụ hiện tại của Đảng cũng đang đi tìm con đường có bảng tên “xã hội chủ nghĩa”.

Có lẽ ở đây là tâm lý cố chấp, duy ý chí của vài chính khách chóp bu nào đó.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, kể rằng hình ảnh rào chắn, dây chăng cũng đã gắn với giai đoạn đặc biệt của nhiều người. Trên khắp đất nước, chúng ta đã có quá nhiều khu cách ly tập trung, vùng cách ly trong cộng đồng. Nhưng cho đến lúc này, việc khoanh vùng phong tỏa, cách ly vô tội vạ những khu vực dân cư chỉ vì có một hay vài ca F0 đã không còn hợp lý. Chúng ta đã chứng kiến sự khốn cùng của người dân khi bị phong tỏa cứng nhiều ngày để tin rằng, phương thức chống dịch đó hoàn toàn không nên lặp lại.

“Cuối tháng tư năm nay, tôi đã là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ rằng cần nhanh chóng giãn cách xã hội cách triệt để, hướng tới mục tiêu “Zero Covid” ở nước ta. Nhưng khi virus đã tấn công hàng trăm nghìn dân ở Sài Gòn, Bình Dương, tôi nhận ra, việc mong quét sạch Covid khỏi Việt Nam là điều không thể” – bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã ‘thức thời’ rất nhanh như vậy.

Xin hãy thôi coi đó là trận chiến sinh – tử để quyết thắng bằng mọi giá

Đơn giản thôi, Covid không có hộ khẩu nên nó chẳng biết ranh giới giữa các phường, quận, các tỉnh, thành mà tránh ra. Hai vùng tiếp giáp với nhau mà chính quyền địa phương vẫn còn chọn cách tiếp cận khác nhau chính là mồi ngon cho virus nhân rộng.

Tâm lý cục bộ, chỉ lo bảo vệ “vùng xanh thành tích” của mình vô tình khiến những người có trách nhiệm làm ngơ những dấu hiệu nguy cơ của xã, phường, huyện, tỉnh lân cận. Với biến thể Delta, tư duy cục bộ theo “địa giới của tôi” không thể ứng phó nổi…

“Khoa học là chìa khoá để loài người tồn tại đến hôm nay. Vì thế, cuộc sống có tiệm cận bình thường nhất hay không, ta phải tin và hành động theo khoa học” – bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, kết luận.

Tiếc rằng không ít chính khách ‘chức sắc’ đã không ‘cam tâm’ nhìn nhận thất bại vì đã ‘chống dịch’ bằng các tuyên bố quân sự hóa. Bởi đơn giản thôi, quy luật chiến tranh khác xa với quy luật thời bình.

Trong thời bình, khi làm ăn kinh tế, bao giờ doanh nghiệp cũng phải tính đến “chi phí cơ hội” (opportunity cost). Đây vốn là khái niệm chìa khóa trong kinh tế học. “Chi phí cơ hội” dựa trên cơ sở là nguồn lực khan hiếm nên buộc giới kinh doanh phải thực hiện sự lựa chọn. Như vậy, không thể hô hào chống dịch như chống giặc, vì dịch bệnh có quy luật riêng.

Khi đánh giặc ta có thể “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, hy sinh sức người và sức của để giành độc lập. Nhưng khi phòng/chống dịch, các chuyên gia lại phải đặt sinh mệnh con người lên trên hết.

Giờ tạm coi là ‘tàn cuộc chiến’, hay có người dùng từ ‘đình chiến’, cho thấy chống dịch như chống giặc của Việt Nam sau mấy tháng trời, đưa đến hơn hai mươi ngàn sinh linh thương vong; riêng ở Sài Gòn có trên 1.500 trẻ em mồ côi vì phụ huynh mất do nhiễm Covid.

Trong nỗi đau thấu trời đó ở thời bình – cùng với thảm cảnh màn trời chiếu đất của những đoàn di dân trên con đường thiên lý, liệu có nên ‘trảm’ một ai đó để gọi là ‘sửa sai’?


Tin bài liên quan:

VNTB – Để phòng dịch, sao không bầu cử qua ‘app’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không thể mãi im lặng

Phan Thanh Hung

VNTB – Hà Nội không còn COVID!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.